Trở lại Hoàng Sa lần này, hùng binh Mai Phụng Lưu đã mang theo bao khát vọng tàu đầy tôm cá, được yên bình đánh bắt trên vùng biển quê hương và nguyện làm cột mốc sống chủ quyền nơi đảo Hoàng Sa giữa biển mù khơi....
Con tàu mơ ước
'Sói biển' nhớ lại ngày hai vợ chồng bán nốt những cân tỏi giống cuối cùng trong nhà làm lộ phí dắt díu nhau vào đất liền để làm thủ tục vay ưu đãi 300 triệu đồng từ Ngân hàng Đông Á chi nhánh tại Quảng Ngãi để đóng lại tàu mới tiếp tục ra khơi.
Kể từ giờ phút hai tay run run đón nhận số tiền mặt sau khi hoàn tất các thủ tục vay tại ngân hàng, “sói biển” Mai Phụng Lưu lập tức ôm tiền đi tìm mua ngay con tàu 90 CV và đưa vào xưởng sữa chữa để kịp ngày ra khơi.
“Sói biển” Mai Phụng Lưu cầm lái con tàu khát vọng đạp sóng ra lại Hoàng Sa. |
Sau hơn 1 tháng, con tàu mơ ước dũng mãnh cùng ông đạp sóng ra khơi. “Đến chừ khi đã ngồi sau bánh lái, được điều khiển con tàu ra lại Hoàng Sa tui cũng không tin nổi mình sắm lại được tàu mới sau 4 lần bị bắt giữ thu tàu....” - hùng binh Mai Phụng Lưu tâm sự.
“Những ngày được Cảnh sát biển Việt Nam đưa tàu ra đón về đất liền, không đêm nào tui ngủ trọn giấc. Bởi cuộc sống quá khó khăn, nợ chất chồng từ những lần bị bắt trước chưa trả được. Vợ con ly tán, nhưng nhờ tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả nước, vợ chồng tui đã vượt qua những tháng ngày khó khăn tưởng như không thể vượt qua được...” - ông Mai Phụng Lưu nhớ lại.
Trong từng giấc mơ của mình ông, Lưu kể cho tôi nghe những ớn lạnh của những lần bị bắt giữ, đánh đập và bỏ đói trên đảo Hoàng Sa. Những kẻ bất lương trên đảo mỗi lần bắt giữ tàu, sau khi đánh đập, bỏ đói rồi gọi ông lên với lời khuyên lẫn đe doạ rằng ông đừng bao giờ trở lại Hoàng Sa.
Nhưng ông bảo, sau mỗi trận bắt giữ đánh đập, bị ngất đi và nằm mơ về những con tàu bình yên đánh bắt trên vùng biển quê hương đầy tôm cá đã khiến ông quên đi nỗi hãi hùng và đau đớn.
Biển Hoàng Sa với ông còn thân thuộc hơn căn nhà đang sống. Bởi mỗi năm, có 10 tháng ông sống trên tàu lênh đênh giữa biển bất chấp bão tố, cuồng phong. Ký ức chợt ùa về, ông Lưu nhớ lại: “Nhà nghèo quá, không đủ cơm để nuôi 5 anh em ăn học, thế là tui bỏ trường lên tàu ra Hoàng Sa năm 14 tuổi. Nhờ sức khoẻ và chịu đựng, cũng như tài lặn bắt, chỉ vài năm sau tui rành nghề lặn biển, lại thông thuộc từng con nước, rạn san hô, lặn cả ngày dưới nước ở độ sâu 20 m nước, nên được anh em thợ lặng vùng biển Lý Sơn đặt cho tui biệt danh “sói biển”...
Mai Phụng Lưu và khao khát trở lại Hoàng Sa |
Dành dụm chắt bóp, con tàu mơ ước đầu tiên tự mình cầm lái ra Hoàng Sa được “sói biển” Mai Phụng Lưu vay mượn đóng mới khi bước sang tuổi 19. Kể từ ngày đó “Sói biển” Mai Phụng Lưu đã là ông chủ tàu tung hoành ngang dọc từ Trường Sa về biển Hoàng Sa quanh năm suốt tháng, nơi đâu cũng thấp thoáng bóng tàu của ông.
Những năm 80 của thế kỷ trước, ra Hoàng Sa, ông và hàng trăm tàu ngư dân khác vẫn bình yên. Đến đầu những năm 2000, tai ương bắt đầu rập rình khi những kẻ bất lương bắt giữ tàu, cướp hải sản và đánh đập đòi tiền chuộc.
Khát vọng chủ quyền biển khơi
Bất chấp hiểm nguy chực chờ nơi biển Hoàng Sa, những con tàu của ngư dân
miền Trung vẫn mải miết đạp sóng ra khơi. Với mỗi con tàu, mỗi ngư dân như
cột mốc sống chủ quyền giữa biển Hoàng Sa - Trường Sa suốt mấy trăm năm nay.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên thay mặt bạn đọc báo VietNamNet trao tặng dàn máy ICOM và tiền hỗ trợ cho ngư dân tàu Mai Phụng Lưu trở về |
Hàng nghìn ngư dân trắng tay lên bờ sau bao bão tố cuồng phong và những kẻ bất lương bắt bớ giam cầm, thu tàu đòi tiền chuộc. Mỗi bận trắng tay lên bờ, họ lại vay mượn, cấm cố nhà, cửa đóng lại tàu mới ra khơi.
Trong một chiều đầu tháng 8, ngồi cùng thuyền trưởng Tiêu Viết Là nơi biển Bình Châu, ông dõi cặp mắt nhìn xa xăm về phía biển.
Ông bảo nơi đó là Hoàng Sa, là nơi ông gắn cả
cuộc đời với sóng gió. Khát vọng của ông là được đóng lại tàu mới để trở lại
Hoàng Sa dù trên thân thể vẫn còn dấu tích của những trận đòn thừa sống
thiếu chết của những kẻ bất lương.
Hỏi ông không run sợ sau khi bị đánh, bị giam giữ thu tàu? Đôi mắt ông rực
sáng nhìn tôi rồi bảo: Tại sao phải sợ, biển Hoàng Sa là của mình. Mình đánh
bắt trên vùng biển quê hương tại sao phải sợ? Phải bám Hoàng Sa để khẳng
định chủ quyền của mình. Nếu run sợ, bỏ biển thì có tội với cha ông...
“Phải đóng tàu mới trở lại Hoàng Sa. Không phải riêng tui mà sẽ có rất nhiều
ngư dân nơi vùng biển này. Không thể bỏ biển, phải tìm cách...” - thuyền
trưởng Tiêu Viết Là thì thầm trước biển như lời nguyện ước.
May mắn hơn ông Là, “sói biển” Mai Phụng Lưu đã đóng được tàu mới và ra lại
Hoàng Sa chỉ sau hơn 1 năm nằm bờ.
Tôi vẫn còn nhớ như in, trước khi nhổ neo cho tàu ra Hoàng Sa, “sói biển” kịp điện thoại cho tôi bảo rằng ông lên đường trở lại Hoàng Sa, nguyện làm cột mốc sống chủ quyền.
Ông bảo không phải mình ông, mà trên tàu còn
có 9 ngư dân can trường khác và còn có gần 20 tàu khác của ngư dân Lý Sơn,
Bình Châu hình thành một đội tàu đánh bắt trên biển Hoàng Sa trong chuyến đi
này.
Rồi đây sẽ còn nhiều con tàu mang khát vọng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa
như vậy được đóng mới, cưỡi sóng đạp gió ngày đêm bám biển...
Với nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng từ Ngân hàng Đông Á ưu đãi, ngư dân sẽ có 100
chiếc tàu mơ ước. Và còn đó hàng triệu triệu trái tim đất Việt đang hướng
về, chung tay góp sức sẽ làm nên những con tàu mang theo bao khát vọng...
Vũ Trung