Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết, ba bệnh nhân trong vụ ngộ độc do ăn cóc nướng tại thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Trước đó, vào tối ngày 20/7, Bệnh viện đa khoa huyện Trạm Tấu tiếp nhận bốn bệnh nhân là bà Lò Thị Biều (65 tuổi) cùng con dâu là Mè Thị Dân và hai cháu là Mè Thị Quyền (13 tuổi), Mè Thị Thảo (11 tuổi) ở thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, đều có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, khó thở, huyết áp không đo được, nhịp thở chậm, da niêm mạc tím tái. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành các biện pháp như hút đờm, đặt nội khí quản, ép tim, dùng các thuốc vận mạch... để cấp cứu các nạn nhân. Sau hơn hai giờ được cấp cứu tích cực, nhưng do bị ngộ độc nặng do ăn phần nội tạng cóc và đưa đến bệnh viện chậm nên bệnh nhân Lò Thị Biều đã tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cóc nướng tại Bệnh viện đa khoa huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Ảnh: TTXVN |
Cuối tháng 6/2015, tại thôn Mông Đơ (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu), chị Hảng Thị Mê cũng đã bắt cóc để nướng cho con ăn. Hậu quả là con gái chị, cháu Mùa Thị Chi, 30 tháng tuổi, đã bị ngộ độc và tử vong.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, block nhĩ - thất, truỵ tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả. Vì vậy, cần phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu (bệnh viện).
Để phòng ngừa ngộ độc cóc, cần tăng cường tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức trong việc ăn, chế biến thịt cóc để không ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bản thân và người trong gia đình. Chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành; nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.
(Theo Bác sĩ Quốc Hùng/ SKĐS)