Vào một ngày TP.HCM vẫn đang bộn bề với công cuộc chống dịch, chị Trần Thị Thu Phương nhận được tin xấu: Xóm trọ mà chị đi phát thực phẩm ngày hôm qua có 15 người dương tính với SAR-Cov2. Hoảng loạn và lo lắng, chị vội vàng thông báo cho người thân, bạn bè.
Từ khi TP.HCM căng mình chống dịch, chị Phương thường xuyên lui tới các khu phong toả, khu cách ly, các xóm trọ nghèo để phân phát lương thực cho người dân. Chị chưa bao giờ nghĩ đến nguy cơ nhiễm bệnh bởi vì lúc nào chị cũng trang bị đồ bảo hộ rất kỹ càng. Nhưng ngày hôm đó, khi đến khu xóm trọ nghèo này, các công nhân ùa ra nhận quà khiến chị không kịp nghĩ đến việc tổ chức xếp hàng theo quy định.
Sau khi nhận tin xấu, cả đêm hôm đó chị mất ngủ. Chị tự trách mình tại sao lại bất cẩn như vậy. Chị bắt đầu nghi ngờ việc mình làm, rằng làm tự thiện lúc này liệu có nên hay chăng… Bao nhiêu câu hỏi, tự vấn bủa vây trong đầu chị.
Ngày hôm sau, những cuộc gọi của người thân, bạn bè ập đến. Chúng bỗng dưng trở thành những áp lực, khiến chị bị tổn thương. Những lời trách móc pha lẫn lo lắng: “Nếu không làm từ thiện thì đã không sao”, “Nếu mày bị làm sao thì làm sao con mày sống?”… Hơn lúc nào hết, chị cảm thấy day dứt, mặc cảm tội lỗi, căng thẳng đến tột độ. Trong những ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm, chị thường xuyên giật bắn mình mỗi khi có số lạ gọi đến.
"Không chỉ những người có nguy cơ nhiễm bệnh, trong giai đoạn này, khi mọi người phải ở yên trong nhà, có rất nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực xuất hiện ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau". Ảnh minh hoạ: Trương Thanh Tùng |
Chị tìm đến chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, bất an. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - một thành viên của PsyCare - Dự án Chăm sóc tinh thần mùa dịch do khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện - cho biết, chị Phương không phải là trường hợp hiếm hoi cần hỗ trợ tâm lý trong mùa dịch này.
“Nhiều người tìm đến chúng tôi khi họ mới chỉ rơi vào diện F1, F2. Nhưng nếu không được hỗ trợ kịp thời, nhất là khi không may trở thành F0, họ có thể rơi vào trạng thái suy sụp”.
“Không chỉ những người có nguy cơ nhiễm bệnh, trong giai đoạn này, khi mọi người phải ở yên trong nhà, có rất nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực xuất hiện ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Mọi người cảm thấy cô đơn, buồn chán. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh thì cảm thấy bất an, thậm chí hoảng hốt khi thấy số điện thoại lạ. Đó là những tâm lý điển hình”.
Theo báo cáo về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong hàng tuần do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố, các triệu chứng lo lắng và trầm cảm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã tăng từ 36,4% lên 41,5%. Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ ngày 19/8/2020 đến ngày 1/2/22021 trong 2 giai đoạn ở 790.633 người từ 18 tuổi trở lên.
Theo GS.TS.BS. Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, Covid-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn “tress” sau sang chấn.
Theo nghiên cứu của GS. Đức và các đồng nghiệp, các đối tượng cách ly, những người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… có phản ứng tâm lý rất mạnh. Trong đó, người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần.
Lý giải về việc dịch bệnh Covid-19 là yếu tố tác động gây ra những vấn đề về sức khoẻ tâm thần cho cả các đối tượng chưa có nguy cơ nhiễm bệnh, GS. Đức nhận định, giãn cách xã hội ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đến vấn đề tài chính của các doanh nghiệp và gia đình, từ đó khiến nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng người trưởng thành.
Ngoài ra, việc cách ly tại nhà không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn. Sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến căng thẳng, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.
Bác sĩ Vivian Pender, chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ phát biểu trên tạp chí y khoa Medscape rằng, việc giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng lớn đến những người sống phụ thuộc nhiều vào các mối liên kết và quan hệ xã hội.
“Việc chúng ta không thể gặp mặt đồng nghiệp, bạn bè, gia đình đã gây ra thiệt hại cho tất cả mọi người, khiến chúng ta căng thẳng nhiều hơn, lo âu nhiều hơn”.
Theo một nghiên cứu trên gần 900 bệnh nhân ở Mỹ sau 2 tháng có kết quả xét nghiệm dương tính với SAR-Cov2, 26% trong số đó bị trầm cảm, 22% bị lo âu và 17% có các triệu chứng căng thẳng sau sang chấn.
Tinh thần là loại vắc-xin quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ảnh minh hoạ: Trương Thanh Tùng |
Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho rằng, đại dịch là thử thách mà cả thế giới đang phải đối mặt. Việc sang chấn tâm lý do hoàn cảnh này gây ra là rất lớn và chắc chắn sẽ còn kéo dài, kể cả sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
“Nó có thể hiện hữu bằng sự thay đổi trong tâm sinh lý, thói quen sống của người dân: biết tích góp, hạn chế giao tiếp, cảm thấy bất an... Đối với những người đã từng nhiễm bệnh, sang chấn này là một trong những vấn đề lớn về mặt tâm lý với họ, không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà còn thể hiện ở sự hoảng loạn, căng thẳng về mặt tinh thần”.
Chia sẻ về cách ứng phó với thực tế này, bà Hạnh cho rằng chúng ta phải thừa nhận rằng dịch bệnh là điều bất khả kháng, không ai mong đợi, cho nên dù mình hay người thân vô tình nhiễm bệnh thì đó cũng không phải lỗi thuộc về ai.
“Việc chúng ta cần làm là phải chung tay, đồng lòng để kiểm soát dịch bệnh, không nên kỳ thị, xa lánh với người nhiễm bệnh.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để chiến thắng dịch bệnh là chúng ta cần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, mà một trong những loại vắc-xin rất quan trọng để tạo ra hệ miễn dịch tốt chính là tinh thần. Vắc-xin tinh thần giúp chúng ta có niềm tin, có nhận thức đúng đắn để luôn giữ tâm thế chủ động vừa phòng bệnh vừa trị bệnh cho bản thân”.
Covid là thứ đáng sợ nhưng không thể làm chúng ta suy sụp nếu chúng ta có nhận thức đúng đắn về mặt thông tin. Khi chúng ta có niềm tin, có tâm thế chủ động, tinh thần lạc quan, chúng ta sẽ tạo ra hệ miễn dịch tốt nhất cho cơ thể, chuyên gia tâm lý khẳng định.
PsyCare - Dự án Chăm sóc tinh thần mùa dịch của khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận hỗ trợ, tư vấn tâm lý miễn phí cho tất cả đối tượng người dân trên khắp cả nước với thông điệp Nâng tinh thần, đánh bật Covid. Dự án có sự tham gia của hơn 40 chuyên gia tâm lý học, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lí lâm sàng, các bác sĩ và hơn 10 tình nguyện viên, điều phối viên ở các trung tâm tư vấn tâm lý, các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc. Độc giả có thể liên lạc với PsyCare qua trang fanpage, zalo, số điện thoại 24/7 để được hỗ trợ tư vấn. Fanpage: psycarevietnam SĐT tư vấn: 0347.600.379 036.388.3597 052.225.3418 090.150.8800 0983.211.030 0703.265.444 |
Nguyễn Thảo
Đãi ngộ, chăm sóc tinh thần cho bác sĩ chống dịch
Nhân viên y tế phải ăn ngủ dài ngày trong bệnh viện, bị coi là F1 khi ra khỏi bệnh viện… liệu có phù hợp với một kịch bản chống dịch dài hơi?