Hiện nay, một số quán ăn ở chợ, vỉa hè… vẫn dùng các giấy cuộn vệ sinh làm giấy ăn cho thực khách. Nhiều gia đình cũng có thói quen sử dụng giấy vệ sinh để lau chùi cơ thể, xì mũi cho con. Theo các chuyên gia, thói quen này rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

Giấy vệ sinh khác với giấy ăn

Giấy vệ sinh chủ yếu làm từ nguồn giấy phế phẩm (giấy in, giấy photo, sách báo cũ...), khác với giấy ăn sử dụng nguyên liệu lấy từ các nguồn gỗ, trúc, các loại cỏ… Giấy phế phẩm thay vì xử lý theo quy trình tách rác – tách tạp chất – khử mực – khử hoá chất – tẩy – phân tán sợi – xử lý nhiệt – rửa nhiều cấp – tẩy trắng, thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ do không đủ máy móc, lại tiết kiệm chi phí nên bỏ bớt các bước tẩy mực làm sạch, hoặc dùng các hoá chất độc hại để tẩy trắng.

Hình ảnh thường thấy ở các quán ăn lề đường (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: SGTT

TS Vũ Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết: “Cách làm trên khiến giấy thành phẩm còn lẫn nhiều tạp chất, vi khuẩn, trong đó có các hoá chất gây hại”. Đáng lo hơn, khi sản xuất, các chất thơm và phenol có trong quá trình sản xuất giấy bị clo hoá, tạo ra chất Policlobiphenyl, rất độc hại với sức khoẻ con người (có thể gây ung thư). Theo ông Bảo, có thể phân biệt hai loại giấy này qua quan sát: giấy ăn thường mịn, không chứa ánh bạc của hoá chất trên mặt giấy, không có vết đen hay bẩn phía trên; đưa tay chà mạnh, thấy có độ dẻo, khó rách. Còn giấy vệ sinh khi vò nhẹ sẽ vỡ vụn, có vết bẩn...

Tiện, rẻ nhưng độc hại

BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng cho biết dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khoẻ. Thứ nhất, cơ thể sẽ hấp thụ những chân nấm độc hại, khuẩn cầu que… gây bệnh viêm kết ruột, dẫn tới viêm ruột, thương hàn, kiết lỵ, viêm gan... Thứ hai, giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, có thể xâm nhập gây ra những kích thích ở đường hô hấp. Thứ ba, hoá chất chống ẩm, tẩy trắng tồn trên giấy có thể gây kích ứng nếu da quá mẫn cảm, gây dị ứng khi kết hợp với mồ hôi, tạo nguy cơ viêm nhiễm các loại vi khuẩn, đặc biệt là virút herpes gây lở rộp môi.

“Để hạn chế bệnh tật từ giấy vệ sinh, người dân cần từ bỏ thói quen sử dụng giấy vệ sinh thay cho giấy ăn lau chùi đồ dùng ăn uống. Thay vào đó, hãy dùng khăn vải chuyên dụng, sau mỗi lần sử dụng giặt sạch, phơi sấy dưới ánh nắng. Không nên ham rẻ mà mua những loại giấy ăn, vệ sinh trôi nổi, không rõ xuất xứ…”, BS Mai nói.

Nhiều người viêm da vùng kín vì giấy vệ sinh

BS Ngô Thị Kim Thanh, chuyên khoa da liễu và tiêu hoá, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, trong khoảng mười bệnh nhân mắc chứng viêm kết mạc đến khám bệnh, có đến tám người được xác định bệnh liên quan đến giấy vệ sinh. Trong đó, không ít người còn bị viêm ở các khu vực nhạy cảm như âm hộ, âm đạo, viêm quanh hậu môn… Theo BS Thanh, hầu hết bệnh nhân bị cùng chứng ngứa, nổi chàm và sau khi ngưng dùng giấy vệ sinh chừng một tuần thì hết hẳn. “Chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng qua thực tế điều trị có thể thấy người có cơ địa nhạy cảm thường phản ứng với giấy lau, đặc biệt là những loại giấy không đạt chất lượng hoặc không được bảo quản tốt”, BS Thanh nói.


(Theo SGTT)