Là thứ Bảy nên người người tranh thủ đi, nghĩa trang vì thế rộn ràng như ngày hội. Đường vào nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức, TP.HCM) hai bên đường người dân bày bán hoa, đèn cầy và nhang để người đi viếng dễ dàng tấp vào mua nếu không chuẩn bị trước. Xe cộ tấp nập, tiếng người xôn xao bên những hàng mộ bia và khói hương nghi ngút.

Chúng tôi đi viếng mộ ông nội, bà nội, ba với má Hai nhưng đi tới 3 nghĩa trang, ngoài Gò Dưa còn Lái Thiêu (Bình Dương) và Hóa An (Đồng Nai), với đồ cúng mang theo sẵn, được mẹ chuẩn bị từ hôm trước.

Vật phẩm mang theo là phần lễ cúng đất đai và hoa quả cúng người thân, rồi thêm đèn cầy gió, nhang thơm, nước lọc... Ai cũng vậy, và nếu biết người thân mình thích gì thì đem theo, có thể là bánh bao, chuối, nhãn...

{keywords}
Mấy anh em đi thăm mộ ông bà cuối năm.

Ở mỗi nghĩa trang đều có nhóm người coi sóc mộ, cứ thấy thân nhân mộ nào tới họ đều theo lau mộ người đã khuất, và nhớ rành rọt từng người đã từng đi thăm mộ nào, nay còn hay mất.

Cúng đất xong, đến cúng người thân, tôi nghe anh Út gọi “má Hai, má Hai, bớ bà nội, ba ơi... nay là ngày 20 tháng Chạp, con lên thăm nội, ba, má Hai nè...” - nghe như thể người thân mình ở đó lâu ngày, giờ mình lên thăm.

Người phương Đông có quan niệm thờ cúng ông bà, tổ tiên, xem đó là hiếu đạo nên việc tảo mộ, lo giỗ chạp là thể hiện tinh thần đó: lớp trước sau truyền lại, tiếp nối. Những ngôi mộ ấm cúng hơn trong những ngày này và nhìn những ngôi mộ cũng biết gia đình đó có truyền thống tâm linh gì, con cái quan tâm không...

Thắp nhang cho người thân nhưng không quên “hàng xóm” của ông bà mình cũng là nếp sống trọng tình, xem “bà con xa không bằng láng giềng gần” hay “xóm làng tối lửa tắt đèn có nhau”. Hôm nay mình thắp nhang mộ bên cạnh, mai mốt người thân mộ xung quanh lên thăm cũng làm vậy với thân nhân mình, nghĩ thế nên thấy ấm lòng. Cuộc sống là sự sẻ chia, ngay cả một nén nhang cho người đã khuất! Thật nhân văn.

{keywords}
Mẹ Sài Gòn (là mẹ nuôi của tôi) nhiều năm yếu chân, không đi được nên giao cho mấy anh đảm nhận “nhiệm vụ” thiêng liêng này.

Thăm mộ người thân phần nào đó cũng là giáo dục con cháu lòng biết ơn, sự hỉ xả! Biết ơn ông bà, người thân sanh thành, giáo dưỡng, hỉ xả hết cái buồn vui lúc sống - dầu giận “chín xe mười vàng” hồi chưa mất thì khi không còn cũng xí xoá để thăm nhau, kêu người kia về ăn chuối, uống ly nước, cuối năm lại một lần hồi tưởng, gặp nhau trong ký ức!

Tảo mộ ngày cuối năm còn để biết, một năm trôi qua nhanh thật, để nhìn trên hàng bia mộ và thấy, đâu phải chỉ người già mới mất, bao người trẻ cũng đã “trở về cát bụi”, hưởng dương hai mấy, ba mấy... Người chết nhiều quá chừng, mới đó nghĩa trang đã thêm mấy dãy, mấy lô...

Tảo mộ gợi nhắc nhiều điều, để có ai đó suy nghĩ, thôi, mai mốt không biết có lô nào ở đó không; mà thôi, thiêu gửi cốt vô chùa, để con cháu tới ngày thăm mình thì được lần viếng chùa cũng đỡ.

Ai sinh ra làm người cũng chết, nghĩ về và chuẩn bị cho cái chết không phải là bi quan mà để lạc quan mà vui sống, vì biết bi quan chẳng được gì, nó chỉ khiến mình chết nhanh hơn và đau đớn hơn thôi!

Lưu Đình Long

Cách dọn dẹp nhà cửa để cả năm may mắn, nhiều tài lộc

Cách dọn dẹp nhà cửa để cả năm may mắn, nhiều tài lộc

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà mách cách dọn dẹp nhà cửa cuối năm để tránh phạm đại kỵ phong thủy, kích hoạt năng lượng tích cực, đón tài lộc năm Nhâm Dần 2022. Độc giả có thể tham khảo.