- Trong buổi thảo luận hội trường duy nhất về sân bay Long Thành chiều nay, ĐB Trương Văn Vở của tỉnh Đồng Nai - nơi đặt sân bay - khẳng định "bài toán khó nhưng có thể giải được".

Toàn bộ phiên họp QH chiều nay dành cho thảo luận về chủ trương xây dựng dự án sân bay Long Thành. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay, không ai không trăn trở khi đến 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, không chỉ nhỏ về quy mô mà còn xuống cấp trầm trọng.

{keywords}
ĐB Huỳnh Nghĩa: Bộ trưởng Đinh La Thăng nên đến quầy ăn bình thường nhất ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để xem tại sao bị xếp hạng tệ nhất thế giới

Không chỉ cần thiết có một sân bay mang tầm khu vực mà còn là tạo ra niềm tự hào cho nhân dân, ĐB nói chủ trương là đúng và cần thiết.

Tuy nhiên, bàn về thời điểm, ông dẫn ra thực tiễn đã có những "kinh nghiệm chua xót" khi triển khai nhiều dự án lớn mà thiếu nghiên cứu, phân tích khoa học. Do đó, việc xây dựng Long Thành chưa phải thời điểm hiện nay, cần thiết nhưng chưa cấp thiết.

Không có sân bay 5 sao thì phải có chất lượng 5 sao

Về năng lực nền kinh tế, ông cho hay con số 18,7 tỉ USD cho một siêu dự án như sân bay Long Thành thì câu hỏi lớn luôn là tiền đầu tư, lấy ở đâu. Chia sẻ cách tính của Bộ GTVT nhưng theo ĐB Huỳnh Nghĩa, hiệu suất đầu tư chưa được làm rõ, nhất là trong bối cảnh bội chi và nợ công đang lớn triền miên, bình quân một người VN gánh hơn 900 USD tiền nợ, là sự cảnh báo cho những tư duy trông chờ vào vay mượn; khả năng trả nợ cũng là vấn đề cốt tử cần cân nhắc.

Theo đó, ĐB cho rằng, kinh tế đất nước chưa cho phép tập trung vốn khổng lồ cho một dự án khổng lồ như vậy trong khi còn bao nhiêu vấn đề cần thiết như đường giao thông nông thôn, tiền lương cho những người làm việc chân chính. Trước khi nghĩ đến xây sân bay, chưa có tiền nâng lương cho những cán bộ ngày đêm làm việc cần mẫn thì chưa nên đầu tư cho Long Thành.

Ông cũng đề nghị Bộ GTVT cần luận giải công năng của Tân Sơn Nhất và trả lời câu hỏi tại sao sân bay luôn được cho là thiếu đất để mở rộng nhưng lại lấy 16 ha ngay trong sân bay làm sân golf, cũng như tính toán số lượng hành khách, ứng dụng công nghệ mới vì không phải phải không sử dụng được sân bay này trong vài chục năm tới.

"Bộ trưởng Đinh La Thăng nên đến sử dụng các quầy ăn bình thường nhất ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để xem tại sao bị xếp hạng tệ nhất thế giới, nghe rất xót xa. Nếu không phải sân bay 5 sao thì chất lượng phục vụ phải 5 sao, sân bay quốc tế liên tục cải thiện sao ta không làm được, trong khi chờ Long Thành thì hãy đầu tư cho 2 sân bay này" - ông kiến nghị.

Tại sao lo lắng về Long Thành?

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, một đất nước 90 triệu dân đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần một sân bay tầm quốc tế, thúc đẩy ngành hàng không và nền kinh tế, làm đầu mối kết nối, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

{keywords}
ĐB Nguyễn Phi Thường: Không đầu tư thì không thể phát triển

Theo ông, hàng không quốc tế đang bùng nổ, sắp mở cửa bầu trời ASEAN dẫn đến xu hướng dùng sân bay trung chuyển, nếu VN không có sẽ bị phụ thuộc, chưa kể sự bùng phát hàng không giá rẻ sau khi mở cửa bầu trời.

Ông cũng cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải và không thể mở rộng vì nằm giữa thành phố đông đúc, không kết nối đường xá, mở rộng sẽ phải làm mới lại hạ tầng đô thị, thay đổi cấu trúc thành phố, phải di dời nhiều hộ dân, vùng bay cũng bị hạn chế. Như thế sự quá tải của Tân Sơn Nhất không chỉ dưới dất mà trên cả trên không.

"Nhưng tại sao lại lo lắng về Long Thành? Đâu đó có những vết gợn như dùng đất Tân Sơn Nhất làm sân golf, nợ công cao, tham nhũng còn phức tạp, chất lượng dịch vụ ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất... Nhưng không thể vì thế mà không đầu tư, không đầu tư thì không thể phát triển".

Theo đó, ông đề nghị Chính phủ làm rõ "3 điểm mờ". Đó là nguồn vốn bắt buộc phải đa nguồn. Đây cũng là bài toán khó nhất, trong đó trước hết là 8 tỷ USD cho giai đoạn 1, chủ yếu là ngân sách và ODA mà Chính phải bảo lãnh. Như thế khả năng trả nợ là vấn đề. Thứ hai, cân nhắc kỹ phân kỳ đầu tư. Thứ ba, phương án khai thác còn mờ nhạt về sản lượng, số lượng khách, làm thế nào thu hút khách từ các sân bay lớn trong khu vực?

Đừng trung chuyển kiểu 'đếm cua trong hang'

Bấm nút phát biểu, ĐB Trần Du Lịch nói ngay, việc thông qua chủ trương xây dựng dự án là quyết định khó khăn của QH. Nếu làm không hiệu quả trước áp lực nợ công thì không được, không làm thì quá tải Tân Sơn sau này, thấy rõ "kẹt rồi" mà không kịp làm sân bay mới, vì cũng mất 10-20 năm, thì có trách nhiệm với đất nước.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch: Long Thành có khả năng cạnh tranh trong khu vực, nếu chúng ta có năng lực quản lý tốt

Là người tham gia xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lịch dứt khoát "bắt buộc phải có một sân bay quốc tế thứ 2" và chuỗi đô thị vùng này sẽ được nối kết bởi Long Thành, giao thông đối ngoại của TP.HCM sẽ không đặt ở Tân Sơn Nhất.

Phân tích sự cấp thiết của Long Thành, ông cho rằng, khả năng nâng công suất 40-45 triệu khách cho sân bay Tân Sơn Nhất, hay tối đa chỉ 25 triệu thì với diện tích 1.000ha có thể nâng lên. Nhưng cần lưu ý thực tiễn 2 đường băng của sân bay này đang chỉ có khoảng cách 365 m nên không thể hạ và cất cùng lúc mà phải cách 2 phút.

"Về không lưu, phải làm rõ có khả năng nâng công suất lên không. Nếu có thể làm rõ được thì phải minh bạch, rõ ràng, thuyết phục việc có thể đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất trên mặt đất không? Nếu không thể mở rộng về khía cạnh vùng bay thì làm sân bay thứ 2 không phải là cần hay không nữa mà là bất khả kháng rồi".

"Trong đề án nói nhiều về sân bay trung chuyển quốc tế, là mơ ước, nhưng cũng phải tính nhiều phương án, các giai đoạn. Có dự án khả thi rồi QH mới quyết định. Không nên để dư luận nghĩ là chúng ta tính trung chuyển kiểu "đếm cua trong hang". Tôi tin về địa chính trị và địa lý, Long Thành có khả năng cạnh tranh trong khu vực, nếu chúng ta có năng lực quản lý tốt" - ĐB phát biểu

Quan trọng là đảm bảo trả nợ

ĐB Trương Văn Vở của tỉnh Đồng Nai - nơi đặt sân bay Long Thành nêu tất cả tính cấp thiết.

{keywords}
ĐB Trương Văn Vở: Bài toán khó nhưng có thể giải được

Ông chỉ ra hàng loạt dự án đường cao tốc đã và đang triển khai như Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa, Phan Thiết - Lâm Đồng kết nối với TP HCM như điểm cộng cho tính khả thi của dự án sân bay này. ĐB Vở cho rằng, bài toán khó là với dự án tầm cỡ sử dụng quy mô vốn lớn, sự lo ngại của ĐBQH về khả năng nguồn lực, áp lực trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, hiệu quả đầu tư là đúng.

Tuy nhiên, "bài toán khó nhưng có thể giải được" với điều kiện ngay tại kỳ họp này, QH thống nhất xem xét cho chủ trương lập dự án để kỳ họp sau xem xét quyết định đầu tư.

"Đừng sợ vì nợ mà không dám làm gì cả, nhất là đầu tư phát triển dài hạn, quan trọng là đảm bảo trả nợ, an ninh tài chính, tránh lãng phí nguồn lực" - ông phát biểu.

X.Linh - T.Chung - H.Nhì - Ảnh: M.Thăng