Sau một phiên giảm mạnh, sáng 8/6 đa số các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán hồi phục trở lại giúp chỉ số VN-Index tăng hơn 8 điểm.

Nhiều mã tăng trở lại như Vietcombank, Techcombank, MBBank, Chứng khoán TP.HCM, Chứng khoán Sài Gòn...

Nhóm các cổ phiếu nhóm ngành hàng không và dịch vụ hàng không như VJC, HVN hay ACV tăng giá mạnh. Một số cổ phiếu trụ cột trên thị trường cũng tăng mạnh như Vinhomes, Vingroup, Vinamilk, Masan,... Đây là động lực giúp chỉ số VN-Index tăng mạnh.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) do hiện tượng nghẽn lệnh, bảng điện tử của nhiều công ty chứng khoán treo.

Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 8/6, chỉ số VN-Index giảm 11,15 điểm xuống 1.347,63 điểm; HNX-Index giảm 3,8 điểm xuống 314,84 điểm. Upcom-Index giảm 0,67 điểm xuống 88,39 điểm. Thanh khoản đạt 20,0 nghìn tỷ đồng.

Thị trường diễn biến xấu trong phiên chiều khi giao dịch gặp nhiều khó khăn. Nhiều người lo ngại thị trường đã lên cao và sợ không bán được cổ phiếu nếu tình trạng nghẽn lệnh còn kéo dài. Áp lực bán tăng vọt nhưng lực cầu bắt đáy cũng rất lớn.

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 8/6, chỉ số VN-Index giảm 38,90 điểm xuống 1.319,88 điểm; HNX-Index giảm 12,25 điểm xuống 306,39 điểm. Upcom-Index giảm 2,77 điểm xuống 86,29 điểm. Thanh khoản đạt 37,2 nghìn tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán có cái nhìn vẫn khá tích cực. Theo VDSC, VN-Index “chao đảo” nhưng có động thái được hỗ trợ tại vùng 1.350 điểm. Đồng thời, thanh khoản giảm so với 2 phiên trước. Cho thấy áp lực chốt lời hiện tại chưa thực sự mạnh, tạm thời chỉ mang tính chất ngắn hạn và cục bộ tại một số nhóm cổ phiếu tăng nóng. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và hồi phục trở lại trong thời gian gần tới nhưng diễn biến sẽ có phân hóa mạnh.

{keywords}
Cổ phiếu trở lại tăng điểm mạnh.

Về hiện tượng quá tải và nghẽn lệnh trên sàn HOSE, CTCP Tập đoàn FPT cho biết, doanh nghiệp này đang kiểm thử diện rộng dự án chống quá tải trên HOSE. FTP và HOSE đang kiểm thử diện hẹp. Trong giai đoạn này, FPT đã hoàn thành việc cài đặt hệ thống phần cứng, bàn giao hệ thống phần mềm cho HoSE để thực hiện kiểm thử nội bộ, và mở rộng việc thử nghiệm với hơn 20 công ty chứng khoán thành viên.

Việc thử nghiệm với 20 công ty chứng khoán đã phủ đến 80% các tình huống kỹ thuật, nghiệp vụ có thể xảy ra đã hoàn thành.Dự án chuyển sang giai đoạn kiểm thử toàn thị trường với tất cả các công ty chứng khoán, VSD, HNX và đơn vị nhận dữ liệu thị trường. Kết quả giai đoạn kiểm thử toàn thị trường sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức.

Trước đó, hôm 1/6, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên giao dịch chưa từng có trong lịch sử. Sàn HOSE đóng cửa buổi chiều do tiền đổ vào quá nhiều và hệ thống quá tải. Dù vậy, vẫn có gần 1 tỷ USD được giao dịch trong buổi sáng.

Tình trạng nghẽn lệnh đã xảy ra từ năm 2020 và HOSE nhiều lần chứng kiến tình trạng không giao dịch được. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử HOSE buộc phải chủ động tạm ngừng giao dịch cả buổi để bảo vệ an toàn hệ thống.

Dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn. Tiền rẻ và hiệu ứng giãn cách gần đây khiến thị trường tiếp tục đi lên và liên tiếp lập kỷ lục cao mới.

Số liệu cho thấy, gần đây, trong tháng 5 mỗi ngày có khoảng 4.000 tài khoản được mở mới. Trong 5 tháng đầu năm, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt gần nửa triệu tài khoản, nâng tổng số lượng tài khoản trên thị trường Việt Nam đã đạt hơn 3,2 triệu tài khoản.

Trong tháng 5, hàng loạt kỷ lục được thiết lập trên thị trường chứng khoán. Giao dịch diễn ra sôi đông với giá trị khớp lệnh bình quân đạt kỷ lục hơn 24 nghìn tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng kỷ lục 11.500 tỷ đồng.

Nhiều nhận định cho rằng, lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn ở mức thấp và các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô tương đối của Việt Nam… là các yếu tố đẩy chứng khoán lên đỉnh cao mới.

Một số công ty chứng khoán dự báo chỉ số VN-Index có thể lên 1.400-1.500 điểm.

M. Hà