Vừa nhận được túi ngó khoai khá lớn sau 2 ngày đặt mua, chị Bùi Thị Lê Xuân ở Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) vào ngay nhóm chat của khu chung cư, hỏi xin được nửa bát mẻ để tối về nấu món ăn “nhà nghèo” cho gia đình thưởng thức.  

“Tối nay tôi làm món ngó khoai nấu mẻ vì cả nhà ai cũng thích, đặc biệt là hương vị đậm đà, ngọt từ ngó và thịt cùng vị chua dịu từ mẻ” chị nói. Tuần trước, chị cũng mua ngó khoai tím đặc sản ở Tủa Chùa (Điện Biên) về làm món canh sườn hầm đãi mẹ chồng. Lúc ăn, nghe mẹ chồng chị kể, thời của bà còn nghèo đói không có gì ăn, mọi người thường ra đồng kiếm ngó khoai (hay còn gọi là bồng khoai) về nấu.

Ở các vùng quê, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, các loại khoai được trồng lấy củ, dọc khoai và lá khoai thường tận dụng làm thức ăn cho lợn. Vào mùa mưa, phần gốc mọc ra những mầm mới (ngó), người dân đi hái về nấu ăn.

{keywords}
Ngó khoai trước là món ăn nhà nghèo ở các vùng quê (ảnh: NTĐ)

“Bà nói, thời đó ra ruộng khoái hái một lúc được cả rổ ngó về nấu ăn trừ bữa, chẳng ai mua bán gì. Còn bây giờ lại thành đặc sản”, chị chia sẻ.

Thực tế, để được thưởng thức món ăn “nhà nghèo” này, chị Xuân phải mua với giá 85.000-90.000 đồng/kg, đắt ngang thịt lợn ngoài chợ. Thậm chí, 1 kg ngó khoai này ngang bằng giá một con gà ri nhà chị thường mua ăn. Chưa kể, lần nào chị đặt mua cũng phải chờ 2-3 ngày mới nhận được hàng.

Trên thị trường, ngó khoai đang là loại rau vô cùng đắt khách. Giá ngó khoai đã làm sạch dao động từ 50.000-90.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ thời điểm. Hút khách nhất là loại ngó khoai tím đặc sản Tủa Chùa, dù giá tương đối đắt đỏ. Bởi loại ngó này ăn không ngứa, đem hầm canh rất bở, dẻo, thơm khá đặc biệt.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Đào Hoa- đầu mối bỏ sỉ ngó khoai ở Điện Biên, thừa nhận, ngó khoai tím giá cao vẫn không đủ hàng bán. Chị gom ở chợ phiên được bao nhiêu khách sỉ ở Hà Nội, Hải Phòng đều đặt mua hết đến đó.

Theo chị Hoa, ở Tủa Chùa (Điện Biên) bà con thường trồng loại khoai tím. Đây là loại khoai bản địa, những củ to nặng tới gần 2kg. Vào mùa mưa (từ tháng 7) bắt đầu có ngó khoai, người dân tranh thủ hái bán với giá chỉ vài ngàn đồng một bó, thậm chí còn đem cho nhau.

{keywords}
Gần đây, ngó khoai trở thành đặc sản của dân thành thị (ảnh: NTĐ)
{keywords}
Mặt hàng này có giá tương đối đắt đỏ vẫn hút khách mua ăn (ảnh: NTĐ)

Những năm gần đây, ngó khoai thành đặc sản của người dân phố thị nên giá cũng bắt đầu tăng cao. Chị thường đi chợ phiên gom hàng để đổ sỉ cho các mối ở các tỉnh miền xuôi, trong đó khách Hà Nội đặt mua nhiều nhất.

Cũng theo chị Hoa, hái xong cứ để ngó đem bán luôn thì rất ít khách mua, bởi trước khi nấu phải ngồi cạo sạch vỏ, mất khá nhiều thời gian. Do đó, khi gom mua ngó của người dân trong bản, chị thường nhờ họ cạo vỏ, về chỉ việc rửa sạch sẽ, đóng túi nilon rồi hút chân không.

Làm như vậy, ngó khoai có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 7-10 ngày, để ngăn cấp đông thì lâu hơn. Khách cũng chuộng mua loại đã sơ chế sạch hơn.

“Dịp này vào cuối vụ ngó, hàng không còn nhiều. Trung bình mỗi tuần tôi vẫn gom mua rồi đỏ sỉ cho các mối nhỏ lẻ khoảng 4-5 tạ ngó khoai. Còn vào chính vụ ngó, có ngày gom được 1,5-2 tạ ngó”, chị Hoa tiết lộ.

Chị Phùng Thị Nguyên, đầu mối bán đặc sản Tây Bắc ở Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), cũng cho biết, sáng nay có 60kg ngó khoai về đến cửa hàng mà chị không đủ chia cho các đơn khách đặt trước đó. “Tầm này cuối vụ ngó, hàng vừa tăng giá vừa hiếm. Như thời điểm tháng 8, ngó khoai Tủa Chùa chỉ 60.000-70.000 đồng/kg., nay đã tăng lên 80.000 đồng”, chị nói.

Theo chị Nguyên, các bà nội trợ khá chuộng loại đặc sản này. Ngó có thể nấu canh cua, canh tôm, nấu mẻ, hầm xương, nấu với thịt ba chỉ và đậu phụ,... ăn đều thơm ngon, bở và dẻo. Thế nên vào mùa cao điểm, mỗi ngày chị bán hết cả tạ ngó khoai tím.   

Châu Giang

Các món ăn ‘cứu cánh’ thời khốn khó nay bỗng thành đặc sản giá đắt đỏ

Các món ăn ‘cứu cánh’ thời khốn khó nay bỗng thành đặc sản giá đắt đỏ

Thức ăn cứu đói của nhà nghèo ngày xưa bỗng thành đặc sản. Cá khô Việt Nam bỗng nổi tiếng khi bán đi nước ngoài.