Cay đắng hơn, nhiều người còn lỗ vài tỷ đồng và phải đóng cửa sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.

Còn khá trẻ, nhưng vợ chồng chị L.T. (Hà Nội) đã có một số tiền lớn để kinh doanh. Bàn đi tính lại, cả hai quyết định vào Đà Nẵng để mở một quán trà sữa ở ngay vị trí trung tâm đường 2/9. 

Nhưng cũng chính vì làm tại vị trí trung tâm mà không tính toán kỹ, chị T. và chồng đã phải trả một cái giá khá đắt. 

Tính toán sai lầm nhất khiến chị T. phải chịu mất trắng đó chính là tiền mặt bằng và xây dựng. Cụ thể, theo chị T.: “Miếng đất để mở quán rất khó khăn tôi mới tìm được, nhưng thuê rồi thì mới biết nó lại nằm trong quy hoạch của một vị đại gia. Họ yêu cầu phải xây 4 tầng thì mới được phép thuê và kinh doanh.”

{keywords}
Ảnh minh hoạ

“Đã trót thuê, nhưng xây 4 tầng thì quá sức nên tôi chỉ xây 2 tầng và làm công trình phụ phía trên. Còn lại thì phải kéo dài thời gian và chạy vạy lo lót nhiều chỗ để được tiếp tục kinh doanh. Không chỉ phía chủ nhà, ngay cả phía chính quyền cũng gặp rất nhiều phiền phức và tốn kém”, chị T. nói. 

Phát sinh quá nhiều chi phí ngoài dự kiến, khiến tổng số tiền phải bỏ ra để mở quán lên tới hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền thuê mặt bằng là 45 triệu đồng/tháng. Nhưng phải ký hợp đồng, đóng tiền cọc và tiền thuê theo năm là 500 triệu đồng. 

Tuy không tiết lộ chi tiết, nhưng tiền xây quán cũng rất tốn kém. Tuy nhiên, theo chị T., tiền lo lót để được hoạt động còn gấp 2 - 3 lần con số ấy.

Ngoài ra, để có thể hoạt động thì quán trà sữa này cũng cần phải được thiết kế cho phù hợp với đối tượng khách hàng. Chi phí này cũng ngốn mất khoảng 30 triệu và gần 100 triệu đồng tiền bàn ghế, nội thất.

Đó mới là chi phí cứng để có mặt bằng kinh doanh, vợ chồng chị T. còn phải thuê gần 40 nhân viên phục vụ, với chi phí hơn 50 triệu đồng mỗi tháng.

Tốn kém rất nhiều, nhưng thời gian đầu hoạt động, thì không phải không có lãi. Vì theo chị T.: “Bán mặt hàng này rất lãi. Vì dù dùng nguyên liệu xịn để pha chế thì so với giá nguyên liệu, một cốc trà sữa cũng lãi ít nhất gấp 4 lần. Quán tôi khá to, nhưng nếu trừ đi chi phí hoạt động thì vẫn còn lãi gấp đôi.”

“Thời gian đầu kinh doanh tốt, trung bình mỗi ngày, quán trà sữa của tôi cho doanh thu khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng càng về sau, chi phí quảng cáo, giảm giá, marketing và tiền phạt quá nhiều khiến lợi nhuận không còn được như trước”, chị T. chia sẻ.

Thế nhưng, đó không phải lý do chính khiến vợ chồng chị T. phải đóng cửa quán, mà lại do thiếu kinh nghiệm.

Theo lời kể của bà chủ quán trà sữa, tính toán sai lầm nhất là việc thuê mặt bằng. Nó khiến chị T. mất thêm rất nhiều tiền để lo lót. Không những thế, tính từ thời điểm thuê phải mất 8 - 9 tháng để xây dựng, chuẩn bị, thuê nhân viên, nên chỉ kinh doanh vài tháng đã đến đợt đóng tiền nhà năm 2.  Chính vì thế, quán không còn đủ tiền để duy trì qua mùa mưa.

Mà ở Đà Nẵng, vào mùa mưa thì việc kinh doanh trà sữa, cà phê khá ảm đạm. Không chỉ quán trà sữa này mà nhiều hàng quán khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Thế nhưng, các quán khác có công ty đỡ, có vốn dày để duy trì qua mùa này thì có thể tiếp tục kinh doanh. Còn quán tôi tự chủ kinh tế như tôi thì không chịu nổi, do chi phí ở vị trí trung tâm quá cao”, chị T. chia sẻ thêm.

Không đủ sức gánh đỡ, vợ chồng chị T. nhường lại cho một người thân trong gia đình tiếp quản, nhưng vẫn lỗ đủ đường. Tính qua, 2 vợ chồng chị T. mất hơn 3 tỷ đồng đầy cay đắng.

Việc kinh doanh quán trà sữa, cà phê lỗ tiền tỷ như vợ chồng chị T. không ít. Nhưng nhìn thấy lợi nhuận trước mắt, nhiều người vẫn liều kinh doanh cho dù không có kinh nghiệm hoặc không lường trước được những rủi ro.

(Theo Dân trí)