Chiều ngày 27/9, phiên xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma tiếp tục với phần tranh luận.

Bộ Y tế khẳng định thuốc thật

Đại diện Hội đồng giám định Bộ Y tế đã đưa ra luận cứ bảo vệ liên quan đến kết quả giám định dựa trên bản tiêu chuẩn chất lượng mà VN Pharma cung cấp.

Về nguồn gốc của thuốc, theo Hội đồng giám định Bộ Y tế, việc VN Pharma cung cấp tiêu chuẩn trong hồ sơ xin Quota không làm thay đổi bản chất thuốc H-Capita có xuất xứ nguồn gốc từ nhà máy ở Ấn Độ, đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cấp phép.

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Ngoài ra, Bộ ngoại giao Ấn Độ, Bộ Y tế Ấn Độ, cơ quan quản lý Dược của Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã xác nhận, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô thuốc H-Capita. Mặt khác, kết luận CQĐT Bộ Công an, kết luận của Thanh tra Chính phủ gần đây nhất cũng đều thừa nguồn gốc xuất xứ của lô thuốc H-Capita là từ Ấn Độ.

Liên quan tới chất lượng của lô thuốc, căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu Cục quản lý Dược cung cấp cho CQĐT, lúc kiểm nghiệm khi xuất xưởng là đạt yêu cầu. Khi thuốc về đến Việt Nam là sau 6 tháng thì Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đã kiểm tra chất lượng, đánh giá đạt yêu cầu.

Như vậy, thuốc này có thể sử dụng cho người. Tuy nhiên, do nghi ngờ về xuất xứ, Cục Quản lý Dược đã niêm phong lô hàng này để ngăn chặn hành vi vi phạm. Đến thời điểm 13 tháng kể từ khi xuất xưởng, kết quả kiểm tra chất lượng thuốc H-Capita không đạt chỉ tiêu về tạp chất. Có nhiều lý do như do nhiều nguyên nhân khác nhau như vận chuyển lòng vòng; thay đổi nhãn mác nhằm thay đổi xuất xứ của lô thuốc…

Vì vậy, về bản chất thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng và giả về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa.

VKS tái khẳng định... thuốc giả

Tranh luận lại quan điểm của Hội đồng giám định Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm lô thuốc H-Capita là thuốc giả.

{keywords} 
Đại diện Viện kiểm sát

Theo đại diện VKS, các văn bản của Bộ Y tế (tài liệu mật đã được Bộ Y tế giải mật trước phiên xét xử) chứng minh nguồn gốc của lô thuốc H-Capita, VKS nhận thấy trong vòng 4 ngày từ ngày 13 đến ngày 17/11/2017, đoàn công tác Bộ Y tế đang đi kiểm tra một công ty sản xuất vắc-xin tại Ấn Độ đã kết hợp đến bang Himachal Pradesh của Ấn Độ để xác minh nguồn gốc, chất lượng thuốc. Cùng trong thời gian ngắn này, vừa đi kiểm tra, vừa làm viêc với nhà máy Affy Parenterals, với cơ quan quản lý dược Ấn Độ…

VKS bày tỏ “rất khâm phục” đoàn công tác của Bộ Y tế, chỉ bằng một chuyến đi kiểm tra nhà máy, đã thu thập được toàn bộ thông tin liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển lô thuốc H-Capita.

Các tài liệu trên là do Bộ Y tế tự thu thập, tự thực hiện các biện pháp xác minh, hợp thức hóa lãnh sự và gửi cho CQĐT mà chưa được xác minh tính hợp pháp của các tài liệu này. 

Vậy Bộ Y tế nhận tài liệu này từ nguồn nào, như thế nào, ai là người nhận, nhận và thu thập tài liệu này sau đó thì tính hợp pháp của việc thu thập và giao nhận tài liệu là như thế nào?

VKS cho rằng việc thu thập tài liệu cũng như xác định tính pháp lý của tài liệu để đưa vào hồ sơ vụ án không thực hiện đúng các quy định của luật tố tụng hình sự, không đảm bảo giá trị pháp lý để làm căn cứ xác định.

Trong quá trình điều tra, CQĐT yêu cầu Bộ Y tế cung cấp các tài liệu, thông tin phục vụ điều tra liên quan tới việc cấp phép nhập khẩu, cấp phép hoạt động và cấp phép thuốc chứ không yêu cầu Bộ Y tế đi xác minh và thu thập tài liên quan tới việc xác định nguồn gốc.

Cục quản lý Dược cấp phép cho lo thuốc này, hiện CQĐT còn đang xem xét hành vi này nên tài liệu mà đoàn công tác Bộ Y tế thu thập không xuất phát từ yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, vừa không đảm bảo tính pháp lý, khách quan.

Vì vậy, VKS cho rằng không thể vận dụng tài liệu này làm căn cứ xác định nguồn gốc của lô thuốc H-Capita.

Vụ VN Pharma, Cục quản lý Dược gửi công văn hỏa tốc tới Tòa

Vụ VN Pharma, Cục quản lý Dược gửi công văn hỏa tốc tới Tòa

Cục quản lý Dược khẳng định thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập khẩu là thuốc kém chất lượng chứ không phải là thuốc giả, đủ điều kiện sử dụng để chữa bệnh sau khi xuất xưởng.

Thanh Phương