Bàn về làm thêm giờ, trong khi có hàng trăm ý kiến “tố” DN tham lam, muốn tận dụng sức lực của công nhân thì nhiều "ông chủ" cũng tâm tư.

Được tăng ca là mừng 

Không nghiêng hẳn về ý kiến của ĐB Vũ Tiến Lộc hay ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm trong phiên QH thảo luận tại hội trường tuần qua về dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi với nội dung làm thêm giờ, bạn Minh Tiến bày tỏ: “Có việc để tăng ca là tốt rồi. Công ty tôi nhiều khi không có hợp đồng vẫn phải đóng bảo hiểm, phải trả lương chờ việc. Năm nào có lãi thì Tết được thưởng nhiều, có năm lỗ DN vẫn phải chạy vạy cho công nhân một chút để ăn Tết”.

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc có quan điểm trái chiều về việc tăng giờ làm thêm

Chia sẻ quan điểm của Minh Tiến, bạn đọc Hồng Linh nêu: “Ai mà chẳng muốn hưởng thụ, 'ngồi mát ăn bát vàng'. Người lao động kêu khổ, không chịu làm, năng suất lao động thì thấp nhất khu vực mà cứ đòi hưởng.

Hãy học tập tính lao động cần cù của người Nhật, người Đức, người Hàn. Phải lao động cật lực thì họ mới có ngày nay”.

Cũng nhắc tới sự chăm chỉ của người lao động nước bạn, bạn đọc tên Duy nói: “Ngày xưa Hàn Quốc còn nghèo, họ còn tăng ca và vất vả hơn Việt Nam”.

“Để các ĐBQH làm chủ DN một thời gian sau đó lại đi làm công nhân thì sẽ có tiếng nói công bằng, hợp lý về làm thêm giờ như thế nào”, Nguyễn Mạnh Hưng nói.

Nghèo là sự lựa chọn

Bạn Sơn cho rằng, con người luôn cần tiền, giờ trả lương cao thì vẫn làm thêm để tăng thu nhập. “Nhà nước kiến tạo thể chế để dân lựa chọn. Ai muốn giàu có thì đi kiếm tiền còn ai lười lao động thì phải chịu cảnh nghèo. Nghèo là sự lựa chọn chứ không phải đất nước này không tạo cơ hội cho làm giàu”.

Đồng tình với bạn Sơn, Nguyễn Thi cho rằng, đất nước còn nghèo, chúng ta phải chăm làm mới có cuộc sống tốt.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Chung chia sẻ: “Tôi là một người đi làm thuê, nghĩ cho cá nhân thì giảm giờ làm, tăng làm thêm sẽ tốt cho tôi, cho nhiều người.

Nhưng tôi không chọn cách đó vì tôi nghĩ cho đất nước này - một đất nước đang rất nghèo.

Tôi có 2 người bạn Nhật và 1 người bạn Hàn Quốc đã cao tuổi, mức thu nhập của họ cao gấp khoảng 7-8 lần tôi nhưng họ làm việc ngày nào cũng như ngày nào, 12 giờ/ngày.

Tôi đi ngủ trưa thì họ vẫn ngồi làm việc. Chỉ khi bạn nhìn thấy như thế bạn mới thấy mình đã làm được cái gì đâu mà nghĩ đến việc giảm giờ làm.

Làm ơn hãy nghĩ đến việc đóng góp, hãy giúp Việt Nam đi lên. Chỉ những công chức ngày làm 8 tiếng “sáng xách cặp đi chiều xách cặp về” mới thấy làm 9-10 tiếng là mệt thôi”.

“Ở Việt Nam, năm 2019 khó có DN nào bóc lột được người lao động, đừng nhìn góc nhìn méo mó đó, cái nhìn có thể giết chết tham vọng trở nên giàu có của dân tộc.

Chúng ta còn nghèo, đơn giản là phải nỗ lực, chăm chỉ thì mới tạo ra thêm của cải để cải thiện dây chuyền và tư liệu sản xuất, mới có thêm nhiều người được đi học, tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến.

Mình biết, Hàn Quốc giàu có như ngày nay, họ đã có một thế hệ "lao động không biết đến thời gian, nắng lên thì biết là mùa hè, lạnh thì biết mùa đông tới".

Và chắc chắn, với các bạn chủ DN ngày nay sẽ rất vất vả để tạo công ăn việc làm, lo lương, lo thưởng, lo sự phát triển của DN”, ý kiến của bạn đọc Sơn Nam.

Bà Quyết Tâm nghẹn ngào khóc tranh luận với Chủ tịch VCCI về giờ làm thêm

Bà Quyết Tâm nghẹn ngào khóc tranh luận với Chủ tịch VCCI về giờ làm thêm

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào khóc khi tranh luận lại ý kiến của ĐB Vũ Tiến Lộc về “giờ làm việc và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là hợp lý, nhân văn và tự nguyện”.

Thành Huế