1. Con cái phương trưởng ra ở riêng hết chỉ còn ông bà sống trong căn hộ 3 buồng nơi khu tập thể sát bờ sông.
Như mọi ngày cơm nước xong, bà dọn dẹp bếp núc, ông lên nhà bật tivi, pha ấm trà nhân trần thư thả ngồi uống và xem mấy chương trình thời sự. Khi bà từ dưới bếp lên, ông rót cốc trà nóng đưa tận tay bà, chuyển kênh phim cho bà xem, rồi họ lặng lẽ theo dõi phim trên truyền hình cho đến khi bà đấm lưng thùm thụp đứng dậy vào ngủ trước. Ông xem thêm chút rồi tắt tivi kiểm tra cửa rả rồi đi nằm.
Ngang qua phòng bà đã thấy bà ngáy pho pho. Chả biết từ bao giờ họ gọi nhau là ông, là bà thay cho cách gọi anh, em ngọt ngào theo suốt mấy chục năm. Cũng chẳng nhớ từ bao giờ ông bà ra nằm riêng mỗi người mỗi phòng. Chắc tại bà kêu ông ngáy to, nhất là hôm nào vui bạn bè uống vài chén rượu.
Ông cũng phàn nàn bà có thói quen cứ dọng chân xuống giường thình thịch mỗi khi mỏi. Cái gì mãi rồi cũng thành quen.
Đôi khi bà muốn gọi ông là anh như ngày nào cho tình cảm mà thấy ngượng ngùng. Lắm lúc người ngây ngây sốt đắp cả cái chăn dầy vẫn lạnh, ông định qua phòng bà nằm cạnh tìm chút hơi ấm lại lo bà mất ngủ, cũng thôi.
Tối nay, khi bà vừa dưới bếp lên ngồi xuống ghế định xem tivi thì điện vụt mất. Ông loay hoay bật lửa châm chiếc đèn dầu. Ông bà ngồi đối diện nhau mà chẳng nói lời nào. Không gian tĩnh mịch quá. Nghe rõ cả tiếng gió rì rào ngoài cửa sổ. Bỗng bà bật tiếng:
- Nghe đâu như tiếng con uềnh uôm nó kêu.
Ông nhướn mắt hỏi lại: Con gì kêu?
- Con uềnh uôm chứ con gì? Bà dấm dẳng.
- Con ễnh ương chứ. Từ cha sinh mẹ đẻ tôi chưa nghe ai nói con uềnh uôm như bà. Ông gằn giọng. Thế là họ cãi nhau. Kết quả là sáng hôm sau bà không thấy ông ngồi uống trà bên bàn nữa. Bà lẩm bẩm: "Lại sang thằng cả tá túc chứ gì. Thây kệ".
Trưa bà ngồi ăn cơm một mình thấy chả ngon lành gì. Tối bà ngồi coi tivi mà chả xem chương trình gì ra đầu ra đũa. Đêm bà nằm nhớ thời có mang thằng lớn. Ông mừng lắm, hỏi bà: Em định đặt tên con là gì? "Anh đặt đi", bà nũng nịu: "Tuỳ anh".
Không ngờ khi sinh con trong giấy khai sinh bà thấy tên con được đặt là Tuỳ Anh, Nguyễn Văn Tuỳ Anh. Đến đứa con gái thứ hai, bà hỏi ông đặt tên gì? Ông âu yếm nhìn bà bảo: "Tuỳ em". Và kết quả tên đứa thứ hai được đặt là Tuỳ Em, Nguyễn Thị Tuỳ Em.
Cả tuần vắng bóng ông nhà cửa trống tuềnh trống toàng làm bà nghĩ lại.
Mấy ngày ở với con với cháu cũng thấy vui mà sao lòng ông vẫn như lửa đốt. Cảm giác thiêu thiếu nơi ông cũng làm ông nghĩ lại.
Hôm ông quay về, bà đón ông nơi bậu cửa, ông chưa kịp nói điều mình định nói, bà đã đon đả: "Tôi hỏi người ta rồi ông ạ. Nói như ông mới đúng. Là con ễnh ương. Tôi nói sai". Ông cười gượng gạo: "Không bà nói mới đúng. Nó là con uềnh uôm. Tôi sai rồi". Lời qua tiếng lại thế là lại cãi nhau. Tiện khăn gói ông sang nhà cô gái út. Vợ chồng già lại ly biệt thêm lần nữa.
2. Khi còn trẻ, còn sống trong tình yêu người ta nhìn nhau qua cặp kính màu hồng, lúc nào cũng thấy những điều tốt đẹp, để rồi thêm gần gũi. Khi về già, họ nhìn nhau qua cặp kính của bác sỹ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, để rồi thêm xa cách.
Tình yêu và sức khoẻ như năng lượng trong mỗi con người, cùng với năm tháng nó cũng bị tiêu hao đến mòn kiệt. Thôi thì đã là vợ chồng, thời son trẻ sống bên nhau là hưởng thụ thì lúc về già hãy sống bên nhau vì chịu đựng vậy.
Vạn vật cũng có thời, con người sao tránh được. Vợ chồng già hết tình còn nghĩa. Hãy xem nghĩa làm trọng. Đấy là tôi tự bảo mình và nhắn nhe với bao cặp vợ chồng già khác nữa để khỏi vô cớ chia lìa nhau trước khi trở về với cát bụi.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)