- Sau nhiều lần đưa ra xét xử, chiều 21/9, TAND huyện Từ Liêm, Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Gia Long mức án 27 tháng tù giam vì tội 'Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ'.
Trước đó và trong cả phiên xử ngày 21/9, vụ án này đã gây nhiều tranh cãi xung quanh chuyện- có hay không việc người chồng cố tình đâm chết vợ mình, bởi trước khi xảy ra vụ việc trên, hai vợ chồng Nguyễn Gia Long (SN 1975, trú tại Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội) và vợ tên Hà đã có những mâu thuẫn, xích mích.
Vào ngày 17/9/2010, TAND huyện Từ Liêm đã đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó phiên tòa đã phải tạm hoãn, yêu cầu điều tra bổ sung.
Đến 14/12/2010, TAND huyện Từ Liêm, Hà Nội tiếp tục đưa bị cáo Nguyễn Gia Long ra xét xử sơ thẩm về tội 'Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ'.
![]() |
Bị cáo tại toà |
Tại phiên xét xử hôm đó, nội dung truy tố vẫn không có gì thay đổi và phiên tòa thêm một lần tạm hoãn để trả hồ sơ điều tra lại.
Đến ngày 21/9, VKSND huyện Từ Liêm vẫn giữ nguyên quan điểm và HĐXX của TAND huyện Từ Liêm tuyên bị cáo 27 tháng tù.
Theo bà Đỗ Thị Nhị (mẹ của chị Hà), Long và chị Hà kết hôn và có hai con chung. Cuộc sống hôn nhân của họ bắt đầu trục trặc từ năm 2004 khi Long thường hành hạ vợ.
Sau những bất hạnh phải gánh chịu, chị Hà đã trút khổ đau vào cuốn nhật ký, trong đó nêu rõ việc Long nhiều lần chửi bới, đánh đập khiến chị Hà phải đi bệnh viện cấp cứu.
Ngày 9/4/2010, Long đã hất cốc bia vào mặt vợ khiến chị Hà bực bội bỏ về nhà mẹ đẻ. Sáng 10/4/2010, Long phóng xe máy đi tìm vợ và có ghé qua một số nhà người quen với thái độ thiếu thiện chí.
Đến 19h cùng ngày thì xảy ra vụ tai nạn khi Long tông xe vào vợ khiến chị Hà tử vong.
Theo VKSND huyện Từ Liêm, Nguyễn Gia Long trong khi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng điện thoại di động, không quan sát mặt đường để xe mô tô đâm chết chị Nguyễn Thị Thanh Hà (vợ Long).
Với hành vi của mình, Long đã vi phạm khoản 23, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ, khoản 1 Điều 202 BLHS.
Luật sư Phạm Văn Đàm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng, CQĐT đã bỏ lọt nhiều chứng cứ buộc tội như: Vào 16g ngày 15/4/2010 (5 ngày sau vụ án), CQĐT tiến hành dựng lại hiện trường vụ tai nạn nhưng không cho nhân chứng Đỗ Văn Sơn, Nguyễn Thị Trà tham gia.
Ông Đỗ Văn Sơn, chị Nguyễn Thị Trà (cùng trú tại thôn Địa Cát, Liên Mạc) là những người nghe tiếng rồ ga xe máy và nhìn thấy Long đâm thẳng xe vào chị Hà đang đứng nép vào sát vỉa hè; chị Hà bị hất tung lên và ngã giữa đường.
Ngoài ra, bản sơ đồ hiện trường dựng lại của CQĐT không xác định vị trí nơi nạn nhân bị đâm xe; hiện trường xác định người đi bộ đi giữa lòng đường và bị xe mô tô của Long đâm vào.
Như vậy, không đủ căn cứ để nhận định, bị hại đang đi giữa lòng đường thì bị đâm xe.
Hơn nữa, theo lời khai của Long, bị cáo đi xe máy tốc độ 60-70km/h, vừa đi vừa gọi điện thoại. Nhưng các nhân chứng cho hay, trước lúc xảy ra vụ tai nạn, không thấy Long gọi điện thoại.
Luật sư Đàm cho rằng, vụ tai nạn không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Vụ án có dấu hiệu của tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp.
Vì thế, ông Đàm đã đề nghị các cơ quan tố tụng huyện Từ Liêm điều tra bổ sung để làm sáng rõ thêm một số tình tiết...
Bà Đỗ Thị Nhị, mẹ của chị Hà, đại diện cho bị hại cho biết: “Trước tết âm lịch 2010, Long ngoại tình và chúng tôi đã phải họp gia đình mong hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa nó và con gái tôi”.
T.Nhung