Có trường nào sạch hơn, chỉ cho chúng tôi học tập!
Sau khi hẹn gặp, 14h chiều 31/10, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ban quản trị trường ĐH Sư phạm Hà Nội về vấn đề nhà vệ sinh bẩn, thiếu giấy và xà phòng rửa tay như đã phản ánh. Trao đổi với PV bao gồm ThS. Ngô Văn Hoan, Trưởng phòng Quản trị, Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Phó trưởng phòng quản trị và Cô Ngô Thị Chí, Quản lý vệ sinh môi trường.
Ông Tuyển, Phó phòng Quản trị cho biết, nhà trường không trực tiếp làm vệ sinh mà thuê hẳn một công ty vệ sinh môi trường để duy trì vệ sinh môi trường cho toàn trường. Nhà trường có một ban an toàn vệ sinh, một tháng đi kiểm tra đột xuất một lần để xem công ty vệ sinh có làm đúng hợp đồng, quản lý tòa nhà có duy trì điện nước hay không.
|
Bể chứa nước trong nhà vệ sinh ĐH Sư phạm (Ảnh chụp chiều 28/10) |
Khoảng 14h20 phút, ông Hoan, Trưởng phòng Quản trị đề nghị ông Tuyển đưa PV đi thăm quan lại các điểm vệ sinh được phản ánh là bẩn, thiếu nước rồi về văn phòng trao đổi tiếp. Ông Tuyển dẫn chúng tôi đi. Chúng tôi vào thăm phòng quản lý tòa nhà khoa Văn thì thấy máy bơm nước đang chạy. Lên thăm nhà vệ sinh nữ ở tầng 2 thì đã có nước, thấy một cô lao công đang lau sàn nhà vệ sinh.
"Có nước, bạn bảo nước bẩn tôi rất tự ái. Tôi sẵn sàng uống nước nhà vệ sinh cho bạn xem", ông Tuyển vừa bảo tôi kiểm tra vòi nước vừa nói.
Quay trở lại văn phòng trao đổi với PV, ông Hoan khẳng định, công tác chăm lo cho sinh viên, giảng viên nhà trường luôn đi đầu. Trong các kỳ kiểm tra vệ sinh môi trường thì Trường ĐH Sư phạm được đánh giá là một trong số những trường đẹp nhất Hà Nội. Ông Hoan cho rằng nếu có sinh viên phản ánh với PV về tình trạng vệ sinh bẩn thì chưa chắc đã phải sinh viên của trường, là sinh viên học ngoại ngữ, bồi dưỡng ôn thi đại học hay là sinh viên trường nào khác không hiểu gì về trường nên mới nói vậy.
"Có trường nào đẹp hơn, chỉ cho chúng tôi, chúng tôi học tập", ông Hoan nói.
100 triệu/tháng vẫn "thiếu kinh phí" cho giấy vệ sinh
Ông Hoan cho biết, nhà trường chi 100 triệu đồng mỗi tháng cho vấn đề vệ sinh môi trường của toàn trường. Số tiền này lấy từ kinh phí của nhà trường và một phần từ bao cấp của nhà nước. Sinh viên trong trường không phải đóng bất cứ một khoản chi phí nào.
Khi được hỏi tại sao không có giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay cho sinh viên, ông Tuyển cho biết từ trước đến nay nhà vệ sinh dành cho sinh viên không có giấy, còn xà phòng rửa tay chỉ cung cấp cho giảng viên, cán bộ. Nhà trường không đủ kinh phí để bao cấp giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay cho sinh viên.
"Giấy vệ sinh và xà phòng vệ sinh không có trong hợp đồng vệ sinh. Tại sao không có thì phải hỏi phòng kế toàn tài chính, người ta phân bổ ngân sách.", ông Tuyển nói.
Chưa nói đến nhà vệ sinh hiện đại như thế này, nhà vệ sinh có giấy, có xà phòng rửa tay vẫn là "đồ xa xỉ" với sinh viên. |
Cô Chí, Quản lý vệ sinh môi trường cho biết, nhà trường cũng từng bàn đến vấn đề đưa giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay vào nhà vệ sinh cho sinh viên. Đã thử nghiệm ở nhà D nhưng thất bại.
"Giấy với xà phòng đã bàn và thí điểm ở nhà D. Nhưng bỏ cuộn giấy vào quay ra mất luôn, các em lấy về dùng dần, các em lấy về lau tay, lau chỗ ngồi,... Bây giờ chỉ có cách là tăng thêm mỗi người ngồi một cái nhà vệ sinh xé giấy sẵn, để các em vào rồi đưa, quản lý như các nhà vệ sinh công cộng có khi là làm được. Để giấy ở nhà vệ sinh thì coi như nước đổ biển rồi. Không bao giờ làm được" - cô Chí nói.
"Chuyện xé giấy xé vở thay giấy vệ sinh thì là do ý thức của sinh viên, phải có cuộn giấy, chuẩn bị sẵn", ông Tuyển lên tiếng.
Cô Chí cũng cho biết, trường ĐH Sư phạm nhiều loại hình đạo tạo nên nhiều đối tượng đến học. Có những bạn từ nhà quê đến Hà Nội thuê nhà trọ học, chưa biết đi vệ sinh thế nào, có khi đậy nắp vào mà không giật nước. Sinh hoạt còn nhiều bỡ ngỡ nên ý thức giữ vệ sinh của các em còn kém và ngây ngô lắm.
Chi 40 triệu/ 1 năm cho giấy vệ sinh
Trao đổi với PV về thông tin phản ánh nhà vệ sinh bẩn của SV trường ĐH Xây dựng, Ban lãnh đạo nhà trường có cho biết: “Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề giữ gìn vệ sinh trường học đặc biệt là các khu nhà vệ sinh của trường. Nhà trường có chuyên một phòng quản trị thiết bị quản lí về vấn đề vệ sinh, điện nước, thiết bị. Việc giữ gìn vệ sinh chung được nhà trường kí hợp đồng và giao công ti chuyên về vệ sinh trường học ”.
Tuy nhiên để xảy ra tình trạng “buồng nhà vệ sinh” khiến phụ huynh học sinh bức xúc như vậy, cán bộ trường ĐH Xây dựng cũng thừa nhận trách nhiệm và sự yếu kém trong quản lí và sẽ rút kinh nghiệm. Nhà trường cũng bày tỏ những khó khăn nhất định về tài chính. Được biết, mỗi năm trường Xây Dựng chỉ chi 40 triệu đồng cho vấn đề vệ sinh mà không thu thêm của sinh viên bất kì một khoản thu nào. Đây là lí do chính biện minh cho việc thường xuyên thiếu giấy, nước, xà phòng…trong nhà vệ sinh của trường.
Đồng thời, cũng theo ban lãnh đạo nhà trường thì trường ĐH Xây dựng có số sinh viên đông, việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là rất khó khăn và hầu như ý thức của các sinh viên còn rất yếu kém. Các sinh viên cứ vô tư xả rác bẩn, vứt đồ, đi vệ sinh không dội nước, vặn gãy vòi nước… chính các trò nghịch này đã làm cho các khu nhà vệ sinh ngày càng bẩn, hôi hám nghiêm trọng.
Thầy Nguyễn Văn Trung, cán bộ phòng quản trị thiết bị trường ĐH Xây dựng bày tỏ: “Trong thời gian tới nhà trường sẽ cố gắng xây dựng một hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ và khang trang hơn. Tuy nhiên, ý thức giữ gìn vệ sinh của các em sinh viên cũng vô cùng quan trọng. Có phối hợp như vậy thì mới tạo nên một môi trường xanh – sạch – đẹp cho nhà trường được”.
La Hoàn - Viết Tuân - Huệ Bạch
Nhà vệ sinh trường đại học của bạn đang trong tình trạng nào? Mời độc giả chia sẻ hình ảnh, ý kiến theo mẫu phản hồi phía dưới hoặc emai:chuyendongtrevnn@vietnamnet.vn.
Đón đọc bài 4: Nhà vệ sinh "năm sao" của SV thủ đô