Sáng 11/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tại cuộc họp, ông Bỉnh cho biết, hiện thành phố có tổng cộng 837 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 595 ca lây nhiễm trong nước và 238 ca cách ly sau khi nhập cảnh.

Riêng ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện từ ngày 26/5 có 441 ca. Từ ổ dịch này đã phân chia thành 7 ổ dịch ở khu dân cư, văn phòng công ty, trường học và quán cà phê, quán ăn… Ông Bỉnh cho biết, hiện nay thành phố đã kiểm soát được các ổ dịch này.

Tuy nhiên, ông Bỉnh cho rằng, nếu dựa vào thời gian ủ bệnh 14-21 ngày thì có khả năng trong 10 ngày tới sẽ có thêm ca bệnh rải rác từ các ổ dịch đã kiểm soát. “Thành phố cần tập trung những ngày giãn cách tiếp theo để kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch”, ông Bỉnh nhấn mạnh.

{keywords}
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh.

Lý giải thêm về nhận định trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng đợt dịch này, biến chủng gây bệnh là biến chủng B.1.617.2. (biến chủng Delta) có tốc độ lây nhanh, lan rộng, trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm và thời gian lây nhiễm ngắn, từ 2-3 ngày. Có trường hợp, sau 3 ngày phơi nhiễm có thể lây bệnh cho người khác. Chính vì điều nay, hơn nửa tháng qua, khi phát hiện ra chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo, thành phố đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm từ chu kỳ thứ 3.

“Trong quá trình truy vết, thành phố phát hiện thêm các ca bệnh ở chu kỳ thứ 4, thậm chí thứ 5 của virus. Bài toán đặt ra là phải tìm cách bắt kịp tốc độ lây lan của virus và chặn kịp những vòng lây nhiễm tiếp theo”, đại diện HCDC chia sẻ.

HCDC cho rằng, trong cuộc đua chặn đứng các vòng lây nhiễm khóa mấu chốt là phải nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần F1, F2 để cách ly, làm xét nghiệm nhanh chóng. Tuy nhiên, thành phố đang gặp khó khăn khi các F0 khai báo chưa đầy đủ. Từ đó, đã có việc bỏ sót các F1 và không thể truy vết kịp các F2. Trong khi đó, tốc độ lây nhanh của các F2 đã có thể lây tiếp cho người tiếp xúc với mình tạo thành chu kỳ lây nhiễm thứ 3 và phát triển thêm.

Theo HCDC, để nhanh chóng chặt đứt các chu kỳ lây nhiệm bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương còn cần sự chủ động của chính người dân. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc với F0, F1 người dân cần chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. Việc để đến khi có triệu chứng mới khai báo sẽ vô tình tạo điều kiện cho virus phát triển thêm chu kỳ mới. Điều này không những dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe mà còn có thể làm lây lan dịch bệnh. "Trường hợp người phụ nữ ở phường 15, quận Gò Vấp tử vong trên đường đi cấp cứu là một bài học cho nhiều người", đại diện HCDC nói.

Theo ông Bỉnh, hiện thành phố đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để đối phó với tình hình dịch bệnh. Hơn nữa, các ca nhiễm mới có thể sẽ phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa, vì vậy người dân không nên hoang mang lo lắng. 

“Nếu có nguy cơ tiếp xúc, đến từ khu vực nguy cơ hãy nhanh chóng chủ động và trung thực trong khai báo y tế. Đừng vì bất cứ lý do gì khiến chúng ta lo ngại mà chậm khai báo. Người xung quanh nên có cái nhìn cởi mở, không phân biệt kỳ thị để cùng khuyến khích ủng hộ những người có nguy cơ khai báo y tế”, đại diện HCDC nhấn mạnh.

Tú Anh

Rủ nhau đến nhà nhậu, 7 người ở quận 12 dương tính với nCoV

Rủ nhau đến nhà nhậu, 7 người ở quận 12 dương tính với nCoV

Thông tin được ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 11/6.