Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, sau 10 ngày thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định, đồng thời chủ động tuyên truyền các nội dung cơ bản của Nghị định tới người tham gia giao thông.

Theo thống kê từ cơ quan này, sau 10 ngày xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 37.360 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 174 ô tô, gần 4.500 mô tô và hơn 2.700 giấy phép lái xe, Kho bạc Nhà nước thu hơn 20 tỷ đồng. So với cùng thời gian liền kề trước đó, số trường hợp bị xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông tăng hơn 20%, số xe máy và giấy phép lái xe bị tam giữ cũng tăng.

Trong đó, CSGT Hà Nội phát hiện, lập biên bản 17.915 trường hợp vi phạm, Đà Nẵng xử lý 1844 t/h vi phạm, TP.Hồ Chí Minh xử lý 2.988 t/h vi phạm. Những vi phạm chủ yếu tập trung vào các lỗi đi sai phần đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, dừng dỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm…

Đáng kể, Cục CSGT cho biết, hầu hết các trường hợp vi phạm sau khi được lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền, giải thích đều thừa nhận hành vi vi phạm và chấp nhận thi hành quyết định xử phạt, mặc dù có nhiều hành vi vi phạm về nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, đi xe ô tô ngược chiều trên cao tốc... bị xử phạt tiền khá cao.

Trước đó, từ ngày 1/8, nhiều lỗi vi phạm khi tham gia giao thông bị xử phạt mạnh tay hơn rất nhiều khi Nghị định 46 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Trong đó, đáng kể là việc xử phạt các tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi lái xe ô tô với mức phạt cao nhất lên tới 18 triệu đồng; vượt quá tốc độ cho phép; Nghe điện thoại khi đang lái xe… Tuy nhiên, một số quy định mới trong Nghị định 46 cũng gây tranh cãi từ nhiều người dân. Đáng kể là hành vi vượt đèn vàng khi tham gia giao thông.