Harold Camping tiên đoán rằng ngày tận thế là ngày 21/10 vừa qua. Hy vọng rằng những lời tiên đoán đó không thành hiện thực bởi tờ Time đã liệt kê ra những lời tiên tri sai lầm đặc biệt nghiêm trọng.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: Khoahoc
Ngày trái đất diệt vong

Harold Camping nói rằng trái đất sẽ hủy diệt vào ngày thứ Sáu, 21/10/2011. Nhưng đây không phải là tiên đoán đầu tiên của ông. Năm 1992, người truyền giáo này cho in ấn cuốn sách có tên gọi 1994?, trong đó tuyên bố rằng vào một thời điểm nào đó giữa tháng Chín năm 1994, Chúa trời có thể sẽ trở lại và thế giới sẽ không bị diệt vong.

Camping đưa ra những tính toán này dựa trên các con số và ngày tháng ông tìm thấy trong Kinh Thánh, và vào thời điểm đó, ông nói rằng "99%" tính toán của ông là chính xác. Nhưng thế giới đã "sống sót" qua năm 1994, cũng như qua tháng Ba năm 1995 - một thời điểm khác mà Camping dự liệu thêm. Camping tự nhận: "Tôi chẳng khác gì cậu bé cứ nói đùa rằng đàn sói đang đến, hết lần này tới lần khác, và chẳng có con sói nào xuất hiện cả". "Nhưng điều này không hề khiến tôi phiền lòng chút nào" - Camping nói.

Trái đất phẳng

Mọi người đều biết rằng trái đất hình tròn, phải không? Không phải vậy. Homer nghĩ rằng nó dẹt. Một số nhà thiên văn học xưa kia cho rằng trái đất giống như chiếc đĩa nằm ngang. Kinh Thánh của người Do Thái thì cho rằng nó tựa như một mái vòm. Người Trung Quốc cổ thì coi trái đất hình vuông. Và khi đoàn thủy thủ của Colombo du hành qua đại dương vào năm 1492, nhiều người châu Âu cho rằng hẳn là ông ta đã đi tới chân trời. Một số học giả đưa ra lý thuyết cho rằng trái đất hình tròn, điều này đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ hơn là chúng ta nghĩ.

Quan điểm về trái đất hình tròn cũng từng được biết đến thời Plato, và vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, nhà triết học của Hy Lạp là Pythagoras (người đưa ra định lý a² + b² = c² ) cũng được cho là đồng ý với quan điểm đó. Vào thời gian sau Công nguyên, một người châu Á tin rằng trái đất cũng tựa như lòng đỏ trong một quả trứng gà, và các học giả Hồi giáo cũng đồng tình với nhận định này vào thế kỷ thứ 9. Người châu Âu gia nhập phong trào "trái đất tròn" muộn hơn một chút, đó là khi cuộc thám hiểm toàn cầu của Magenllan vào năm 1519 có vẻ như đã củng cố cho giả thuyết này.

Giàu có sung túc sẽ kéo dài muôn đời

Sự nghiệp có lúc thăng, lúc trầm chỉ trong một bản tuyên ngôn của số mệnh, đó là điều mà nhà kinh tế học Irving Fisher đã học được vào năm 1929. "Các thị trường chứng khoán đã đạt đến ngưỡng, và có vẻ như mặt bằng đó sẽ luôn cao như vậy", ông đã tự tin tiên đoán như vậy. Chỉ ba ngày sau đó, thị trường chứng khoán lao thẳng vào cơn suy thoái lịch sử, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, sau đó là Đại Suy thoái và một thập kỷ u ám. Fisher tin rằng thị trường vốn đã quá hợp lý và hiệu quả, trong vài tháng sau đó, ông vẫn tiếp tục đảm bảo với các nhà đầu tư và thuyết phục họ rằng khả năng phục hồi là rất chóng vánh. Dù cho nền kinh tế cuối cùng cũng phục hồi sau Chiến tranh thế giới II, thì không may là những bong bóng mà Fisher dự đoán còn xa mới được như những gì mà nước Mỹ trải qua gần đây nhất.

Công nghệ ư? Đó là gì vậy?

Với sự đổ bộ của những máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính và những thiết bị khác liên tục đổ vào thị trường, cũng khó có thể nói rằng tương lai của công nghệ là hoàn toàn sáng lạn. Nhưng trong quá khứ, không phải lúc nào cũng vậy. Trước kia, khi thế giới còn phải chật vật để lĩnh hội được thành công nhanh chóng của phát minh công nghệ, thậm chí những người đã từng làm trong ngành công nghiệp vẫn còn nghi ngờ về sức mạnh của nó. Năm 1977, Ken Olsen - người sáng lập nên Digital Equipment Corp. mào đầu rằng: "Chẳng có lý do gì khiến cho mọi người muốn có một chiếc máy tính trong nhà mình". Nhưng đến năm 2009, 80% hộ gia đình ở Mỹ có ít nhất một chiếc máy tính trong nhà.

Darryl Zanuck - một nhà sản xuất phim của 20th Century Fox - tuyên bố năm 1946 rằng truyền hình sẽ không thể trụ được lâu bởi vì "mọi người sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi với việc dán mắt vào cái hộp gỗ dán mỗi đêm". Còn đây là những gì mà nhà thiên văn học Clifford Stoll nói về internet vào năm 1995: "Sẽ không có dữ liệu trực tuyến nào có thể thay thế được nhật báo, không có đĩa CD-ROM nào có thể thay thế được năng lực của giáo viên và chẳng có mạng lưới máy tính nào có thể thay đổi được cách thức hoạt động của chính phủ".

Thậm chí, đến CEO của Microsoft cũng phán trật lất về tương lai của chiếc điện thoại iPhone: "Không thể nào có chuyện iPhone giành được thị phần đáng kể trên thị trường. Không đời nào".

Nhóm 4 người chơi ghita đã 'xong đời'

"The Beatles không có tương lai trong ngành ca nhạc" - một nhà quản trị của hãng Decca Records đã nói với quản lý của ban nhạc là Brian Epstein vào năm 1962. "Chúng tôi không thích giọng hát của các anh chàng này. Nhóm này bị loại; đặc biệt là các nhóm với bốn thành viên chơi ghita thì coi như 'xong đời". Nhận định sai lầm này thật khó hiểu, khi mà Anh và Mỹ đã đánh dấu cho kỷ nguyên của các nhóm nhạc rock-'n'-roll hiện đại (rất nhiều trong số đó có 4 thành viên chơi ghita). Nhưng vào năm 1962, Beatles vẫn chỉ là một ban nhạc chơi trong các câu lạc bộ ở châu Âu và đang nỗ lực để phát triển. John Lennon và Paul McCartney thậm chí còn chưa bắt tay vào viết bất kỳ bài hát nào.
Y2K

Đó là ngày mà đáng lẽ ra sẽ chứng thực những gì mà Luddites và những người ghét công nghệ đã nói trước đó: hệ thống máy tính sẽ gặp họa.  Nhiều tháng trước đó, nhiều nhà phân tích cho rằng vào nửa đêm ngày 1/1/2000, toàn bộ các mạng lưới hệ thống máy tính sẽ sụp đổ, gây nên tình trạng hoạt động khác thường cho toàn bộ dân số toàn cầu. Vấn đề là rất nhiều máy tính đã được lập trình để lưu lại các ngày tháng chỉ sử dụng hai con số cuối của số năm, điều đó cũng có nghĩa là năm 2000 cũng có thể được ghi nhận y hệt như năm 1900.

Nhưng sự thực lại không như vậy. Ngoài một vài sai sót trong lĩnh vực năng lượng ở một số quốc gia, các vấn đề nảy sinh trong hệ thống chuyển đổi tại một vài nhà máy năng lượng hạt nhân của Nhật (không liên quan tới an toàn của nhà máy) và một vài ngưng trệ trong tiếp nhận dữ liệu từ mạng lưới vệ tinh thông tin của Mỹ, thì năm mới đã đến như mọi năm cùng với những cuộc say bí tỉ mà ai cũng hình dung ra.

Titanic không thể chìm

Nếu như Titanic hoàn tất chuyến du hành như nó đã định, thì đó có thể sẽ là một chiếc tàu khổng lồ cùng với những kỳ vọng lớn lao. Trước chuyến đi, thuyền trưởng của tàu là Edward J. Smith có nói: "Tôi không thể nào tưởng tượng được là bất kỳ thảm họa nào có thể xảy ra với con tàu này"

Phillip Franklin - phó chủ tịch của White Star Line nhà sản xuất ra con tàu này - nói thêm: "Sẽ chẳng có hiểm nguy nào có thể khiến cho Titanic chìm được". Không may thay, con tàu này không thể sống sót chỉ dựa vào những lời tiên đoán đó.

Mua sắm online sẽ thất bại

Vào năm 1966, thậm chí trước cả khi internet xuất hiện, tờ Time đã đăng tải một bài viết có tên: "Những người theo thuyết vị lai", trong đó hình dung rằng thế giới có thể giống như năm 2000. Bên cạnh việc phán đoán các thay đổi về xã hội, tự nhiên và công nghệ trên thế giới, tờ Time cũng 'phán' rằng việc mua sắm từ xa (nếu có) sẽ chẳng bao giờ phổ biến bởi vì "phụ nữ rất thích ra khỏi nhà, thích công việc buôn bán, thích khả năng thay đổi tư duy của mình". Điều đó có thể đúng, nhưng trên thực tế lại không thể ngăn phụ nữ - và cả nam giới - thúc đẩy thương mại điện tử mỗi năm. Chỉ riêng quý đầu năm 2011, thương mại điện tử tại Mỹ đạt gần 38 tỉ USD (bán lẻ). Tờ Time viết: "Chúng tôi thừa nhận là chúng tôi đã sai".

Mổ tim và não? - Không đời nào!

Năm 1873, ngài John Eric Erichsen - một bác sĩ người Anh đã chỉ định ca phẫu thuật đặc biệt cho Nữ hoàng Victoria, đã nói rằng "Bụng, ngực và não sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn nếu như có sự can thiệp của bác sĩ nhân đạo và sáng suốt". Năm 1884, ca mổ não hiện đại đầu tiên được tiến hành tại Anh, dưới bàn tay của bác sĩ phẫu thuật Rickman Godlee, khi ông cắt bỏ một khối u não cho bệnh nhân. 11 năm sau đó, bác sĩ người Na Uy Axel Cappelen thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên tại Rikshospitalet, Oslo.

Hồi kết của lịch sử đang cận kề

Bài báo của học giả Francis Fukuyama xuất hiện trên tờ National Interest là bước đầu tiên cho công trình nổi tiếng của ông, xuất bản 3 năm sau đó. Khi Liên bang Xô viết sụp đổ và các phong trào vì tự do, dân chủ ở Đông Âu gây nên sự chú ý trên toàn thế giới, Francis Fukuyama cho rằng sẽ không bao lâu nữa, mọi quốc gia đều trở nên tự do dân chủ. Viện dẫn nhà triết học của thế kỷ 19 là Hegel (người cho rằng lịch sử như là một dạng của quá trình tiến hóa), Fukuyama hình dung về một kết thúc kiểu "cứu cánh luận" tự nhiên nơi mà cực điểm của phát triển nhân loại chỉ có thể là trong các xã hội dựa trên dân chủ và chủ nghĩa tư bản.

  • Thu Lượng (theo Time)