Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/10/2002 (Nghị định 78) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác hướng tới sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay ưu đãi phục vụ SXKD, tạo việc làm, cải thiện đời sống.

Ngày 15/9/2022 UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trong 20 năm tiếp nhận bàn giao và tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Lào Cai luôn xác định Nghị định 78 là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 20 triển khai, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai cho vay 23 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tổng doanh số cho vay 20 năm là 10.998 tỷ đồng, với 453 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ 7.452 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại tỉnh Lào Cai đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ so với năm 2003, tăng 16 lần (năm 2003 nguồn vốn hoạt động là 233,1 tỷ đồng), với trên 85 nghìn lượt hộ vay vốn.

Tỉnh Lào Cai đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang ủy thác qua Ngân hàng CSXH số tiền hơn 271 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 17%, với trên 453 nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp 112 nghìn hộ dân thoát nghèo, đời sống của nhân dân được nâng lên, kinh tế ngày càng phát triển.

Đến nay, mạng lưới điểm giao dịch Ngân hàng CSXH đã được phủ kín 152 điểm/152 xã, phường, thị trấn ở Lào Cai, với 2.120 Tổ tiết kiệm và vay vốn  rộng khắp các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho trên 150 nghìn lao động; hơn 22 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 109 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 7.800 ngôi nhà cho hộ nghèo; 241 khách hàng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Ngoài những con số, vốn tín dụng chinh sách cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân ở Lào Cai. Ngoài ra, vốn tín dụng cũng là nguồn lực để người dân có cơ hội thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng  tiến bộ KHKT, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Tại Hội nghị, các đại biểu địa phương thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Nghị định 78 trong thời gian tiếp theo. Trong đó, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai xác định sẽ bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2030 của tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh Lào Cai đạt 5,2%, từ tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 6 so với cả nước năm 2016, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,2% (vươn lên xếp ở vị trí thứ 10, tăng 4 bậc về xếp hạng nghèo). Kết quả đó đã giúp Lào Cai liên tục đứng đầu các tỉnh Tây Bắc và luôn ở tốp đầu các tỉnh trung du và Miền núi phía Bắc. 

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, 100% xã trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72% trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 36%.

KA