Chính quyền Matxcova đang nâng cấp mạng lưới 146.000 camera để giám sát đường phố tốt hơn và bảo đảm các cư dân, doanh nghiệp, khách du lịch hành xử đúng đắn. Mạng lưới camera khổng lồ đã được phát triển bền vững trong 5 năm qua. Chúng trải dài các đường phố, cho phép quan sát 24/7, được gắn trên mọi thứ, từ đèn đường đến các tòa nhà, công trình xây dựng.
![]() |
Khi chính phủ khắp thế giới đang tăng cường theo dõi mọi hoạt động trên đường phố, mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận. Tỉ lệ tội phạm có thể giảm nhưng lại còn đó các câu hỏi về quyền riêng tư. Đặc biệt, nếu dữ liệu camera rơi vào tay kẻ xấu, chuyện gì sẽ xảy ra?
Rất nhiều dịch vụ của thành phố có thể truy cập từ smartphone. Hiện tại, camera được dùng để kiểm tra việc xả rác, phát hiện người đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, bảo đảm các quảng cáo trên đường phố hợp pháp và theo dõi việc dọn tuyết. Theo cố vấn cao cấp của văn phòng CNTT Matxcova, Andrey Belozerov, có khoảng 75.000 vi phạm được phát hiện mỗi ngày. Những người này sẽ bị phạt tiền.
Dù vậy, chính quyền thành phố không dừng lại ở đây. Hệ thống camera trị giá 250 triệu USD còn vô số tiềm năng. Họ đang nỗ lực để hệ thống thông minh hơn, phân tích dữ liệu video tốt hơn. “Trong tương lai, chúng tôi có nhiều thuật toán hơn, bắt đầu từ việc kiểm tra dây an toàn có được thắt hay không hay có ai vừa đi vừa nghe điện thoại không”, ông Belozerov cho biết.
Thử nghiệm của Matxcova khả thi là nhờ những đột phá gần đây trong thị giác máy tính (computer vision). Các kỹ sư chuyên ngành này cũng là đối tượng được “săn đón”. Giấc mơ của các nhà nghiên cứu thị giác máy tính là ngày nào đó, có thể trao quyền cho các cỗ máy để chúng nhìn thấy như con người. Không rõ khi nào điều đó mới xảy ra nhưng những công dụng mới của máy tính là vô cùng lớn.
Đó là lý do vì sao những người dắt chó tại Maxcova nên quen với việc dọn phân của chúng. Chỉ trong vài năm, chính quyền có thể kiểm soát và buộc người dân cư xử đúng đắn. Belozerov đã hình dung ra cảnh dùng camera để tự động xác định khi một người không chịu dọn phân của thú cưng khi đi đường và người đó sẽ nhận vé phạt trong hộp thư.
Về lý thuyết, điều này hoàn toàn làm được nhưng hiện tại vẫn cần nhân lực giám sát hàng ngàn video mỗi ngày và rất tốn kém. Nếu tự động hóa bằng thuật toán thị giác máy tính, chi phí sẽ được giảm xuống.
Đầu năm nay, Belozerov đã thí điểm công nghệ nhận diện gương mặt tại các trạm xe điện ngầm. Một số camera có thể nhận diện chính xác 95%. Một số lại không hiệu quả do ánh sáng hoặc điểm mù.
Khi camera ngày càng tinh vi hơn, thành phố cũng phải giải quyết các lo ngại quyền riêng tư. John Verdi, phụ trách chính sách tại Diễn đàn chính sách tương lai, cho rằng công nghệ tương đối trung lập, song câu hỏi đặt ra là về bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội mà công nghệ được triển khai.
Có hơn 15.000 người trong chính quyền Matxcova có thể theo dõi các đoạn băng video, một số bị hạn chế quyền truy cập. Chẳng hạn, quan chức trường học chỉ xem được video từ camera ngoài trường học. Phòng cảnh sát phải được đồng ý nếu muốn hướng camera về phía nào đó hoặc phóng to. Mọi tổ chức của Nga đều được xem video nếu có yêu cầu viết tay. Dữ liệu video từ camera được lưu lại trong 5 ngày. Ông Belozerov nói nếu có nhiều tiền hơn, họ có thể mua nhiều bộ nhớ hơn.