Quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của Ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng. Cư dân tại tòa nhà này đang lo lắng về số phận của số tiền này ra sao khi chủ đầu tư có thông tin rao bán dự án.

Kể từ khi được thành lập, BQT chung cư siêu sang tại Hà Nội đã phải liên tục đòi phí bảo trì từ nhiều năm qua. Ngày 12/8/2012, BQT tòa nhà Keangnam được thành lập và đến 18/1/2013 thì được UBND huyện Từ Liêm công nhận. Từ bấy đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giao lại cho BQT đồng nào.

Theo ước tính của BQT tòa nhà Keangnam, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của toà nhà khoảng 150.000m2 và giá bán căn hộ 2.800USD/m2, phí bảo trì chủ đầu tư đã thu lên tới 160 tỷ đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng. 

Đây là số tiền bảo trì hoạt động, trang thiết bị của tòa nhà trong suốt quá trình sử dụng.  Từ năm cuối năm 2012 đến nay, ít nhất 11 lần Ban quản trị đã làm việc với Công ty TNHH MTV Keangnam Vina qua văn bản, đề nghị làm rõ các thông tin liên quan về quỹ bảo trì tòa nhà.

Tuy nhiên, Keangnam Vina luôn tìm mọi lý do lẩn tránh, trì hoãn hoặc trả lời rất vòng vo, khó hiểu. Chủ đầu tư cho rằng, cho rằng, do cần phải báo cáo “Công ty mẹ”, nên chưa thể thực hiện được yêu cầu này. Đến nay, gần 160 tỷ đồng này đã đi đâu, được chủ đầu tư chi dùng vào việc gì cư dân hoàn toàn không biết.

{keywords}
Cư dân lo lắng về số tiền bảo trì 2% đang được chủ đầu tư nắm giữ

Tháng 12/2014, Keangnam Vina thừa nhận quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỷ đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại và đã sử dụng sai mục đích số tiền này. Đến tháng 3/2015, chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị trả quỹ bảo trì  5 tỷ đồng mỗi năm, trong vòng 25 năm.

Theo đại diện ban quản trị, tòa nhà Keangnam có nhiều thiết bị hiện đại cần có kinh phí và quy trình nghiêm ngặt. Trước nguy cơ tập đoàn Keangnam phá sản, các tài sản tại Việt Nam đang bị rao bán dẫn tới quỹ bảo trì của chung cư có nguy cơ bị mất.

Không ảnh hưởng đến chủ căn hộ

Về mặt pháp lý, khi thành lập được BQT mà chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền bảo trì chung cư thì BQT chung cư có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao số tiền bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả của chủ đầu tư theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

Ông Phạm Xuân Cần, chủ tịch Sohovietnam nhận định, cư dân của Keangnam khi mua nhà đều ký hợp đồng với chủ đầu tư vì vậy khi doanh nghiệp đổi chủ sở hữu, họ sẽ tiếp tục trách nhiệm với khách hàng và cả khoản phí bảo trì 2% này. 

Theo một vị luật sư, về luật tòa án bên phía Hàn Quốc không được quyền bán bất động sản tại Việt Nam. Việc bán hay chuyển nhượng dự án trong nước phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Thông tin rao bán tòa nhà Keangnam trên báo chí Hàn Quốc có thể gây hiểu lầm, bởi công ty đầu tư xây dựng tòa nhà Keangnam có thể là nhiều cổ đông, trong đó Keangnam góp vốn. Cơ quan chức năng Hàn Quốc yêu cầu bán cổ phần của Keangnam tại công ty này, còn pháp nhân của công ty đối với dự án tại Việt Nam không thay đổi và mọi nghĩa vụ đối với pháp luật Việt Nam cũng như vậy. Bán Keangnam Landmark 72 không ảnh hưởng đến chủ căn hộ.

Trong khi đó, ban quản trị cư dân lo lắng. Theo đại diện Ban quản trị chung cư Keangnam, các cư dân và Keangnam Vina đã làm việc qua văn bản nhiều lần về vấn đề này, đồng thời đã gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị vào cuộc giải quyết giúp nhưng chưa có động thái nào từ các cơ quan này. Mới đây, cư dân chung cư gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng với nguyện vọng giúp Ban quản trị tòa nhà nhận lại số tiền phí bảo trì mà chủ đầu tư đang giữ.

Trên thực tế, có thể dễ dàng thấy những khu chung cư tranh chấp về phí bảo trì đều thuộc phân khúc cao cấp, số tiền chủ đầu tư tạm thu không phải là nhỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh khó khăn, có thể đến nay chủ đầu tư không còn khả năng chi trả những khoản tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng cho cư dân nữa nên bắt buộc phải lảng tránh hoặc chây ì.

D.Anh