18 năm lặn lội từ Bắc vào Nam, tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của, mồ hôi và cả nước mắt... cuối cùng vợ chồng anh Lịch, chị Nhung cũng đã có được cậu con trai kháu khỉnh.
Những ngày qua, hình ảnh anh Lê Xuân Lịch (Tuyên Quang) "tay cầm bát bột, đầu đeo smartphone” để dỗ con ăn, đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Hình ảnh này ngay lập tức đã nhận được hàng nghìn lượt "like" ủng hộ và thậm chí anh còn được mọi người phong tặng danh hiệu là “ông bố của năm” với kiểu chăm con đầy sáng tạo.
Nhưng ít ai biết được rằng, để có được một "cậu ấm" dễ thương như thế này, anh Xuân Lịch và chị Hồng Nhung đã từng phải trải qua 18 năm ròng chữa trị hiếm muộn. Anh cho biết, trong 18 năm đó, hai vợ chồng đã phải đi đủ mọi nơi để cắt thuốc nam, thuốc bắc, đi từ Tuyên Quang xuống Hà Nội, vào Sài Gòn để khám hiếm muộn. Hành trình 18 năm này đầy gian khổ, thử thách, khó khăn và rơi rất nhiều nước mắt nhưng điều đáng quý là anh chị chưa một lần có ý định buông tay nhau. Và cuối cùng, hành trình chữa trị hiếm muộn của họ đã cập bến bờ hạnh phúc khi vào ngày 5/11/2014, bé Quang Minh cất tiếng khóc chào đời.
Anh Xuân Lịch và chị Hồng Nhung đã mất 18 năm chữa trị mới có thể sinh con. Anh trở lên nổi tiếng trong cộng đồng mạng nhờ chiêu cho con ăn rất "độc". |
Cùng trò chuyện với anh Lê Xuân Lịch về hành trình 18 năm gian nan "tìm con" trong nước mắt và hiểu hơn về "tình vợ chồng" mà anh chị dành cho nhau trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
18 năm - chưa một lần anh có ý định buông tay vợ
Sau khi kết hôn bao lâu thì anh chị có ý định sinh con?
Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện sinh con ngay khi cưới xong vì lúc đó tôi cũng 28 tuổi rồi. Vả lại cha tôi khi đó cũng cao tuổi, chỉ còn có mình tôi là con út nên ông cũng rất mong mỏi.
Khi cố gắng trong bao lâu không thành thì anh chị đi khám hiếm muộn, vô sinh?
Trong khoảng hơn 2 năm mong chờ mà chưa một lần vợ tôi thụ thai, chúng tôi đã rất sốt ruột. Vì vậy vợ chồng tôi đã quyết định đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Khi ấy là khám tại bệnh viện tỉnh Tuyên Quang thôi, nhưng mọi kết quả của bệnh viện tỉnh đều nói là chúng tôi bình thường và không có hướng điều trị gì hết.
Cho tới cuối năm 2001, vợ tôi vô tình bị đau bụng, sau khi siêu âm thì bác sĩ kết luận vợ tôi bị u nang buồng trứng và chỉ định đi tuyến trên (Hà Nội) mổ gấp. Lúc ấy kinh tế chúng tôi cũng không có nhiều nhưng cũng muốn nhân tiện đi bệnh viện Từ Dũ trong thành phố Hồ Chí Minh để khám nguyên nhân vô sinh luôn. Thật bất ngờ, sau khi khám tại bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ cho biết khối u nang đó là u thường phụ nữ nào sau kỳ kinh cũng có.
Nhân tiện vợ chồng tôi cũng làm xét nghiệm tìm nguyên nhân vô sinh luôn. Kết quả cuối cùng, vợ tôi bị tắc hai vòi trứng, còn tôi thì kết quả rất tốt. Theo chỉ định của bác sĩ, vợ tôi phải mổ để thông vòi trứng. Sau khi mổ xong hai vợ chồng lại khăn gói về Tuyên Quang và chờ đợi kết quả.
Hiện tại bé Quang Minh đã được 8 tháng tuổi. |
Việc mãi không có con chắc chắn sẽ khiến anh chị chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, người thân?
Áp lực nhiều lắm. Vợ tôi đã khóc rất nhiều, lúc đó vợ chồng tôi đang còn ở chung với bố tôi và chị gái, nhiều lúc có những câu nói bóng gió cũng làm ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng. Ngoài ra còn phải chịu nhiều áp lực từ xã hội nữa, có những người vô duyên thường hay đùa ác, ví dụ như gọi đùa chúng tôi là "điếc" hay "cá rô đực", có người thì mang con cháu ra hỏi: "Có thèm không?", thậm chí còn to nhỏ bàn tán này nọ như "cây khô không lộc, người độc không con"...
Nói chung thời điểm đó chúng tôi chịu áp lực nhiều lắm nhưng lúc nào tôi cũng khuyên và an ủi vợ. Tôi thường nói với vợ: "Ai nói gì thì mặc kệ em ạ, chỉ cần mình yêu thương nhau là đủ rồi, anh tin vợ chồng mình sẽ có con chẳng sớm thì muộn."
Trong 18 năm nhọc nhằn chữa hiếm muộn, hai anh chị có bao giờ nghĩ đến chuyện buông tay nhau không ạ?
Vợ tôi yêu tôi lắm, chính vì thế nên nàng cũng hay ghen, đó là yếu điểm để cho một số người lợi dụng để trêu chọc vợ tôi. Hiểu được điều đó cho nên tôi thường đề phòng không bị mắc lỗi. Tôi thì chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ vợ vì tôi nghĩ mình sống phải có đạo đức, vợ mình đã thiệt thòi nhiều rồi. Làm người con gái khi lấy chồng xa, nhà thiếu thốn tình cảm gia đình bên ngoại cộng với bệnh tật nên lại không có con, bằng ấy tuổi rồi mà chưa một lần được nghe từ "mẹ ơi? từ chính đứa con của mình đẻ ra.
Còn vợ tôi, tôi chắc nàng cũng chẳng bao giờ muốn bỏ tôi đâu. Cũng có lần vợ tôi bảo: "Hay là anh với em chia tay để anh đi lấy vợ khác đi chứ chữa trị mãi thế này mà không có con em thấy thương anh quá!". Nhưng tôi hiểu trong lòng cô ấy không muốn như thế.
Ngưỡng mộ tình yêu anh chị dành cho nhau quá. Vậy tiếp sau đó, anh chị đã thực hiện những phương pháp gì để hỗ trợ sinh sản?
Trong 18 năm, nếu nói về thuốc nam thì không kể hết bao nhiêu, không nói ngoa chứ chỉ riêng bã thuốc chắc cũng chất được cả nửa xe tải. Chỉ cần nghe thấy ở đâu nói có thầy lang nào chữa vô sinh hay là hai vợ chồng tôi lại hăng hái đi tìm lấy thuốc ngay, từ Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn Tây, Hà Nội, Hòa Bình, còn tại địa phương thì có cả mấy chục thầy ở các huyện. Cuối cùng thì chỉ mất công, mất của mà không có kết quả gì.
Rồi lại đi cầu con ở chùa Hương, trên Chúa Tam Đảo, rồi đền Hùng nữa, còn các đền nhỏ thì cũng nhiều, đi tới đâu cũng cầu xin phù hộ. Cuối cùng là kết hợp cả tâm linh và khoa học vợ tôi đã thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Niềm hạnh phúc của chị Hồng Nhung khi được bế con yêu trên tay sau nhiều năm mong ngóng. |
Hạnh phúc gõ cửa sau 18 năm kiếm tìm
Anh có nhớ khi thụ thai là lần thứ bao nhiêu anh chị thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm không?
Làm sao mà quên được, tổng cộng vợ chồng tôi làm thụ tinh ống nghiệm ba lần. Và lần thứ 3 là con yêu đến.
Cảm xúc của anh chị khi biết tin có thai chắc chắn sẽ vô cùng đặc biệt?
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác ấy. Hôm đó sau khi được bác sỹ trao cho tờ kết quả xét nghiệm máu và lời chúc mừng, tôi như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, tôi mừng quá mà hai mắt cay xè. Cảm ơn bác sĩ xong, tôi phóng xe như bay về để khoe với vợ, trên đường đi về cái cảm giác khó tả lắm, tôi vừa phóng xe vừa khóc. Về tới nhà bước nhanh vào phòng vừa nhìn thấy vợ tôi thì tự nhiên tôi bật khóc thành tiếng. Thấy vậy vợ tôi mắt cũng bắt đầu đỏ hoe hỏi tôi: "Sao vậy anh, lại... hỏng rồi à?." Tôi vừa khóc, vừa cười nói: "Không, chúng mình thành công rồi em ạ!" và hai vợ chồng ôm nhau khóc nức nở.
Xúc động quá ạ! Sau 18 năm cố gắng mới có con, đến khi chị mang bầu, chắc chắn anh đã chăm sóc chị rất cẩn thận?
Tất nhiên rồi, không phải sau khi mang bầu tôi mới chăm sóc mà ngay khi chuyển phôi thì tôi đã chăm sóc đặc biệt với cô ấy rồi. Không phải riêng tôi mà ông chồng nào cũng phải thế thôi, bởi vì sau khi chuyển phôi vào dạ con thì người vợ phải nằm và hạn chế đi lại, tuyệt đối không leo cầu thang. Hằng ngày ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh đều nằm trên giường hết, tất cả mọi công việc trong gia đình, ngoài xã hội đều một tay tôi lo.
Anh chị đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách ngay cả trong thai kỳ. |
Lại thêm những thử thách...
Trong thai kỳ, chị nhà có gặp khó khăn gì không, thưa anh?
Có thai đã khó, mang thai còn khó hơn. Đến tuần thứ 13, tôi không bao giờ quên được đó là ngày thứ 7 ngày 28/6/2014 tức ngày 2/6 âm, hôm ấy tôi đi làm cách nhà 30km, lúc ấy khoảng 10 giờ thấy điện thoại của vợ gọi, vừa cầm máy thì tôi nghe tiếng vợ gọi trong tiếng khóc: "Anh ơi... Anh ơi... máu chảy nhiều lắm!." Tim tôi lúc đó như ngừng đập. Tôi vội vàng trấn tĩnh lại và bảo vợ nằm yên trên gường, rồi tôi gọi cứu thương.
Ngay sau đó xe cứu thương đưa vợ tôi xuống phòng khám đa khoa tư nhân và tôi bỏ hết công việc chạy xe về. Vào bệnh viện thì thấy nói tim thai vẫn còn nhưng cổ tử cung đã mở và bác sĩ khuyên tôi nên cho vợ đi Hà Nội cấp cứu. Cũng may lúc đó tôi liền gọi cho Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến (khi đó là giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương) hỏi ý kiến thì bác bảo cứ để nguyên điều trị cho cầm máu rồi mới xuống sau. Khi ấy tôi sợ quá nói với giám đốc bệnh viện xin được điều trị loại thuốc nào tốt nhất để cố giữ lấy cái thai.
Nằm viện 3 hôm thì cũng hết ra máu. Trong lúc chữa thuốc tây thì tôi cũng lấy củ gai rồi bắp bi chuối rừng (nhờ người ta lấy tận ở Hà Giang) để nấu cho vợ tôi ăn.
Chưa hết mừng thì ngay ngày hôm sau, vợ tôi tiếp tục bị chảy máu. Lần này thì nguy hiểm hơn vì máu chảy rất nhiều, dù vợ tôi có cố khép chân máu vẫn cứ chảy ra. Tôi lại đưa vợ ra bệnh viện và thật sự tay chân tôi như rụng rời khi bác sĩ nói: "Anh chị chuẩn bị tâm lý đi vì theo em thì rất khó giữ cháu đấy. Bây giờ cổ tử cung đang mở để tống cái thai ra rồi." Tôi đã chạy vào nhà vệ sinh và khóc nức nở.
Cả đêm đó, tôi đã thức trắng chăm vợ và quỳ dưới sân bệnh viện tới trầy cả đầu gối để cầu xin trời phật với hy vọng giữ lại được đứa con.
Trong khi đó vợ tôi máu vẫn chảy và không ngừng khóc vì bụng đau, vì tử cung co bóp để dọa sẩy, khóc vì sợ không giữ được con. Lúc ấy vợ tôi hoảng loạn lắm. Cầm tay vợ, tôi quỳ xuống nói trong nước mắt: "Em hứa với anh đi, nếu như ông trời không thương vợ chồng mình mà không cho con ở lại thì em cũng không được nản lòng nhé, hãy tin đi, số chúng mình sẽ có con em ạ. Anh hứa với em dù em có như thế nào đi nữa anh cũng luôn ở bên em đến hết cuộc đời này." Rồi ôm vợ vào lòng 2 vợ chồng tôi lại khóc...
May mắn là sau khi được truyền thuốc giảm co bóp tử cung, vợ tôi dần ổn định trở lại và được đưa về viện C để điều trị tiếp. Xuống đây, vợ tôi được phát hiện nguyên nhân là do viêm cổ tử cung rồi bị thiếu ối, lại cả tử cung ngắn nữa... Cứ hết nỗi lo này đến nỗi lo khác...
Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Lịch, chị Nhung. |
32 tuần 5 ngày: Hạnh phúc vỡ òa khi con cất tiếng khóc chào đời!
Vậy anh chị đã vượt qua khó khăn này như thế nào và bao nhiêu tuần thai thì em bé cất tiếng khóc chào đời?
Số vợ chồng tôi vất vả lắm, lúc mới có thai đã vất vả vì dọa sẩy suốt. Tưởng rằng cứ treo chân nằm một chỗ thì an toàn, ai ngờ chưa đến ngày sinh thì cháu đã đòi ra trước. Hôm đó là khi thai được 32 tuần 5 ngày, vợ tôi bỗng nhiên vỡ ối, thế là lại phải thuê cứu thương đi Hà Nội để mổ cấp cứu. Và đến 22h45' ngày 5/11/2014 bé Minh chính thức chào đời.
Bé sinh ra thương lắm vì sinh non nên có 2,4kg. Lần đầu tiên vào thăm con tôi đã khóc vì xúc động. Buổi chiều hôm 6/5 tôi gặp con trong phòng sơ sinh khi đó cháu đang ngủ. Tôi nói: "Con ơi bố đến thăm con đây?" (lúc vợ mang bầu ngày nào tôi cũng nói chuyện với con và hát cho con nghe, kể chuyện cho con nghe), hình như cu cậu nhận ra tiếng của bố nên tủi thân hay sao ý, hoặc là tình mẫu tử mà bé chảy nước mắt ra rồi khóc. Tôi thương con vô cùng, tội nghiệp con sinh ra đã phải nằm một mình không có bố mẹ ở bên cạnh nên lúc đó tôi đã òa khóc. Về đến phòng kể lại với vợ thế là hai vợ chồng cùng khóc...
18 năm "lên rừng xuống biển" chữa hiếm muộn, chắc chắn anh chị đã tốn rất nhiều tiền?
Suốt 18 năm đeo đuổi trên con đường tìm con cũng hết không ít tiền của, công sức, có những lúc cũng phải đi vay mượn thêm nữa. Nói thật ở vào hoàn cảnh hiếm muộn như chúng tôi mới hiểu được. Vì khao khát con nên cứ dành được chút tiền nào lại máu đi làm ống nghiệm ngay.
Cuộc sống của anh chị chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều khi có thêm thành viên mới trong gia đình?
Thay đổi nhiều lắm chứ. Từ khi vợ mang thai là cả hai vợ chồng đã bỏ bê công việc. Bây giờ đang khôi phục lại công việc làm ăn, đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Có con rồi cả nhà lúc nào cũng bận rộn với cháu suốt ngày nhưng mà vui lắm. Đi đâu cũng mong mau về với con thôi.
Anh chị dự định khi nào sẽ sinh con thứ 2?
Chắc là cũng vài ba năm nữa nếu có điều kiện chúng tôi cũng cố gắng có thêm một bé nữa đấy.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện xúc động này và chúc gia đình anh luôn hạnh phúc!
(Theo Khám phá)