Đó là một phần mềm dành cho smartphone, buộc trẻ em phải trả lời đúng trước khi được phép sử dụng. Sau một thời gian thì khóa hẳn.

Vừa giành giải quán quân của cuộc thi "Sáng tạo phần mềm giáo dục" (Vietnam Hackademics), hai chàng sinh viên (SV) Nguyễn Viết Danh và Trần Đình Đạt tiếp tục thử sức mình tại cuộc thi lập trình ứng dụng hỗ trợ công nghệ nhận diện giọng nói (S.M.A.C Challenge).

Nguyễn Viết Danh và Trần Đình Đạt là 2 trong số hơn 200 thí sinh tham gia cuộc thi S.M.A.C Challenge. Hiện Danh và Đạt đang là SV năm 3 khoa Công nghệ phần mềm, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM. Tham gia cuộc thi với tên nhóm UIT-Pirate King, hai SV ấp ủ ý tưởng về một phần mềm giúp người lớn quản lý thời gian sử dụng smartphone của trẻ em.

Giới thiệu về sản phẩm phần mềm thú vị mang tên Smart Learn, chàng trưởng nhóm Nguyễn Viết Danh cho biết, ngày nay, vấn nạn trẻ con mê smartphone đang làm đau đầu nhiều ông bố bà mẹ và ứng dụng Smart Learn sẽ là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

{keywords}
Nguyễn Viết Danh (trái) và Trần Đình Đạt (phải).

Theo Danh, để có thể mở khóa và sử dụng điện thoại, trẻ sẽ phải trả lời đúng một số câu hỏi với nội dung đã được phụ huynh chuẩn bị trước. Sau mỗi khoảng thời gian nhất định, ứng dụng sẽ tiếp tục khóa máy và yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi khác. Sau một mức thời gian hạn định đã được phụ huynh cài đặt sẵn, điện thoại sẽ tự tắt và trẻ không thể tiếp tục sử dụng nữa.

Danh cho biết thêm, Đạt chính là “cha đẻ” của ý tưởng Smart Learn. Hé lộ về ý tưởng, Đạt chia sẻ: "Cậu em trai của mình cũng rất đam mê các trò chơi trên điện thoại, khiến bố mẹ nhiều khi cảm thấy lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến việc học hành. Đó là lý do khiến mình nghĩ ra ý tưởng làm phần mềm như thế này".

Đây cũng là phần mềm mà Danh và Đạt đã giành chiến thắng tại Vietnam Hackademics 2015 vừa qua. Danh cho biết: “Sản phẩm tại Vietnam Hackademics được ban giám khảo đánh giá cao về mặt ý tưởng, tuy nhiên chưa trở thành một sản phẩm hoàn thiện. Giờ đây, mình và các bạn trong nhóm muốn hoàn thiện hơn những chức năng đã có của sản phẩm, tích hợp thêm những chức năng mới cộng với công nghệ số hóa giọng nói để sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn”.

Được hỏi về lý do mang phần mềm đã đoạt giải đến cuộc thi S.M.A.C Challenge, Danh vừa cười vừa thật thà trả lời: “Bất kì ai tham gia cuộc thi cũng mong mình chiến thắng, tuy nhiên, trên cả vinh quang ấy, nhóm chúng mình muốn hoàn thiện sản phẩm để có thể đến được với cộng đồng phụ huynh và học sinh Việt Nam”.

Sau cuộc thi Vietnam Hackademics 2015, kinh nghiệm mà Đạt và Danh rút ra là việc chuẩn bị ý tưởng hết sức quan trọng. Ý tưởng phải thực tế, phải có tính ứng dụng cao, có khả năng thu hút được nhiều người sử dụng. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng chịu áp lực lớn cũng là những yếu tố quan trọng để có được sản phẩm thành công.

Trước đó, Đạt và Danh đều đã có những sản phẩm công nghệ đầu tay. Với Danh là phần mềm dùng để hiển thị ảnh, còn Đạt là trò chơi Santa Clause với hình ảnh ông già Noel tìm đường đi phát quà. Tuy mới chỉ là những sản phẩm đơn giản, nhưng đó đều là khởi nguồn cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ của 2 chàng SV trẻ tuổi này.

Đạt kỳ vọng sản phẩm Smart Learn sẽ giành chiến thắng tại S.M.A.C Challenge để có thể nhận được sự đầu tư và phát triển, phục vụ xã hội miễn phí. Trong khi đó, Danh đang ấp ủ ước mơ lập một công ty Startup của riêng mình, và hi vọng tìm tòi thêm những xu hướng công nghệ mới.

Hiện hai SV nói trên đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện phần mềm Smart Learn dưới sự hỗ trợ của các kỹ sư FPT. Hình ảnh của sản phẩm được nhóm SV giữ kín đến phút cuối để đảm bảo cuộc thi diễn ra công bằng; tuy nhiên Đạt bật mí tính năng nhận diện giọng nói hứa hẹn sẽ tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm. Theo đó, ngoài hình ảnh và chữ viết trên màn hình, các câu hỏi còn được phát dưới dạng âm thanh. Với việc sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói của Google, trẻ em có thể trả lời nhanh mà không cần phải chạm tay vào màn hình.

Theo Dân Việt