|
28/12, triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật đương đại 'Cục im lặng' diễn ra tại Quận 7, TP. HCM. 20 năm của NTK hàng đầu Việt Nam gói trong 10 không gian triển lãm, mà không gian đầu tiên là khởi nguyên trong sự nghiệp của anh được thể hiện bởi nghệ sĩ thị giác Ngô Đình Bảo Châu. Đó là nơi cất giữ những trang phục trắng tinh khôi nhưng không hề kém đột phá về form dáng. |
|
Không gian thứ 2 cất giữ những mẫu áo dài phá cách, được thể hiện bởi bài múa đương đại mang tên The Talks của biên đạo múa Ngô Thanh Phương. |
|
BST thứ 3 được mô tả qua những trang phục cấu tạo bằng chất liệu tự nhiên, đặt trong không gian kết tre, nứa đan lát với nhau, được thể hiện bởi nhóm VUUV. Những chiếc váy như ẩn hiện giữa sự đan kết công phu tạo cảm giác choáng ngợp cho khách tham quan. |
|
Người phụ trách không gian thứ 4 là nữ nghệ sĩ thị giác Lu Yang - nơi trình bày các tác phẩm thời trang lấy cảm hứng từ chính cơ thể sinh học của con người. NTK tái hiện từng búi cơ, thớ thịt, mái tóc hay thậm chí là người mẹ mang thai lên trang phục của mình. |
|
Nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng trình bày BST thứ 5, gồm những thiết kế có cấu trúc gãy gọn, biểu thị tính kỹ thuật của cuộc sống ngày nay. BST truyền tải thông điệp rằng con người đang bị vây hãm bởi những cám dỗ từ tiện nghi vật chất hiện đại. |
|
Nhóm Young Lyricist thể hiện bài múa đương đại được biên đạo bởi Alexander Tú trong không gian thứ 6 của Công Trí, nơi các trang phục biểu thị cho một viễn cảnh mà loài người không còn đóng vai trò thống trị. Ở đó, các bộ trang phục lấy cảm hứng từ các thực vật bậc thấp như nấm, rêu, tảo... |
|
Không gian thứ 7 là các thiết kế áo dài treo trên quạt trần, được thực hiện bởi nữ nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân. Cô sắp đặt không gian cho những chiếc áo dài mang hơi thở của Sài Gòn với tâm tư của một người xa xứ. |
|
Không gian thứ 8 khá đau đầu khi những trang phục diễn tả sự ngột ngạt của con người trong thế giới kỹ thuật số. Tùng Monkey đã ứng dụng công nghệ trình chiếu kỹ thuật số thời gian thực cùng ánh sáng 3D để tạo nên không gian triển lãm độc đáo. |
|
Không gian thứ 9 được cho là phần thể hiện gây choáng ngợp nhất, khi nghệ sĩ thị giác Trúc Anh tạo nên không gian đặc biệt vừa hư vừa thực. Người tham quan như lạc vào cõi khác, nơi có nữ thần mặt trăng an tọa, thần rắn uốn lượn, các thần sông, thần lúa gạo... đứng uy nghiêm. |
|
BST cuối cùng, cũng là "kết bài" của Công Trí, chính là bộ "Em hoa" được thể hiện bởi đạo diễn Bảo Nguyễn. Những trang phục lấy cảm hứng từ những gánh hàng hoa dạo hết sức thân thuộc ở Hà Nội, TP. HCM được đặt trong không gian thiếu sáng không chỉ đẹp mà càng mê hoặc hơn. Đặt vẻ đẹp thân quen vào vùng tối, tác giả có ý muốn người xem cảm nhận trang phục bằng nhiều giác quan hơn - điều khiến vẻ đẹp của hoa vốn thân quen trở nên lạ lẫm. |
|
Sau buổi triển lãm, Công Trí trình diễn BST "Cục im lặng". Những bộ trang phục hướng tới bốn tinh thần cốt lõi là Zen (nước), Ikebana (hoa), Bonsai (cây) và Haiku (trăng) - những yếu tố duy mỹ của tự nhiên được thể hiện bằng ngôn ngữ thời trang tinh tế của NTK. |
|
Những thiết kế trong "Cục im lặng" không quá cầu kỳ, hào nhoáng mà thực sự mang tính giải phóng vẻ đẹp chân chính của người phụ nữ từ trong ra ngoài. |
|
Cô gái trong "Cục im lặng" trưởng thành qua 4 tinh thần: trong veo như nước, tươi đẹp như hoa, rồi thành người phụ nữ mang cốt cách của cây bonsai cùng tâm sáng như trăng. Tương ứng với bức tứ bình đó, là 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Tất cả vẻ đẹp đều thể hiện qua ngôn ngữ thời trang. |
|
Công Trí dường nghiêng về cổ điển hơn hiện đại, hay cổ điển trong hiện đại, khi làm "Cục im lặng". Show diễn bắt đầu bằng tiết mục múa đương đại của biên đạo Alexander Tú, lấy cảm hứng từ bộ sưu tập số 6. Xuyên suốt chương trình là sự dẫn dắt của nhạc hàn lâm được chơi "sống" bởi dàn giao hưởng. |
Gia Bảo
Ảnh: Kiếng Cận
- Sơn Tùng M-TP, Siêu mẫu Thanh Hằng cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà xuất hiện chúc mừng nhà thiết kế Nguyễn Công Trí trong sự kiện Triển lãm “Cục Im Lặng".