Tháng 4 này, Tập đoàn Kinh Đô
công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu KDC. Công ty xác định sẽ
tập trung chiến lược và các hoạt động vào lĩnh vực kinh doanh chính - ngành Thực
phẩm với doanh thu năm 2011 dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế
đạt 500 tỉ đồng.
Đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi
Ở kỳ đại hội năm nay, rất ít công ty công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu,
do còn “dư âm” nhiều đợt phát hành năm 2010 không thành công và do thị trường
chứng khoán năm 2011 chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Sau khi sáp nhập, tổng doanh thu và lợi nhuận của Kinh Đô sẽ tăng đột phá.
Cổ đông cũng đã thông qua việc giao cho HĐQT quyết định chọn đối tác chiến lược.
Dự kiến KDC sẽ phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám Đốc Kinh Đô từ chối cho biết về mức giá dự kiến sẽ
bán. Tuy nhiên, theo ông, nếu việc phát hành thành công, đem lại khoảng thặng dư
lớn cho Kinh Đô năm 2011.
Tập hợp sức mạnh
Ở kỳ đại hội cổ đông lần này, Kinh Đô đã giới thiệu những gương mặt trẻ trong bộ
máy lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn. Cổ đông đặc biệt ấn tượng với phần trình bày
về định hướng hoạt động và mục tiêu năm 2011 của Phó Tổng giám đốc điều hành
(COO) KDC, ông Nguyễn Khắc Huy. Được biết, để vận hành những quy trình mới, Kinh
Đô đã mời những nhân tài từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài
nước đến hợp tác, nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao và cấp trung tại công ty,
phối hợp với các cấp quản lý kỳ cựu và đội ngũ nhân sự hiện tại của Công ty
chung sức xây dựng một Kinh Đô mang diện mạo mới, tầm cao mới.
Sau sáp nhập, ngoài ngành bánh kẹo, Kinh Đô chính thức bước sang lĩnh vực
Kem và các sản phẩm từ Sữa.
Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống như
chuẩn hóa các quy trình làm việc thông qua hệ thống SAP, thể chế hóa mô hình
hoạt động Đơn vị kinh doanh chiến lược SBU, tăng cường năng lực dự báo tình hình
thị trường. Để xây dựng và vận hành toàn bộ hệ thống, Kinh Đô đã chiêu mộ đội
ngũ nhân sự cấp cao đế làm việc, kết hợp với nhân sự hiện tại để tạo ra lợi thế
cạnh tranh bền vững.
Năm 2011 là năm bản lề chuyển tiếp giữa Công ty Kinh Đô thành Tập đoàn Kinh Đô,
để sử dụng lợi thế cộng hưởng giữa các công ty thành viên, đẩy nhanh hơn tốc độ
sáp nhập và mua lại. Kế thừa nền tảng đã xây dựng trong năm 2010, năm 2011 Kinh
Đô sẽ triển khai tiếp phần mềm về Demand Planning và S&OP, mở rộng thêm độ phủ,
cơ cấu lại danh mục sản phẩm, thiết kế lại và triển khai hệ thống phân phối mới,
hợp lý hóa quy trình kiểm soát chất lượng trong suốt chuỗi giá trị, xây dựng các
KPIs để đo lường và giám sát kết quả kinh doanh và hiệu quả khai thác tài sản ở
từng thời điểm khác nhau trong năm. Các hoạt động trong năm 2011 sẽ hết sức quan
trọng trong công cuộc tạo nên năng lực cạnh tranh lâu dài cho Kinh Đô.
Chia sẻ về kết quả vượt bậc của KDC trong năm 2010, ông Nguyên nhấn mạnh, yếu tố
đóng góp chính trong việc đem lại tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng
của Tập đoàn năm 2010 chính là việc sáp nhập thành công NKD và KIDO vào KDC.
Tổng doanh thu ngành thực phẩm hợp nhất của Tập đoàn đạt 3.317 tỷ đồng, lợi
nhuận trước thuế ngành thực phẩm là 420 tỷ đồng.
“Với việc hệ thống đã chuẩn bị sẵn sàng ở chuẩn mực cao, chúng tôi sẽ tiếp tục
nhân bản thông qua đẩy mạnh sáp nhập và mua lại. Dự kiến trong năm nay, chúng
tôi sẽ tiến hành sáp nhập Vinabico vào KDC, sau đó sẽ là Kinh Đô Bình Dương,
Kinh Đô Saigon Bakery và các công ty thực phẩm khác”, ông Nguyên chia sẻ.
Dự kiến doanh thu ngành thực phẩm của Kinh Đô năm 2011 sẽ tăng lên 4.200 tỷ và
lợi nhuận trước thuế là 500 tỷ đồng. Cổ tức năm 2011 cũng sẽ được duy trì ở mức
cao là 24%. “Chúng tôi tin rằng, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều ngành
sẽ bị ảnh hưởng nhưng ngành thực phẩm - ngành đáp ứng nhu cầu hàng ngày, cơ bản
của người dân - sẽ không ngừng phát triển. Đó là lý do Ban lãnh đạo Kinh Đô
thống nhất tập trung xây dựng chiến lược và các hoạt động vào lĩnh vực sản xuất,
kinh doanh Thực phẩm, bao gồm bánh kẹo, kem và các sản phẩm từ sữa... trong năm
nay”, ông Trần Lệ Nguyên kết luận.
-
Như Hằng