Hễ gặp nhau mấy ngày này, trong số những câu chuyện trên trời dưới bể, thể nào cánh báo Tổng hợp cũng sẽ nhắc đến chuyện ngày hội mừng Khoa tròn 25 tuổi. Gọi “báo Tổng hợp” là để phân biệt với “báo Phân viện”, hai “lò” tôi luyện ra hàng ngàn anh, chị nhà báo.

Quân số đông, rải khắp trong Nam ngoài Bắc; từ truyền hình, phát thanh, báo in, điện tử… đều đặc quân Tổng hợp. Cũng vui, vì đi đâu cũng gặp đồng môn, đồng khóa. Giờ thì đồng khóa, đồng môn lại hào hứng rủ nhau về thăm trường, thăm khoa, nơi tất cả đã cùng nhau bắt đầu những bước chân đầu tiên vào nghề; nơi ký ức của những cựu sinh viên vẫn luôn lưu giữ chuỗi tháng ngày tươi đẹp.

{keywords}

Các thầy, cô giáo và sinh viên lớp K36 trong chuyến thực tế

Nếu được lựa chọn một lần nữa

Kể từ khi thành lập năm 1990 đến nay, Khoa Báo chí & Truyền thông đã đào tạo hơn 10.000 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, cùng hơn 350 thạc sĩ và tiến sĩ, phục vụ hiệu quả cho nền báo chí Việt Nam và ngành công nghiệp truyền thông nước nhà. Số lượng sinh viên của Khoa có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm luôn đạt tỷ lệ gần 90%. Hơn 100 cựu sinh viên của Khoa đoạt giải Báo chí Quốc gia và giải báo chí của các ngành, các cấp.

GS Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa đầu tiên trong hai nhiệm kỳ 1990-2000 viết: Khoa Báo chí và Truyền thông ở vào tuổi 25, tuổi thanh niên sung sức. Một phần tư thế kỷ, tuy thời gian không dài, nhưng cũng đủ để phát triển và có nhiều thành tựu trong giảng dạy, nghiên cứu.

Một phần tư thế kỷ, chặng đường chưa dài đối với một địa chỉ đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng đã đủ để cho nhiều cây bút, nhiều gương mặt trưởng thành. Chúng tôi học K42 (1997- 2001), khóa học sau 7 năm Khoa Báo chí được thành lập, may mắn được truyền thụ kiến thức từ những thầy cô là các nhà khoa học, những giáo sư, tiến sĩ tên tuổi đã tham gia giảng dạy tại Khoa từ khóa đầu tiên như GS Hà Minh Đức, PGS.TS Đỗ Xuân Hà, GS.TS Đỗ Quang Hưng, TSKH Đoàn Hương, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, PGS.TS Vũ Quang Hào, PGS.TS Dương Xuân Sơn, PGS.TS Đinh Văn Hường...

Chủ nhiệm lớp K42B ngày đó là cô giáo trẻ Đặng Thị Thu Hương, nay là PGS.TS, Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông. Những gương mặt còn lạ lẫm ngày nào giờ đã trở thành những nhà quản lý, những cây bút năng nổ, sắc sảo tại nhiều cơ quan báo chí. Có anh Phùng Công Sưởng đã được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong. Có những gương mặt, cái tên đã trở thành thân thuộc như: Trần Lưu (Báo Sài Gòn Giải phóng), Mỹ Quyên (Báo Thanh niên), Trương Công Tú (Đài THVN), Chí Sơn (Đài THVN), Thùy Linh (Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam), Hoàng Nhật (Báo Thể thao Văn hóa)…

Nhìn lên các khóa trước và cả nhiều khóa sau này, từng nấc thang tiếp nối, Khoa Báo Tổng hợp chính là cội nguồn đào tạo nhiều tài năng báo chí nước nhà. Không ít cựu sinh viên đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí TƯ và địa phương như nhà báo Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam; nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet... Bên cạnh đó, họ còn là nhiều gương mặt truyền hình được công chúng yêu mến như Hồng Quang, Đỗ Đức Hoàng, Việt Hà, Bùi Thu Thủy, Bùi Hồng Phúc, Vũ Thanh Hường; nhiều cây bút xuất sắc, sáng tạo và dũng cảm…

Nhân kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển, tại lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào sáng 22.10, Khoa Báo chí và Truyền thông vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Đảng, Nhà nước trao tặng. Trong hành trình 25 năm, Khoa cũng đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác: Năm 2009, đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng vào các năm 2000, 2005, 2010, 2013, 2015; Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2015; của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2015 và UBND tỉnh Cà Mau năm 2015. Tiếp nối các thế hệ đi trước, đội ngũ giảng viên của Khoa hiện nay phần lớn là những cán bộ trẻ tuổi, năng động và nhiệt huyết. 100% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó 29% cán bộ giảng dạy của khoa là PGS, 43% đạt học vị Tiến sĩ. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở Liên Xô, Anh, Úc, Hàn Quốc…, và là các chuyên gia uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu báo chí truyền thông.

Đội quân báo Tổng hợp đang làm việc tại Báo Văn Hóa khá đông, đa phần là những cây bút chủ lực, xông xáo trên những trang viết về văn hóa- văn nghệ, kinh tế- xã hội, du lịch, thể thao…

Những năm tháng công tác tại Báo Văn Hóa là quãng thời gian chúng tôi được gắn bó với công việc viết lách, gắn với những chuyến đi thực tế tìm hiểu đời sống văn hóa, xã hội ở mọi vùng miền, được đi qua trải nghiệm đầy yêu thương và xúc cảm mà nghề báo mang lại.

Những tích lũy kiến thức từ trường học đã trang bị cho mỗi phóng viên không chỉ là kỹ năng tác nghiệp mà nhiều hơn, là khả năng sáng tạo, nắm bắt vấn đề và triển khai ý tưởng. Không ít vấn đề gai góc, câu chuyện học thuật hay những góc khuất hậu trường thu hút sự chú ý của dư luận… đã được Báo Văn Hóa tiếp cận theo một góc độ riêng, có chiều sâu và giàu ý thức nhân văn.

Yêu nghề, nghề chẳng phụ. Nhà báo Bùi Thu Thủy (VTV3, Đài THVN, cựu sinh viên K37) tâm đắc: Tôi không nhớ thầy giáo nào đã nói trên lớp, nghề báo là nghề đặc biệt, nó cho các em cơ hội gặp gỡ nhiều người, từ bác đạp xích lô đến Thủ tướng Chính phủ.

Chính bài học đó đã làm tôi có sự tự tin để gặp và phỏng vấn nhiều người cho nghề báo của mình. Đúng vậy! Cơ hội gặp gỡ nhiều người; được trải nghiệm nhiều cung bậc xúc cảm, từ hạnh phúc tột cùng đến đớn đau bất hạnh; được lang bạt đôi chân đến nhiều vùng đất… đã trở thành một phần máu thịt của người làm báo.

Vẫn luôn háo hức, vẫn luôn thấy như mới trong mỗi lần đặt bút. Và nếu được lựa chọn một lần nữa, chắc có lẽ sẽ rất rất nhiều cựu sinh viên báo Tổng hợp vẫn lựa chọn mái nhà ấy, con đường ấy là tình yêu chung thủy của mình.

Sức trẻ tràn đầy

{keywords}

Sinh viên được trang bị các kỹ năng làm việc thực tế

Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học KHXH&NV Hà Nội sau khi tốt nghiệp về công tác tại Báo Văn Hóa khá đông và đã góp phần đem lại cho tờ Báo Văn Hóa có một bản sắc riêng. Bên măngsét Văn Hóa là slogan “Vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn, họ đã không ngừng nghỉ phấn đấu vì mục tiêu đó qua từng tin, bài, bức ảnh. Thật đáng tự hào khi hai giải báo chí quốc gia của Báo Văn Hóa có tác giả là những cựu sinh viên của “lò báo Tổng hợp” (loạt bài Xung quanh việc xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh- Huế năm 2005 và loạt bài Khi hiện vật lạ ùn ùn vào di tích năm 2014). Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, xin chúc mừng và chia vui cùng các thầy, cô, sinh viên và cán bộ Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học KHXH&NV Hà Nội. Chúc “lò báo Tổng hợp” tiếp tục đào tạo ra những nhà báo tài đức vẹn toàn cho đất nước. Trần Đăng Khoa Tổng Biên tập Báo Văn Hóa

“Đương kim” Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương là sinh viên xuất sắc của khóa đầu tiên, du học ở Anh và đỗ tiến sĩ báo chí. Những gương mặt đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Khoa cũng đều là những cựu sinh viên khóa I, khóa III. Sức trẻ tràn đầy, các khóa học sau này đã và đang được đào tạo theo khuynh hướng hiện đại, cập nhật với phát triển của báo chí thế giới. Lấy người học làm trung tâm, gắn lý thuyết với thực hành là tiêu chí trong đổi mới đào tạo của Khoa. “Khoa Báo chí và Truyền thông hiện là một trong hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí, truyền thông lớn nhất ở Việt Nam, đào tạo 3 bậc học, từ cử nhân đến tiến sĩ ngành Báo chí.

Điểm khác biệt của Khoa Báo chí và Truyền thông là sinh viên được trang bị toàn diện các kỹ năng, nghiệp vụ về các loại hình báo chí và truyền thông (từ báo in, phát thanh, truyền hình đến báo điện tử) chứ không theo các khoa chuyên ngành được phân chia ngay từ năm đầu. Điều này tạo cơ hội rộng mở hơn cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Mô hình này vì vậy đã và đang được các Khoa Báo chí và Truyền thông tại ĐH KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Huế cùng áp dụng…”, Chủ nhiệm Khoa Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Điểm những dấu mốc trong 25 năm qua, PGS.TS Đinh Hường, nguyên Chủ nhiệm Khoa hai nhiệm kỳ 2001- 2010 nhìn lại: Tháng 4.2008, ĐHQG Hà Nội đã quyết định bổ sung tên Khoa Báo chí thành Khoa Báo chí và Truyền thông. Năm 2012, Khoa mở ngành Quan hệ Công chúng (PR), đánh dấu bước trưởng thành mới, đa dạng hóa ngành đào tạo, tạo cơ hội cho những người đam mê với công việc còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.

Kể từ năm 2013, sau khi xây dựng thành công chương trình đào tạo cử nhân ngành Quan hệ Công chúng, Khoa Báo chí và Truyền thông là địa chỉ duy nhất tại Việt Nam đào tạo cả hai ngành học: Báo chí và Quan hệ Công chúng. Chương trình Thạc sĩ định hướng ứng dụng ngành báo chí chuẩn bị đưa vào giảng dạy cũng sẽ là chương trình Cao học báo chí đầu tiên ở Việt Nam chú trọng các môn học tác nghiệp và kỹ năng nghề báo.

Cũng theo Chủ nhiệm Khoa Đặng Thị Thu Hương: “Chương trình đào tạo của Khoa được thiết kế theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra, căn cứ theo yêu cầu của xã hội để xây dựng các module học phần. Khoa Báo chí và Truyền thông là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình đào tạo theo phương thức tín chỉ (áp dụng từ năm 2009 và điều chỉnh toàn diện theo chiều sâu từ năm 2012), tạo điều kiện cho người học chủ động tích lũy các học phần, chủ động tiến độ học tập và có khả năng ra trường sớm hơn quy trình đào tạo niên chế từ 6 tháng đến 1 năm…”.

(Theo Báo Văn Hóa)