Trong khuôn viên của trung tâm đào tạo lái xe thuộc huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), anh Trần Văn Toản, người kỳ công sưu tầm hơn 3.000 cối đá cũ từ nhiều năm qua đang dần biến ý tưởng xây dựng khu trưng bày cối đá thành hiện thực.

Anh Toản cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ nhỏ đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc cối đá giã gạo, giã bèo…, những trục đá để kéo lúa, những chiếc cối đá 2 tầng xay gạo, xay bột… Đó là những vật dụng quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X như anh.

Khu trưng bày cối đá của anh Trần Văn Toản đang dần hình thành

Khi sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, từ thủ công, quảng canh chuyển sang cơ giới hoá, sử dụng máy móc…, những vật dụng đồ đá xưa cũ của thế kỷ 20 trở thành thừa thãi.

Nhiều vùng quê, những chiếc cối đá, trục đá, cối xay bột… bị vứt bỏ chỏng chơ ở lề đường, bờ bụi. Biểu tượng của một thời nghèo khó bị lãng quên, vứt bỏ… khiến anh Toản không khỏi ngậm ngùi.

Anh Toản đã dành thời gian, tiền bạc… sưu tầm những “đồ đá” bị vứt bỏ. Từ ý tưởng xây dựng khu trưng bày cối đá để lưu giữ những ký ức của thế hệ mình, anh quyết tâm biến thành hiện thực.

Hơn 3.000 cối đá, trục đá... được anh Toản sưu tầm trong nhiều năm
Lần đầu tiên, những vật dụng gắn với nền nông nghiệp lúa nước được lưu giữ bài bản trong một khuôn viên tập trung, quy mô lớn.

Dành một khu đất rộng hàng ngàn mét bên ngoài khuôn viên trường đào tạo lái xe, anh Toản quyết tâm bước vào cuộc chơi đồ đá.

Với sự trợ giúp của kiến trúc sư Nguyễn Sánh – một nghệ nhân nổi tiếng trong việc khảo cứu, phục dựng các không gian văn hoá xưa cũ, 3.000 chiếc cối đá của anh Toản được bày trí thành một khuôn viên biểu tượng cho nền nông nghiệp sản xuất lúa nước của vùng quê Kinh Bắc.

Kiến trúc sư Nguyễn Sánh khởi tạo ý tưởng xếp những chiếc cối đá nặng nề thành Tháp Thần Nông - vị thần của nền nông nghiệp lúa nước
Tháp Thần Nông bằng cối đá có chiều cao 15m, chia thành 5 tầng vững chắc, sẽ là địa chỉ để thế hệ trẻ tới trải nghiệm thực tế.

Tại vị trí trung tâm, một tháp đá có tên Tháp Thần Nông với chiều cao 15m, chia thành 5 tầng được ghép bởi hàng trăm cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố.

Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.

“Tôi muốn khu trưng bày sẽ là địa chỉ để thế hệ con em mình được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước. 

"Mới chỉ cách đây vài chục năm, những công cụ đồ đá được thay thế bởi máy móc. Chỉ thời gian ngắn nữa nó sẽ biến mất vì không ai dùng đến nó. Tôi muốn lưu giữ để bảo tồn nét văn hoá của những vùng quê, của nền văn hoá nông nghiệp kéo dài hàng thế kỷ”, anh Toản chia sẻ.

Đã có một thời, những cối đá, cột đá được kê ở cầu ao, kè chân tường rào, thậm chí bị ném vào lò nung gạch để nung thành vôi… không thương tiếc. Anh Toản cho biết, sẽ vẫn tiếp tục sưu tầm, lưu giữ cối đá, cột đá mà người dân vứt bỏ. Theo kế hoạch, khu trưng bày, bảo tồn cối đá của anh Toản sẽ hoàn thành trong vài tháng tới.

Thái Bình