Bệnh nhân 3298 là nam giới, 25 tuổi, địa chỉ tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là F1 của bệnh nhân 3291. Bệnh nhân đi trên chuyến bay VN113 Đà Nẵng - TP.HCM ngày 30/4, trở về Đà Nẵng ngày 4/5 trên chuyến bay VN136 từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong thời gian ở TP.HCM, bệnh nhân 3298 đi chơi cùng nhóm bạn sinh sống, làm việc tại một số đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. Bệnh nhân và 6 người bạn đã đến nhiều địa điểm ăn uống, giải trí. Thành phố đã khẩn trương triển khai truy vết theo lịch trình.
Ngay trong đêm 9/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã truy vết và xét nghiệm khẩn các trường hợp tiếp xúc gần (6 người bạn của bệnh nhân và 2 người khác) đã cho kết quả âm tính. Tổng số mẫu xét nghiệm là 57 trường hợp, 49 mẫu đang chờ kết quả.
Với trường hợp lây nhiễm của bệnh nhân 3298, HCDC đặt ra 3 giả thiết:
Giả thiết thứ nhất: Sau khi từ TP.HCM về Đà Nẵng, người này bị lây nhiễm tại gia đình sau đó xét nghiệm dương tính.
Giả thiết thứ 2: Lây nhiễm tại gia đình ở Đà Nẵng nhưng không có triệu chứng. Bệnh nhân vào TP.HCM sau đó trở về Đà Nẵng cũng không có triệu chứng nhưng do yếu tố dịch tễ gia đình có chị dâu dương tính nên được xét nghiệm. Khi đó có kết quả dương tính ngày 8/5.
Giả thiết thứ 3: Lây nhiễm trong quá trình đến các địa điểm tại TP.HCM. Khi trở về Đà Nẵng do có yếu tố dịch tễ với người chị dương tính ở Đà Nẵng nên được xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Đây là giả thiết ít xảy ra nhất vì các địa điểm bệnh nhân đến đều không có yếu tố dịch tễ.
HCDC nhận định, giả thiết đầu tiên nhiều khả năng xảy ra nhất vì có yếu tố dịch tễ rõ ràng về nguồn lây và các trường hợp F1 tại TP.HCM đều âm tính.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng an toàn nhất, thành phố vẫn triển khai thực hiện truy vết đầy đủ tất cả trường hợp tiếp xúc tại địa điểm bệnh nhân có mặt trong thời gian lưu trú.
Linh Khuê
TP.HCM đối mặt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ cảng biển
Sở Y tế TP.HCM nhận định, cần có biện pháp phòng chống dịch Covid-19 triệt để hơn ở các cảng biển.