- Chỉ trong 5 ngày, tại BV Bạch Mai có 3 trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu methanol, đều nhập viện khi đã hôn mê, tổn thương nội tạng.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, sát Tết và sau Tết là thời gian cao điểm tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc rượu.

Trong 5 ngày qua, trung tâm tiếp nhận 3 bệnh nhân nam ngộ độc rượu rất nặng, chuyển đến viện trong tình trạng nguy kịch khi đã hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não. Dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng cả 3 đã tử vong sau đó.

Cả 3 trường hợp đều ở Hà Nội, tầm 40-50 tuổi, được chuyển vào BV 19-8 trước khi chuyển tới chuyển tới Bạch Mai. Nguyên do ngộ độc được xác định do uống rượu bị pha cồn công nghiệp methanol tại cùng một khu vực gần BV 19-8.

{keywords}
Hầu như ngày nào, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu

BS Nguyên cho biết, nồng độ methanol trong máu cả 3 bệnh nhân đều cao hơn 120mg/dl máu. Trong khi bình thường ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh.

“Methanol không có trong cơ thể. Nếu uống đúng rượu gạo nấu truyền thống, hàm lượng methanol có sinh ra trong quá trình nấu rượu nhưng không đáng kể. Những trường hợp trên là do uống phải nước lọc pha cồn công nghiệp giả rượu quê”, BS Nguyên thông tin.

Theo BS Nguyên, những trường hợp bị ngộ độc methanol khi nhập viện đều diễn biến hết sức nặng nề. Nguy hiểm nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng.

Với những trường hợp này dù được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng phần lớn đều không qua khỏi. Số ít qua được nhưung để lại nhiều di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.

Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu methanol đều được chuyển đến viện muộn khi các bệnh nhân đã có các biểu hiện rõ ràng như lơ mơ, chậm chạp, hôn mê, thở nhanh, mờ mắt...Lúc này bệnh nhân đã có tình trạng tổn thương não nên cứu chữa hết sức khó khăn.

Do đó, BS Nguyên khuyến cáo, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol.

Nếu phát hiện uống rượu chứa methanol, giải độc rượu càng sớm càng tốt. "Tốt nhất trong 1 ngày đầu trước khi methanol chưa tấn công lên não, cơ quan nội tạng" - lời BS Nguyên.

T.Hạnh