Trong thời gian qua, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đơn vị. Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết, Sở đang hướng tới hoạt động công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan liên quan, xây dựng và triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá chỉ số cải cách hành chính”, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.

noi vu 1.jpg
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định (Ảnh: Diễm Phúc)

-      Thưa ông, quá trình áp dụng chuyển đổi số vào cải cách thủ tục hành chính tại Sở Nội vụ đang được thực hiện ra sao? 

Hiện nay, ngành Nội vụ tỉnh Bình Định có 148 thủ tục hành chính, gồm 98 thủ tục cấp tỉnh, 35 thủ tục cấp huyện và 15 thủ tục cấp xã. Trong đó, Sở Nội vụ tiếp nhận và trả hồ sơ thuộc lĩnh vực quản lý (98 thủ tục hành chính) 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Có thể thấy rõ, việc ứng dụng chuyển đổi số vào cải cách thủ tục hành chính, đối với 5 chỉ tiêu liên quan dịch vụ công trực tuyến thuộc Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC, số hóa thành phần hồ sơ; cấp kết quả điện tử; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, Sở Nội vụ đã thực hiện đầy đủ theo quy định, chú trọng chỉ tiêu số hóa thành phần hồ sơ nhằm tái sử dụng dữ liệu cá nhân khi có phát sinh nộp hồ sơ trực tuyến.

Hiện nay, Sở cũng đang sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử (Idesk), phần mềm này cơ bản đáp ứng các nhu cầu sử dụng như kiểm soát các văn bản đến, văn bản đi, trích xuất các loại báo cáo theo yêu cầu; tiết kiệm chi phí phát hành văn bản giấy và thời gian phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Trình duyệt, sửa chữa văn bản ngay trên hệ thống mà không cần in ra bản giấy.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa được tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và còn chưa kết nối, đồng bộ với hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.

-      Theo như “Sổ tay Chuyển đổi số tỉnh Bình Định”, hệ thống “Quản lý cán bộ, công chức, viên chức” của Sở Nội vụ đã được triển khai tới tất cả các đơn vị (kể cả cấp xã). Ông có thể chia sẻ thêm về hệ thống này?

Hệ thống Quản trị công chức, viên chức là hệ thống quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được thiết kế và xây dựng riêng phù hợp với mô hình quản lý trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp,… với các chức năng chính: Quản lý bộ máy tổ chức; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; quản lý tuyển dụng, đào tạo; quản lý quá trình công tác; đánh giá xếp loại cán bộ, quy hoạch cán bộ; quản lý Đảng viên; diễn biến lương; hệ thống phần quyền, báo cáo thống kê.

Phần mềm trên đã triển khai trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành, địa phương và cán bộ, công chức của 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định. Mỗi cá nhân được cấp tài khoản người dùng để trực tiếp kê khai, cập nhật hồ sơ, dữ liệu cá nhân, tạo điều kiện giúp việc kê khai được thường xuyên và cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức kịp thời, giúp dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sách, sống”.

Hiện, phần mềm được kết nối kịp thời, đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tỉnh về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, tỉnh Bình Định đã cập nhật xong hơn 31.000 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, đã kết nối kết nối, chia sẻ, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hiện đang triển khai, sử dụng trên phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định với “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” (“Hệ thống VNPT iGate”) để khai thác dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ việc tra cứu thông tin cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính.

-      Ngoài ra, hệ thống “Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử” cũng sẽ được Sở Nội vụ triển khai tới cấp xã. Hệ thống này có ý nghĩa ra sao trong công tác quản lý tài liệu trên địa bàn? 

Từ năm 2015, tỉnh Bình Định đã triển khai ứng dụng Văn phòng điện tử (Idesk) đến các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, đến nay, hầu hết văn bản do các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành được gửi, nhận dưới dạng điện tử và tạo lập hồ sơ trên Văn phòng điện tử.

Thực hiện Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, giao Sở Nội vụ và Sở TT&TT phối hợp xây dựng hệ thống “Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử” tỉnh để thu thập, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử theo quy định. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, hệ thống dự kiến hoàn thành và triển khai thu thập, lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan, kể cả cấp xã trong đầu năm 2024.

Hệ thống trên được triển khai rất có ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong giai đoạn hiện nay và công tác cải cách hành chính; đồng thời thể hiện tính ưu việt so với việc lưu trữ tài liệu giấy truyền thống; góp phần giảm chi phí về thời gian, nhân lực, chi phí hành chính trong tạo lập, xác định giá trị, thu thập, bảo quản (kho lưu trữ), giảm chi phí của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ nhu cầu cuộc sống và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, hệ thống sẽ góp phần giảm số lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực lưu trữ.

-      Nhìn lại năm 2023 đã qua, ông đánh giá sao về hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị? 

Căn cứ theo nhiệm vụ chuyển đổi số, trong năm qua, Sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các Nghị quyết, chủ trương, chính sách về chuyển đổi số; thực hiện việc theo dõi, cập nhật dữ liệu Hệ thống quản lý công việc. Chúng tôi đã hoàn thiện cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng số trong cơ quan nhà nước. Thực hiện chấm điểm theo bộ chỉ số đánh giá DTI của Sở Nội vụ và xây dựng phòng họp trực tuyến tại Sở.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử tại cơ quan, đơn vị, địa phương; hệ thống thông tin báo cáo và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu về thi đua khen thưởng; Cơ sở dữ liệu về quản lý cơ sở tôn giáo và chức sắc; Cơ sở dữ liệu về Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên; Cơ sở dữ liệu về quản lý các Hội và Quỹ.

Tuy nhiên, một cách khách quan, việc thực hiện chuyển đổi số của Sở Nội vụ còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như thiếu nguồn lực và nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế, chưa đồng bộ. 

Từ những hạn chế trên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành của Sở Nội vụ, góp phần hoạt động công vụ được hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Theo đó, Sở sẽ phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan liên quan để xây dựng dữ liệu chuyên ngành; nhất là xây dựng và triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá chỉ số cải cách hành chính”, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trần Chung - Diễm Phúc