Trong những năm qua Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 3%/năm; năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản ngày càng được cải thiện, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới, thứ hai Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD, trong đó có 10 sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD là gạo, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, cà phê, tiêu, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).

Ngoài ra, có 6 nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là gạo, rau quả, thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

nongnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tận dụng những lợi thế của hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mang lại cơ hội cho nông sản Việt Nam mở rộng, tiếp cận nhiều thị trường; tuy nhiên cũng tạo ra nhiều hạn chế và thách thức. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực quốc gia sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu chất lượng của các thị trường nhập khẩu, giá nông sản chưa ổn định, tình trạng khó khăn trong khâu tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản còn phổ biến, nhất là các mùa vụ thu hoạch lớn. Nguyên nhân do:

Thiếu hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đồng bộ để phân tích, giám sát nguồn cung các ngành hàng nông sản; Thiếu hệ thống phân tích cảnh báo rủi ro thị trường để thông tin đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp, người sản xuất về những thay đổi của thị trường; (3) Hệ thống thu thập thông tin, số liệu còn thô sơ, trong khi đó phân tích và dự báo chưa được kết nối được các nguồn thông tin dữ liệu tính chính xác cao;

Bên cạnh đó còn do chưa có một trung tâm dữ liệu tập trung, tích hợp trong phân tích dự báo thị trường của Ngành Nông nghiệp; Chưa có mô hình ứng dụng công nghệ số 4.0 trong hoạt động thu thập, phân tích, dự báo thị trường nông sản; thêm nữa, sự vận hành của các chuỗi cung ứng còn thiếu bền vững do chưa được tiếp cận đầy đủ với các thông tin phân tích và dự báo thị trường, chưa có sự kết nối thông tin sản xuất với các thị trường tiêu thụ, các kênh phân phối thương mại điện tử.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ tạo tiền đề, cơ sở cho việc ứng dụng các công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân giúp cho việc vận hành hệ thống quản lý nhà nước được hiệu quả hơn. Hệ thống thông tin đầy đủ, đồng bộ sẽ giúp cho nông sản được sản xuất tối ưu, giảm thiểu các chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đồng bộ hóa chuỗi giá trị toàn ngành nông nghiệp. 

Xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 dự báo sẽ làm thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý và phân phối, kinh doanh hàng hóa nông sản. Công nghệ số với những giải pháp sử dụng dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ GIS và viễn thám, UAV sẽ là cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng trong hoạt động thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản.

Chính vì thế, để triển khai Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và các văn bản có liên quan, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” để đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, nhu cầu thông tin của của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân; đồng thời phù hợp với định hướng, chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV