- “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện…”.

Đây là thông tin từ buổi công bố do liên Bộ Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công Thương sáng 26/4.

Buổi họp báo nhằm công bố kết quả thực hiện của 4 bộ trên trong việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy nổ xe cơ giới.

Kết quả điều tra của Bộ Công an đối với 209 trong số 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô, 48 vụ cháy xe máy) trong hai năm 2010 và 2011 trên toàn quốc, cho thấy có 5 nguyên nhân: Chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt.

“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện…”.

Đặc biệt, nguyên nhân chập điện chiếm phần lớn với tỷ lệ lên đến 30,25%. Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy (56 vụ cháy ôtô, 59 vụ cháy xe máy), làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 20 tỷ đồng.

Trong số 25 vụ đã điều tra, làm rõ nguyên nhân, có tới 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt.

Đại diện Bộ Công an cho biết, dấu vết đặc trưng để lại do sự cố chập điện chi tiết thì rất khó xác định, nhưng phần lớn là do mất khả năng cách điện của dây dẫn bởi các lý do như: Côn trùng cắn, lão hóa dây vỏ, quá tải công suất điện nguồn do lắp thêm còi, đèn hoặc đấu nối sai…

Ngoài ra, các sự cố kỹ thuật thì do các yếu tố như: cháy nổ I ốt, chập IC, mòn lốp gây cháy, bục gioăng dầu, bục ống dẫn nhiên liệu…
Thời gian qua các lực lượng Công an tập trung điều tra để kết luận nguyên nhân cháy từng vụ cháy, tuy nhiên, theo đánh giá từ phía cơ quan công an, việc điều tra kết luận nguyên nhân cháy xe ô tô, xe máy gặp nhiều khó khăn do yêu cầu giải phóng hiện trường, bảo đảm giao thông, do công tác cứu chữa làm xáo trộn hiện trường... nên tỷ lệ xác định rõ nguyên nhân các vụ cháy chưa cao.

Trả lời câu hỏi của báo chí về nghi vấn cháy xe là do sử dụng xăng kém chất lượng, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định: Theo kết quả nghiên cứu của ngành, có tới 552 trong tổng số 704 mẫu đạt chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 1:2009/BKHCN) chiếm 78,4%.

Chỉ có 147 mẫu (20,9%) không đạt chất lượng về chỉ số octan và 5/704 mẫu (0,7%) có metanol.

'Tổng cục cũng đã tiến hành lấy 56 mẫu liên quan tới xe cháy để thử nghiệm thì tất cả đều phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trên. Với các kết quả thử nghiệm này thì chưa có bằng chứng xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới trong thời gian vừa qua" - ông Vinh cũng cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, kết quả nghiên cứu về lý thuyết có thể gây cháy nổ của Tổng cục cũng cảnh báo các nguyên nhân như: Nhiên liệu xăng có pha hàm lượng etanol, hoặc metanol cao có thể dẫn đến lão hóa đường ống nhiên liệu, gioăng cao su làm rò rỉ nhiên liệu dễ gây cháy nổ khi có chập cháy, tia lửa điện.

Xe máy hiện đại sử dụng nhiên liệu có chỉ số RON thấp như xăng A83 cũng làm nóng động cơ hơn bình thường có thể gây cháy. Cốp xe nếu chứa những vật dễ cháy như bình gas nhỏ, bật lửa có thể gây cháy vì nhiệt độ trong cốp xe lên tới 60 độ C.

Đáng chú ý, xe hiện đại thường được thiết kế theo tiêu chuẩn Euro 4, 5 trong khi xăng dầu của Việt Nam chỉ phù hợp cho tiêu chuẩn Euro 2 cũng có thể làm nóng máy, gây cháy khi tiếp xúc với các vật dễ cháy.

Đại diện GTVT cũng cho biết, Bộ đã thành lập Đề tài cấp Nhà nước với nhiều cơ sở nghiên cứu lớn, với quy mô rộng nên cần thêm thời gian mới có thể kết luận, công bố.

Trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước về cách thức tiến hành xác định nguyên nhân của các vụ cháy nổ trên, chưa hài lòng với kết luận xăng dầu không phải thủ phạm chính, PGS - TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đề nghị Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng cần xem xét lại tiêu chí giám định xăng dầu.

Ông Hùng cho rằng, xăng dầu hiện được nhập vào Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy có thể có những tiêu chí, chất lượng khác nhau. Việc chỉ căn cứ vào hai chỉ số octan và metanol theo quy chuẩn cũ, chưa đề cập đến những chất hóa học khác trong xăng cũng là chất gây cháy của phía cơ quan nghiên cứu là chưa phù hợp.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, để ngăn ngừa những trường hợp này, Bộ Công an đã có những khuyến cáo phòng cháy chữa cháy đến người dân để lưu ý trong quá trình sử dụng.

Ông Dũng cũng cho biết, các bộ liên quan sẽ tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nghiên cứu thêm các nguyên nhân gây cháy xe cơ giới và sẽ tiếp tục công bố khi có đầy đủ cơ sở kết luận.

Theo khuyến cáo của Bộ Công an, người dân không nên lắp đặt thêm thiết bị, phụ kiện không đúng thiết kế; thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý phương tiện khi có dấu hiệu khác lạ; không mua xăng dầu ở các điểm không rõ nguồn gốc; không để chất dễ cháy, bắt lửa trong xe…

Đại diện Bộ Công an cho hay, theo kết quả kiểm tra, thanh tra chất lượng xăng dầu nhập khẩu lưu thông trên thị trường cho thấy: Đối với xăng, dầu nhập khẩu: 100 % lô hàng nhập khẩu được kiểm tra yêu cầu chất lượng theo đúng quy định thì được phép làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

Đối với xăng dầu lưu thông trên thị trường, các sai phạm chủ yếu liên quan đến hàm lượng octan ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với tỷ lệ gần giống nhau, nhằm mục đích gian lận thương mại, ăn chênh lệch giá.

Các sai phạm liên quan đến hàm lượng metanol chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Nam( 3 mẫu), Đà Lạt (1 mẫu), Hà Nội (1 mẫu). Các sai phạm về chất lượng trong đầu năm 2012 này vẫn chủ yếu là hàm lượng octan tối thiểu với xăng và hàm lượng lưu huỳnh cao đối với dầu (gian lận thương mại do chênh lệch giá), nhưng tỷ lệ sai phạm có giảm đi so với tỷ lệ sai phạm xảy ra trong năm 2011.

Các nhà báo đặt câu hỏi: Một số vụ cháy có hiện tượng bất thường như dừng xe tắt máy nhưng vẫn nổ và cháy, Bộ khoa học có lấy mẫu xăng và phát hiện ra từ bất thường này không?

Đại diện Bộ khoa học Công nghệ: Bộ khoa học không tiếp xúc được các xe đó và chưa có thông tin. Thời gian tới chúng tôi muốn có được những thông tin này để tập trung vào xe bất thường để có thể lấy được mẫu xăng đó.

Khi có mẫu xăng bất thường, chúng tôi sẽ làm ngày làm đêm để có có kết quả xem việc cháy nổ và chất lượng xăng có kết nối gì với nhau hay không?

Tuyết Nhung – G. Văn