Bộ Y tế cho biết tính đến sáng mùng 4 tết (tức ngày 11/2), cả nước đã có 100 trường hợp nhập viện do pháo nổ (không có tử vong), trong đó riêng 3 ngày từ 29 Tết (mùng 2 Tết) đã có 98 người nhập viện do pháo nổ, tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi (2015).

Số nhập viện cao nhất là tại Quảng Ngãi (17 người), trong số này có 15 ca là do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố đêm Giao thừa. Ngoài ra cũng có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, không có tử vong.

{keywords}
Nhiều người nhập viện do đốt pháo ở các địa phương. Ảnh minh họa

Việt Nam đã có lệnh cấm đốt pháo từ 1/1/1995, nhưng hầu như năm nào cũng có tiếng pháo nổ và những tai nạn thương tâm vì pháo trong dịp Tết vẫn xuất hiện và có chiều hướng gia tăng.

Trong 9 ngày nghỉ Tết năm 2015, cả nước ghi nhận 55 trường hợp khám cấp cứu tai nạn do pháo nổ, trong đó cao điểm nhất là đêm Giao thừa và mùng 1 Tết với 31 trường hợp nhập viện do pháo nổ, tiếp đến là ngày mùng 2 có 7 trường hợp. Các ngày còn lại ghi nhận rải rác mỗi ngày 2-4 trường hợp.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, những trường hợp chấn thương mắt do hoả khí, vật liệu nổ thường rất nặng. Nạn nhân có thể bị bỏng do cháy, dị vật chui vào mắt, vỡ, lòi nội nhãn, mắt mất chức năng, gần như mù. Mô ở mắt không thể tái sinh được, nên một khi đã lồi ra khỏi mắt thì không thể phục hồi được.

Các ca tai nạn pháo nổ đều phải điều trị tốn kém, kéo dài ít nhất 2 tháng thì mới có thể nhìn lờ mờ, khả năng phục hồi được thị lực vô cùng mong manh. Ngay cả những người đã mất 1 mắt, còn lại con mắt bên kia cũng cần theo dõi trong vòng 5 năm sau, đề phòng trường hợp bên mắt còn lại bị viêm nhiễm, biến chứng.

Theo Sức khỏe đời sống