Nhiều trào lưu hẹn hò, thu hút tình yêu nhảm nhí, độc hại xuất hiện tràn lan trên TikTok.

Dưới sức hút của TikTok, giới trẻ có xu hướng tìm kiếm lời khuyên, mẹo vặt từ video thuộc nền tảng này. Không nằm ngoài trào lưu, một số nhà sáng tạo nội dung bắt đầu chia sẻ lời khuyên yêu đương và cách duy trì mối quan hệ. Tuy nhiên, đa số các mẹo hẹn hò đều được đánh giá là nhảm nhí, độc hại.

Theo news.com.au, đây là 4 trào lưu độc hại nhất trên TikTok tính đến thời điểm hiện tại.

Vabbing

Thuật ngữ này là sự kết hợp của “vagina” (âm đạo) và “dabbing” (thoa, bôi). Mandy Lee, một influencer thời trang dẫn đầu trào lưu, khuyến khích nữ giới thoa dịch âm đạo của chính mình lên những như sau tai, cổ, cổ tay. Cô cho rằng pheromone từ cơ quan sinh dục sẽ giúp thu hút nhiều đối tượng hẹn hò tiềm năng.

“Đàn ông sẽ mời bạn đi ăn uống và có một đêm nồng cháy. Hoặc ít nhất, bạn cũng được mời một cốc nước nếu đang ở quán cà phê”, Lee khẳng định với người xem.

Sau khi video lên xu hướng, nhiều phụ nữ trẻ tuổi đã thử áp dụng cách này. Dù không gây tổn hại đến bản thân, họ vẫn thừa nhận “đã cảm thấy thật ghê tởm” sau khi làm theo. Các bác sĩ phụ khoa cảnh báo rằng nữ giới có thể bị viêm nhiễm nếu cố “đu trend”.

Voice-fishing

Từ khi các ứng dụng hẹn hò online cho phép người dùng ghi âm, voice-fishing (tạm dịch: lừa đảo qua giọng nói) xuất hiện và được truyền bá rộng rãi.

Tương tự catfish (lừa đảo bằng cách che giấu thân phận thật), các đối tượng tự bẻ giọng hoặc dùng phần mềm điều chỉnh tiếng nói sao cho hấp dẫn nhất có thể. Họ còn chia sẻ nội dung trò chuyện với nạn nhân lên TikTok như một cách khoe chiến tích.

Đại diện app hẹn hò Hinge thừa nhận việc đổi giọng này là vấn đề khó xử lý. Nhiều người báo cáo với đội ngũ xây dựng ứng dụng, cho rằng đã bị sốc, thất vọng sau khi nghe giọng thật của đối phương. Thậm chí, một số trường hợp còn cảm thấy hoảng sợ, ám ảnh hàng tháng trời sau khi biết mình bị lừa.

yeu duong doc hai anh 1

Một số TikToker chia sẻ lời khuyên yêu đương và cách duy trì mối quan hệ. Tuy nhiên, đa số các mẹo hẹn hò đều được đánh giá là nhảm nhí, độc hại. Ảnh: pexels.

Tình một đêm thụ động

Một số video TikTok gợi ý giới trẻ tìm kiếm tình một đêm bằng mục story dành cho bạn thân trên Instagram. Cụ thể, bạn chỉ cần lập danh sách đối tượng tiềm năng, thêm họ vào mục này, đăng tải hình ảnh gợi cảm và chờ được ngỏ lời. Đây được xem là cách hiệu quả, “ngồi mát ăn bát vàng”.

Tuy nhiên, trào lưu nhanh chóng vấp phải sự phản đối trên diện rộng vì tính khiếm nhã, gây khó xử, dễ đánh mất mối quan hệ hiện có.

“Khi đang lướt Internet, tôi thấy một người quen thêm mình vào mục bạn thân. Tôi đã nghĩ mình được quý mến, cho tới khi hình khỏa thân của anh ta hiện ra. Người đó còn khẳng định muốn để tôi xem được vì muốn quan hệ tình dục cùng tôi”, một người dùng Internet chia sẻ.

Stay toxic

Xu hướng hẹn hò #staytoxic (tạm dịch: duy trì sự độc hại) khuyến khích giới trẻ thu hút sự chú ý của đối phương bằng các hành vi có tính lôi kéo, thao túng tâm lý.

yeu duong doc hai anh 2

#staytoxic là từ khóa nổi bật trên TikTok thời gian gần đây. Ảnh: news.com.au.

Nó thường được áp dụng lên người yêu cũ hoặc những mối quan hệ bất thành trong quá khứ.

Ví dụ, nếu muốn trả đũa bạn trai cũ, nữ giới được khuyên nhắn tin “Hôm nay đi chơi vui lắm. Anh thật tuyệt vời” cho người đó. Từ khó hiểu, họ sẽ dễ sinh tò mò, ganh tỵ với mối quan hệ tưởng tượng tự bạn tạo ra.

“Nếu những phụ nữ khác làm anh ấy cười, bạn hãy khiến anh bật khóc” cũng là một lời khuyên nổi tiếng trong trào lưu.

Video với hashtag #staytoxic thường đạt hàng triệu lượt xem. Nhiều chuyên gia tình yêu tự xưng cũng nổi lên từ nội dung này.

Nhiều nhà tâm lý học bày tỏ sự lo lắng về mức ảnh hưởng của xu hướng độc hại. Họ cho rằng giới trẻ sẽ lạm dụng việc trả thù, thao túng, từ đó gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người khác và chính mình.

(Theo Zing)