- Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà Bộ GD-ĐT trình Quốc hội hôm nay, 29/5 có nội dung sẽ nâng chuẩn của giáo viên tiểu học, THCS.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước còn khoảng 40% giáo viên tiểu học và 25% giáo viên THCS chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo mới (đại học sư phạm) – như nêu trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Do đó, Bộ GD-ĐT cho biết, trước khi Luật có hiệu lực thi hành, sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm.
Cùng đó, dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng ngay khi dự thảo được thông qua và có hiệu lực. Chủ trương không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ ĐH sư phạm tiểu học.
Với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại (tính từ thời điểm Luật có hiệu lực) từ 5 năm trở lên, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH sư phạm phối hợp với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay SGK mới theo hình thức “cuốn chiếu” cùng với lộ trình triển khai hằng năm ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, thực chất, không chạy theo số lượng.
Với những giáo viên chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, các địa phương phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.
Ngoài nâng chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên tiểu học, để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy, dự thảo Luật còn quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THCS, giảng viên giảng dạy trình độ ĐH và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sỹ. Ban soạn thảo cũng đã đánh giá tình hình thực tiễn, xác định phương thức đào tạo, lộ trình thực hiện việc nâng chuẩn.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển nhận xét đây là giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trước hết là ở 2 cấp học nền tảng là tiểu học và trung học cơ sở.
The ông, điều này cũng phù hợp với xu thế chung ở nhiều nước là giáo viên phổ thông dù dạy ở lớp nào thì cũng đều phải có trình độ đại học và nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành giáo dục vì sẽ phải đào tạo lại để đạt chuẩn một số lượng rất lớn giáo viên hiện mới chỉ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm. Đồng thời, ngành giáo dục cũng sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm, một nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là đối với các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương.
Tại chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Ông Bình cho hay, đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.
Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên ĐH và giáo viên THCS như trong Dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.
Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.
Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Ủy ban cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Các quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong Luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định. Làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa Nhà nước – Nhà giáo – Người học, làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình.
(Bản cập nhật 14h30 ngày 29/5)
Thanh Hùng
Thực nghiệm chương trình mới: Càng lên cao, giáo viên càng ngại đổi mới
Ngày 3/5, Ban phát triển các chương trình môn học báo cáo kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều giáo viên, sinh viên sư phạm hoang mang với nghề
Nhiều sinh viên sư phạm và giáo viên cảm thấy hoang mang về nghề; một bộ phận không nhỏ cảm thấy xấu hổ, tự ti khi ai đó hỏi về công việc của mình.
Giáo viên mầm non "Khá" phải thành thạo tiếng Anh là điều không tưởng
Dự thảo Quy định chuẩn nghề nghiệp GV mầm non mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, giáo viên mầm non được đánh giá đạt phải có ngoại ngữ tiếng Anh bậc 1, đánh giá tốt phải sử dụng tiếng Anh thành thạo và có trình độ tiếng Anh bậc 2.
Sẽ đánh giá giáo viên theo 15 tiêu chí
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Ngoài năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, chuẩn giáo viên đòi hỏi năng lực xây dựng các quan hệ xã hội.
Năm 2030, robot sẽ thay thế giáo viên
Người ta dự đoán rằng, đến năm 2030, robot sẽ thay thế giáo viên và công ty internet lớn nhất vào thời điểm đó sẽ là một doanh nghiệp giáo dục mà hiện nay nó còn chưa tồn tại.