Những chuyến đi xa bằng xe máy luôn tạo cảm giác thú vị nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro và vấn đề không ngờ tới.
Sau đây là những bước cần chuẩn bị cho "xế yêu" trước những chuyến đi xa bằng xe máy
1. Kiểm tra và thay dầu động cơ
Nên thay dầu nhớt mới sau mỗi 1.500-2.000 km đối với dầu tổng hợp. Ảnh: Walmart. |
Dầu nhớt xe có tác dụng bôi trơn cho các chi tiết máy bên trong động cơ, ngoài ra cũng giúp giải nhiệt động cơ. Nhớt máy sử dụng lâu ngày sẽ bị giảm đi tính bôi trơn và giải nhiệt khiến cho động cơ xe bị quá nhiệt dẫn đến hư hỏng.
Nên thay dầu nhớt trước những chuyến đi có hành trình xa từ 500 km trở lên và nên sử dụng loại dầu tổng hợp (Synthetic Oil) từ các thương hiệu như Motul, Castrol, Voltronic... giúp bảo vệ động cơ tốt hơn. Cần lưu ý để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng.
2. Kiểm tra hệ thống phanh
Hệ thống phanh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người lái, chuyện gì sẽ xảy ra khi gặp tình huống nguy hiểm nhưng phanh bị mất tác dụng. Cần kiểm tra toàn bộ hệ thống phanh bao gồm: má phanh, đĩa phanh, dây dẫn dầu và lượng dầu phanh.
Má phanh mới (trên) và má phanh bị mòn gần đến lớp kim loại (dưới). Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Đối với má phanh kiểm tra xem mặt bố phanh còn nhiều hay không, nếu đã mòn gần hết thì nên thay thế. Kiểm tra đĩa phanh bằng cách quan sát bề mặt đĩa xem còn phẳng hay đã xuất hiện các vết xước, nếu xước nhiều người dùng nên thay thế đĩa để đảm bảo an toàn. Ngoài ra đĩa phanh cũng nên được thay thế khi độ dày của đĩa nhỏ hơn chỉ số cho phép được trên bề mặt đĩa.
Dây dầu phải đảm bảo kín hoàn toàn, người sử dụng không nên lắp các loại dây dầu thời trang giá rẻ, có giá vài trăm nghìn vì dễ bị bung ra gây mất áp lực thắng. Nên châm thêm dầu phanh nếu thấy dầu trong hộp chứa còn dưới vạch MIN.
3. Kiểm tra lốp xe
Lốp xe là bộ phận duy nhất trên xe tiếp xúc với mặt đường nên việc kiểm tra lốp xe là vô cùng cần thiết. Đầu tiên cần kiểm tra bề mặt lốp xe có bị thủng hay dính dị vật gì không, nếu có cần phải gỡ dị vật ra và nhanh chóng đem đi vá tại các địa điểm sửa xe.
Lốp xe quá mòn tăng khả năng nổ lốp gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Một điều quan trong nữa là áp suất lốp xe. Nếu áp suất quá cứng thì xe sẽ bị cứng và sóc, gây mệt và bị rần tay, giảm độ bám đường. Còn nếu áp suất lốp quá mềm thì xe dễ bị đảo, nặng cổ lái và dễ ăn đinh.
4. Kiểm tra nhông sên đĩa
Nhông sên đĩa có tác dụng truyền năng lượng từ động cơ ra bánh xe. Sên xe sử dụng lâu ngày sẽ bị giãn và chùng gây ra tiếng kêu khó chịu và dễ bị trượt ra khỏi nhông đĩa, nếu sên quá căng thì dễ bị đứt sên khi đang chạy gây nguy hiểm. Sên ít được bảo dưỡng sẽ nhanh hỏng hơn cọng sên thường xuyên được vệ sinh và xịt chất bôi trơn.
Thường xuyên bảo dưỡng giúp kéo dài tuổi thọ của nhông sên đĩa. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Đối với nhông và đĩa có thể kiểm tra bằng cách nhìn bề mặt răng trên nhông, đĩa xem có mòn đều hay không, răng có bị mẻ hay gãy không. Chi phí thay thế nhông và đĩa tương đối rẻ nên đừng "tiết kiệm" bằng cách sử dụng nhông, đĩa đã bị hư hỏng. Trung bình một bộ nhông sên dĩa có thể sử dụng được khoảng 20.000 km, phụ thuộc vào cách chạy xe và bảo dưỡng.
5. Kiểm tra hệ thống đèn trên xe
Đèn xe bao gồm đèn chính, đèn hậu và đèn báo rẽ (xi nhan). Thông thường đèn chính trên xe có công suất khá thấp chỉ phù hợp đi trong thành phố, người sử dụng có thể thay thế bằng những loại bóng đèn có công suất cao hơn, nên lựa chọn bóng đèn có ánh sáng vàng giúp dễ quan sát. Cần lưu ý lựa chọn bóng đèn có cường độ sáng vừa phải, không gây chói các phương tiện đi ngược chiều.
Đèn xe giúp người lái quan sát đường và cũng giúp các phương tiện khác phát hiện được mình. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Kiểm tra kỹ các đèn báo rẽ xem có hoạt động tốt hay không, cần thay thế nếu bóng bị hỏng. Tuyệt đối không được thay bóng đèn báo rẽ bằng các bóng có màu sắc không phải là màu cam vì các phương tiện khác sẽ khó nhận biết và điều này cũng vi phạm luật giao thông.
(Theo Zing)