Xem nhanh:
  • • Cá thính Lập Thạch
  • • Bò tái kiến đốt
  • • Bánh ngõa Lũng Ngoại
  • • Bánh dùng mật mía Vĩnh Tường
  • • Su su Tam Đảo

Cá thính Lập Thạch

Nhắc đến đặc sản Vĩnh Phúc không thể không kể đến món cá thính (hay còn gọi cá muối chua) nổi tiếng của huyện Lập Thạch, đã gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây. Mùa làm món cá thính thường diễn ra vào thời điểm cấy lúa chiêm. Lúc này, các ao đầm sẽ cạn khô nước và người dân sẽ đi bắt cá về chế biến.

Cá muối chua có thể thưởng thức ngay hoặc đem chế biến thành nhiều món ăn nhưng ngon và phổ biến nhất là cá nướng.

Ban đầu, người địa phương đem muối chua cá để kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng. Lâu dần, món cá có phương pháp chế biến độc lạ này trở thành đặc sản được cả bà con trong vùng và du khách thập phương yêu thích (Ảnh: Hiếu Lê Foods)

Những thực khách từng có cơ hội thưởng thức món cá muối chua Lập Thạch nhận xét, phần thịt cá không khô như cá mắm, không nhão như cá tươi hay cá rán.  Khi gỡ ra, thịt cá có màu hồng đậm, dậy vị chua, mặn hài hòa và có mùi thơm khó tả.

Bò tái kiến đốt

Bò tái kiến đốt là món ăn không chỉ có tên gọi lạ mà còn gây ấn tượng bởi quá trình chế biến kỳ công và chỉ khi tới Tam Đảo (Vĩnh Phúc), du khách mới có cơ hội thưởng thức.

Những con bò mới mổ, thịt còn nóng, sẽ được cắt từng tảng đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Người ta sẽ chọc cho kiến trong tổ bung ra, bâu kín miếng thịt. Để đảm bảo vệ sinh, người địa phương chỉ chọn những tổ kiến trên cây.

Sau công đoạn kiến đốt, thịt bò được đem rửa qua nước muối loãng, để thật ráo rồi mang lên vỉ đem thui trên bếp than hồng rực cho đến khi thịt chín tái, cháy xì xèo, dậy mùi thơm là có thể thưởng thức.

Thịt bò tươi được thái lát mỏng, nẹp vào thanh tre rồi để sát các tổ kiến (Ảnh cắt từ clip)

Nếu có dịp tới Tam Đảo, du khách có thể tìm và thưởng thức đặc sản này tại một số nhà hàng trong thị trấn với giá dao động khoảng 350.000 – 400.000 đồng/kg.

Bánh ngõa Lũng Ngoại

Bánh ngõa là đặc sản lâu đời của người dân làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Món bánh này cũng từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) công nhận lọt Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng (2020 - 2021) độc đáo trên cả nước.

Bánh ngõa Lũng Ngoại có vị dẻo dai của gạo nếp, vị ngọt thanh của mật mía, kết hợp với vị bùi ngậy của đậu xanh và nhân lạc khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Bánh ngõa được làm từ các nguyên liệu chính gồm đậu xanh, mật mía, gạo nếp, lạc rang và thường xuất hiện trong dịp lễ, Tết hay các sự kiện quan trọng của người dân xã Lũng Hòa như mừng thọ, tiệc làng,…

Bánh dùng mật mía Vĩnh Tường

Giống bánh ngõa, bánh dùng mật mía cũng là món bánh đặc sản nức tiếng của người dân huyện Vĩnh Tường với cách chế biến khá giống bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên, bánh dùng mật mía không có nhân, tạo nên hương vị riêng khó hòa lẫn.

Món bánh dùng mật mía có cách chế biến giống bánh trôi, bánh chay nhưng mang hương vị riêng (Ảnh: Tạp chí Văn hóa và phát triển)

Bánh dùng mật mía hấp dẫn bởi màu đỏ cánh gián, mùi thơm dịu nhẹ của gừng cùng chút vừng rang vàng được rắc lên trên. Lớp bánh trắng dẻo hòa quyện với vị mật ngọt ngào, vị bùi của vừng, trở thành thức quà dân dã được nhiều người yêu thích.

Su su Tam Đảo

Tam Đảo không chỉ là điểm đến thu hút đông đảo du khách bậc nhất tỉnh Vĩnh Phúc mà còn gây ấn tượng bởi nền ẩm thực đa dạng, có nhiều món ăn ngon, trong đó không thể không nhắc đến món su su nổi tiếng.

Tam Đảo có điều kiện khí hậu tự nhiên thuận lợi nên rau su su ở đây rất phát triển, đạt chất lượng cao (Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc)

Su su Tam Đảo có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như ngọn su su xào, ngọn su su luộc, quả su su xào,… Không chỉ thưởng thức tại chỗ khi du lịch Tam Đảo, nhiều du khách còn mua su su về làm quà cho gia đình, bạn bè và người thân.

Phan Đậu