Người ta có thể thỏa mãn nhu cầu giải trí game ở mọi lúc – mọi nơi. Nằm dài trên giường “ôm” chiếc console tận hưởng một buổi tối kinh dị với Dead Space, hay chu du qua những vùng đất kỳ thú của The Legend of Zelda với chiếc 3DS trong lúc đang ngồi xe buýt đến trường,…

Game còn có thể “chiều chuộng” được mọi đối tượng người chơi. Từ những người chơi đại trà với game giải trí đơn thuần, những “con nghiện” thích cày kéo để “đua top” với các tựa game online, hay những game thủ chuyên nghiệp, coi tựa game của họ chơi là một “đấu trường” để thui rèn kỹ năng như các dạng game thi thố đối kháng hoặc MOBA

Tất nhiên, mọi sự đều có hai mặt sáng và tối, việc ngành công nghiệp game trở nên phổ biến tới mức “đại trà” đã vô hình trung làm hao hụt đi phần nào giá trị của chính nó.

Dù bạn coi game như đam mê, hay một trải nghiệm đẹp cần có trong cuộc sống… không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ có lúc nào đó, bạn cảm thấy trò chơi điện tử không còn tạo được sức hút như xưa, chiếc tay cầm chẳng những không êm tay mà còn “lạnh lẽo” và “nặng nề”, màn hình máy tính chỉ kéo cơn buồn ngủ tới càng gần… Và cuối cùng, là mất hẳn hứng thú với game.

Lý do nào khiến bạn “từ bỏ” thế giới game của mình? Hãy cùng chúng tôi liệt kê những lý do sẽ dẫn bạn tới tình cảnh trên, từ đó tìm ra cách đối phó với việc chán game, bạn nhé!

1. CHƠI QUÁ NHIỀU!!!

“Chơi quá nhiều” chính là lý do thuần túy nhất, có “sát thương chí mạng” đối với những người đã có “thâm niên” chơi game từ lâu.

Hiện nay, người ta có thể tiếp cận với game vô cùng dễ dàng, bất cứ ai cũng có thể dành ra trên 10 tiếng một ngày để chơi nếu như họ muốn! Vậy sẽ ra sao nếu điều này diễn ra liên tục trong 5 năm, 10 năm, hoặc hơn?

Không riêng gì game mà bất kể thứ vật chất gì cũng vậy, giả dụ như ngày nào cũng được ăn uống đầy đủ trong một thời gian dài, rồi một ngày bạn cũng sẽ coi việc “ăn no” là một điều hiển nhiên, và vô tình không còn quan tâm đến nó nữa.

Tất nhiên cũng có một vài trường hợp đặc biệt, khi mà người chơi quá đam mê, chính thức coi game là một phần gắn liền với đời sống của họ như những game thủ thi đấu chuyên nghiệp, những game thủ “hardcore”: ăn bằng game, ngủ cũng bằng game.

Nhưng những “cá thể ưu tú” như vậy thì số lượng tồn tại cũng không kém “lông Phượng sừng Lân” là bao nhiêu, một phần vì không phải mỗi ai sinh ra cũng là “để dành cho game”, một phần vì game thủ chuyên nghiệp không phải là một ngành nghề có thù lao cơ bản cao, nếu “chơi dở” thì mức sống của họ sẽ không được đảm bảo như những ngành nghề truyền thống khác.

Mặt khác, lại nói đến những người cảm thấy chán sau một thời gian “cày” game quá dài, nếu như họ lại còn có thêm một cuộc sống bộn bề công việc, một niềm vui mới nơi gia đình, bạn bè… thì việc “chia tay” vĩnh viễn với game là điều tất yếu.

Là một “bệnh” thường gặp, nhưng “chán game do chơi quá nhiều” lại rất dễ dàng điều trị, “cái gì đi quá giới hạn cũng không tốt!” Tất cả những gì “người bệnh” cần là một lịch trình sinh hoạt điều độ, sao cho các yếu tố công việc – gia đình – bạn bè – chơi game được cân bằng và khoa học.

2. CÀY KÉO GIAN NAN

Có một điều hiển nhiên rằng, dù một người vỗ ngực tự xưng mình là một “Hardcore Gamer” (game thủ gạo cội), một con “trâu cày” có thể chiến game 24/24, thì sự nỗ lực, độ kiên nhẫn của anh ta vẫn sẽ có một giới hạn nào đó. Vấn đề mấu chốt ở đây là bao lâu?

Liệu bạn có thể ngồi hàng giờ, chục giờ, thậm chí hàng trăm giờ đánh đi, đánh lại một con trùm để kiếm một món đồ của tựa game mà mình đang chơi? Hẳn câu trả lời “Có” sẽ không tồn tại nhiều trong một bộ phận lớn các game thủ.

Vậy nên ở ngoài kia vẫn không thiếu gì những trường hợp vứt xó luôn game đang chơi do “nản”, rồi nhảy sang chơi game kế tiếp, và lại gặp phải trường hợp tương tự,… cho đến khi niềm cảm hứng vào game biến mất hẳn.

Vậy làm sao để đẩy lùi tình trạng nản chí như đã nói bên trên? Mấu chốt ở đây là người chơi cần phải biết điều gì là tốt nhất cho bản thân, hiểu rõ chính mình để đặt ra mục tiêu vừa phải.

Nên nhớ rằng mỗi tựa game luôn có nhiều con đường khác nhau dẫn đến kết thúc cuối cùng. Nếu cảm thấy thực sự không có “duyên” với món đồ mà mình đang truy cầu, hãy mỉm cười thản nhiên bỏ qua nó rồi đi tiếp mạch truyện chính.

Biết đâu chỉ một vài giờ chơi nữa, bạn sẽ còn kiếm được cho mình một món đồ vừa ý hơn nhiều, hoặc vô tình “phá đảo” mất game rồi mới “vỡ òa” ra rằng, hóa ra ta không nhất thiết phải có món đồ mạnh mẽ nhất mới tiêu diệt được con trùm cuối.

3. ĂN “HÀNH” LIÊN MIÊN

Đây là một yếu tố góp phần không nhỏ vào việc người ta thường gán mác “kém thân thiện” cho dạng game có yếu tố thi đấu và chiều sâu cao như game đối kháng, MOBA,hành động…

Sinh ra trên đời, bất cứ ai cũng ưa thích và đi tìm cảm giác được chiến thắng, được hơn người. Ghét “bại trận” là một tính cách rất bình thường mà ai cũng có.

Thua cuộc chỉ không còn là “bình thường” đối với những game thủ có cái tôi quá cao, coi việc bị đánh bại là một điều sỉ nhục, không chịu thua kém bất cứ ai. Vì vậy mà hàng năm vẫn có không ít nào là tay cầm, nào là bàn phím, chuột, máy chơi game, đĩa game… bị đập hỏng, bẻ gãy rồi quăng vào sọt rác.

Trong trường hợp này, các tựa game không hề có lỗi lầm gì hết, mà vấn đề nảy sinh từ chính bản thân người chơi. Vì vậy, bạn cần tạo cho mình một “góc nhìn” thoáng đãng và thoải mái hơn về game, hiểu được rằng bản chất của game vốn chỉ là một trò chơi, nếu chơi thua vẫn có thể chơi lại nhiều lần, từ đó gạt bỏ được những sự tức giận không đáng có.

Đồng thời hiểu được rằng kỹ năng chơi game của bản thân còn quá kém, cần trui rèn thêm, thay vì đổ tại thế “chai”, thế “lọ” vào 101 lý do biện hộ cho sự thua cuộc của mình.

Gạt bỏ tâm lý coi trọng việc thắng – thua, thiệt – hơn còn có một công dụng khác làm người chơi bình tĩnh như “nước”, dễ dàng nhập tâm vào trò chơi hơn. Vì thế mà các game thủ chuyên nghiệp có trình độ, luôn là những người rất bình tĩnh, bí quyết để họ có được sự trầm tính đó chính là việc coi chuyện thua cuộc chỉ là một điều rất bình thường.

4. KÉN CÁ CHỌN CANH

Về một mặt nào đó mà nói, chơi game cũng giống như nhu cầu ăn uống cơ bản của mỗi con người. Nếu đói, ta phải ăn cho đủ. Nhưng đến khi đã quá no đủ, thậm chí “thừa mứa”, thì tự bản thân con người lại ngẫu nhiên sinh ra loại tâm lý “kén cá chọn canh”.

Tất nhiên, “ăn no” không làm cho bạn chán game, mà cái được ám chỉ ở đây chính là một thói quen chung của hầu hết những người chơi game. Giả dụ khi anh “A” chìm đắm trong một tựa game nhập vai “B” và cảm thấy thích thú với thể loại này vô cùng, sau khi chơi tiếp game “B”, anh ta tiếp tục tìm đến game “C” cùng một thể loại, rồi game “D”, game “E”… cho đến game “N”.

Đến lúc này, thì anh A đã bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm hoàn toàn với game nhập vai, nhận ra rằng những tựa game không được nhà phát triển đầu tư đúng mức sẽ có nhiều nét “ăn theo” và lặp lại trong lối chơi, nói gọn lại là “bình mới nhưng rượu cũ”.

5 lý do chính khiến game thủ “nghỉ” chơi video game

Thế rồi sự kén chọn bắt đầu từ đó, hiện nay có rất nhiều game thủ chỉ chấp nhận chơi một tựa game, nếu điểm số trung bình từ các trang đánh giá của nó rơi vào khoảng 8 điểm (thậm chí 9 điểm) trở lên. Hoặc có nhiều trường hợp đáng buồn hơn, họ đi tìm “làn gió” mới ở thể loại game khác, nhưng rồi vô tình làm cho quy trình trên lặp lại thêm một lần nữa.

Muốn đối phó với vấn nạn trên, bạn cần phải coi trọng “chất” hơn “lượng”, hãy tự biến mình thành một Hardcore Gamer chân chính, mặc dù chơi ít những trò chơi “tạp nham”, nhưng mỗi game bạn chơi lại là một trải nghiệm đáng nhớ, là một niềm tự hào khi ta đã hoàn thành 100% nội dung của trò chơi đó, khám phá ra hết tất cả các bí mật…

5. GAME ĐÃ KHÔNG CÒN NHƯ “NGÀY XƯA”

Đây là lý do thường đi song hành với lý do đầu tiên, dẫn tới việc nghỉ game của các game thủ kỳ cựu – những người vốn đã gắn bó với game qua hàng chục năm.

Nhưng thật lạ lùng, khi đã chơi được quá nhiều game, kinh nghiệm với game đã “viên mãn”, thay vì đâm ra chán ghét game, hoặc “kén cá chọn canh” như dạng game thủ vừa được kể ở bên trên, thì những người có thâm niên chơi game lại muốn tìm về nguồn cội của ngành công nghiệp game, nơi tồn tại những “người bạn 8-bit” đã từng đồng hành với tuổi thơ của họ.

Và lúc “hoài niệm” xong cũng thường là lúc chấm dứt một đoạn “tình duyên” với trò chơi điện tử, hay nói nôm na ra là “nghỉ hưu” luôn. Cũng vì lý do này mà chúng ta không thường thấy những game thủ ngoài 40 tuổi.

Đây là một trường hợp “khó đối phó” vô cùng, vì tuổi đời với game của người mắc phải đã thực sự “cạn”, níu kéo làm chi để thêm đau lòng? Nhưng cũng may mắn rằng nó rất ít khi xảy ra, vì ngành công nghiệp game mới chỉ tồn tại được vài chục năm, chưa kể đến khái niệm trò chơi điện tử chỉ mới du nhập vào Việt Nam vào khoảng 40 năm trở lại đây, lại càng hiếm nữa những người thực sự gắn bó với game ngay từ những ngày đầu tiên.

Đối với dạng người này, thì cách chữa bệnh chán game có tỉ lệ thành công cao nhất, khả quan nhất chính là đi tìm một sự ép buộc từ những… cơn đam mê. Tiêu biểu là các dòng game cực kỳ khó “rứt” ra một khi đã “dính” phải, khiến người chơi bị chìm sâu vào lối chơi cạnh tranh và đầy biến hóa phức tạp của nó, ví dụ như Monster Hunter, Pokémon, dạng game MOBA, dạng game đấu bài, dạng game đối kháng…

LỜI KẾT

Sau khi tham khảo xong bài viết này, mong rằng tình cảm với game được chôn giấu tận sâu trong lòng mỗi độc giả của chúng tôi sẽ một lần nữa được thức tỉnh. Đồng thời hiểu được những thói quen chơi game sai trái cần tránh, để giữ niềm đam mê được lâu thêm, từ đó đóng góp một phần công sức vào ngành công nghiệp game đang từng bước phát triển của thế giới.

Theo Vietgame.asia