Đến với một game online, điều đầu tiên giữ người chơi ở lại có thể là đồ họa, nội dung, cốt truyện game hay các chương trình khuyến mãi, v.v. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn đồng hành, họ chợt nhận ra không mấy mặn và quyết định giã từ trò chơi ấy. Vậy, những nguyên nhân nào khiến game thủ chia tay game mà họ đã có thiện cảm lúc ban đầu?
Gameplay không như mong đợi
Với nhiều game thủ, gameplay có tính quyết định đầu tiên trong việc chơi hay không chơi một tựa game. Đa phần game thủ Việt đều kỳ vọng một tựa game mà mình gắn bó lâu dài phải có cốt truyện hấp dẫn, chuỗi nhiệm vụ sống động, bối cảnh có nhiều khám phá thú vị, cách chơi nhiều sáng tạo…
Nhưng khi cày đến cấp độ 15 hay 20 trở lên, người chơi chợt nhận ra mọi thứ đều không như mong muốn. Gameplay lặp đi lặp lại liên tục, không có sự đổi mới, các thao tác quen thuộc nhàm chán không tạo nên sức hút hay kích thích người chơi. Hoặc cũng có thể người chơi thấy thấp thoáng đâu đó các tính năng, hoạt động trong tựa game đang chơi giống một vài tựa game khác trên thị trường. Hay nhân vật thăng cấp quá chậm, các thử thách trong game khó vượt qua cũng là những nguyên nhân khiến người chơi sớm nghỉ game.
Game càng ngày càng mất cân bằng
Tính cân bằng của game có thể phụ thuộc vào hệ thống tiền tệ, các lớp nhân vật, chiêu thức, trang bị, tài nguyên game,… Trải qua một thời gian phát hành, đa phần game online ở Việt Nam đều dần mất đi điều này.
Một thực tế cho thấy rất nhiều tựa game hiện nay ồ ạt ra các loại trang bị mới, tài nguyên mới. Đây là những thứ game thủ đặc biệt quan tâm bởi nó gắn liền với danh vị, tiếng tăm trong game. Trong khi một phần game thủ thỏa mãn vì mạnh lên bởi đồ mới thì nhiều thành phần khác lo ngại rằng việc ra đồ mới liên tục sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng cũng như việc game thủ mất cảm giác chơi game.
Nhiều người chia sẻ rằng họ chưa kịp tìm hiểu và tận hưởng hết giá trị của món đồ này thì lại ra món khác, đồ của họ mất giá, thậm chí có món chỉ đáng làm... đồ kỷ niệm hay treo trong bảo tàng. Bức xúc vì tiền mất tật mang, lại có cảm giác bị nhà phát hành ngó lơ, họ dần từ bỏ thú vui với game.
Nhà phát hành “hút máu” thái quá
Với phần đông game thủ, “hút máu” là một hình thức "tăng thu" mà nhà phát hành đang áp dụng với người chơi hiện hành. Thông qua việc liên tục mở event, quay số, lắc xí ngầu, chương trình khuyến mãi, v.v. các tựa game đua nhau hút túi tiền của người chơi.
Thậm chí có những tựa game mỗi tháng ra 2-3 event nhỏ lẻ, nhưng game thủ phải đầu tư hầu bao kha khá. Dù than vãn chuyện nhà phát hành bào tiền nhưng người chơi không thể ngừng tham gia, bởi nếu họ tạm dừng thì sẽ bị tụt hậu so với anh em chơi cùng. Vì không muốn mất thể diện, rất nhiều game thủ đã phải tức tối trong âm thầm “cắn” event để đua cấp cùng bạn bè.
Hiện nay, không thiếu game có tổ chức các chương trình quay số may mắn với tỷ lệ không trúng cao vút. Mặc dù có thông báo trúng 100%, thế nhưng phần thưởng trúng là các vật phẩm ai cũng có thể kiếm được trong game, còn đồ hot thì… năm thì mười họa mới thấy người trúng.
Chi phí bỏ ra thì nhiều nhưng lợi ích thu được chưa xứng tầm cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến người chơi nghỉ game.
Bỏ game vì không biết chơi cùng ai
Cộng đồng là yếu tố quan trọng của game, đây chính là cốt lõi nuôi sống bản thân mỗi trò chơi. Ở làng game Việt không thiếu các tựa game có cộng đồng lâu bền như Võ lâm, Kiếm thế, Cửu long tranh bá,… Thế nhưng rất nhiều game thủ trong cộng đồng đông đảo ấy phải rầu rĩ: “Tôi nghỉ game vì bạn bè nghỉ cả rồi, chẳng biết chơi cùng ai”.
Không ít người chơi quan niệm rằng: “Game mang tính bầy đàn đến cho game thủ”. Điều này cũng dễ lý giải bởi nhiều hoạt động game đều có tính tổ chức, tập thể. Hoặc ngay khi thoát ra ngoài game, các bang hội, nhóm người cũng kéo nhau ra đời và có những hoạt động xã hội gắn kết họ lại. Chơi cùng, sống cùng, thậm chí cùng lý tưởng, v.v. nên khi một vài người vì lý do gì đó mà bỏ game, những người trong tổ chức ấy cũng dần tan rã.
Có nhiều nguyên nhân khiến người chơi bỏ game, ngoài 5 điều nói trên thì có thể kể đến các lý do khác như game ít người chơi, hướng dẫn nghèo nàn, phần thưởng hạn hẹp, đập đồ xịt liên tục, hay mất nhiều thời gian cho game, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp kể từ khi chơi game,…
Nghỉ game vì điều kiện không cho phép
Khái niệm “điều kiện không cho phép” với đại đa số game thủ là rất đa dạng. Với một số game thủ thì điều này phụ thuộc vào nguồn tài chính không đáp ứng, một số thì bận học hành, công việc, không có thời gian hoặc một số khác thì gia đình, người thân ngăn cấm,… Nếu cứ tiếp tục chơi game trong điều kiện không cho phép thì trước sau gì cũng xảy ra những phát sinh không hay. Do vậy, nghỉ game là điều tất yếu, chấm dứt mọi sự phiền toái về sau.
Game đơn thuần là giải trí nhưng nó cũng có những điều thiết yếu để người chơi gắn bó và tâm huyết. Thiết nghĩ, người làm game cũng như game thủ nên lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của nhau để game luôn đông đảo người chơi và các nhà sản xuất, phát hành cũng có động lực để làm nên những tựa game hay, đáng chơi.
Theo thanhniengame