Tuy nhiên, trái với những năm trước, câu hỏi lớn nhất dành riêng cho 500 “anh tài” này, và hơn 600.000 doanh nghiệp Việt là sẽ phải “hòa nhập” như thế nào với Hiệp định thương mại tự do được đánh giá là toàn diện nhất từ trước đến nay.
Kinh tế tư nhân là động lực
Ngày 16/1/2019, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018.
Đây là năm thứ 12 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng trong nền kinh tế.
Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng trưởng ngày càng nhanh hơn. |
Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp uy tín trong các lĩnh vực gồm Dược, Du lịch - lữ hành, Vận tải - Logistics (lần đầu tiên được đánh giá). Đặc biệt, báo cáo còn vinh danh TOP 50 doanh nghiệp xuất sắc, với tiêu chí tham chiếu là góp mặt 3 năm liên tiếp trong danh sách TOP 500, có tiềm năng tăng trưởng tốt, trách nhiệm xã hội cộng đồng, bên cạnh các tiêu chuẩn khắt khe khác.
Những tên tuổi được vinh danh đều là các mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế, tạo lập nên một năm với nhiều dấu ấn thành công.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, với đầu tư khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm trước chiếm tới 43,3 % tổng đầu tư xã hội. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt mức cao 21,8%.
Kinh tế Việt Nam còn cho thấy sự phát triển toàn diện hơn khi chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện một cách tích cực. Cơ cấu ngành và sản phẩm đang có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Thống kê cho thấy tỉ trọng doanh thu ngành Công nghiệp chế biến gia tăng, hiện chiếm 43,7% tỷ trọng doanh thu toàn ngành công nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2018, trong khi đó tỷ trọng doanh thu của ngành Công nghiệp khai khoáng giảm dần, hiện đóng góp 12%.
Đại diện 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được vinh danh với những thành tích trong hoạt động kinh doanh |
Nhận định về những nỗ lực của Chính phủ, khảo sát của Vietnam Report đối với cộng đồng VNR500 cho thấy, doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ thời gian qua, nhất là trong các vấn đề: Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế (79,3%); Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá cán bộ (50%); và Cải cách thủ tục hành chính (48,3%). Tuy nhiên, điều này là chưa đủ trong bối cảnh Việt Nam gia nhập vào Hiệp định thương mại tự do TPCPP, chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.
Thách thức lớn từ TPCPP
Trong khuôn khổ buổi lễ vinh danh VNR500, Vietnam Report cũng công bố Báo cáo thường niên - Sách trắng song ngữ “Kinh tế Việt Nam 2019: Cơ hội và Sức ép từ Hiệp định CPTPP”. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đã trở thành điểm sáng nổi bật, không chỉ mang lại hy vọng về tương lai phát triển thương mại quốc tế theo hướng tự do hóa, mà còn thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, báo cáo nhận định.
Ts. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, đánh giá rằng CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với chất lượng cao và khá toàn diệ và cụ thể, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay, có nhiều tác động về mặt thương mại, đầu tư kinh tế, cải cách thể chế đối với Việt Nam.
“Việt Nam là một nước “dám chơi”, nghĩa là mặc dù nước mình chưa thực sự phát triển mạnh, thể chế chưa mạnh, nguồn nhân lực chưa quá tố nhưng mình sẵn sàng gia nhập sân chơi toàn cầu”, ông Thành đánh giá.
Bà Hoàng Thị Bảo Hương, Phó Tổng biên tập Báo Vietnamnet cùng đại diện Vietnam Report trao Sách Trắng cho các cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư với mong muốn doanh nghiệp Việt sớm mở rộng thị trường toàn cầu. |
Đại diện một doanh nghiệp hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư Việt - Úc lại khá lạc quan về tình hình hiện nay. “Các doanh nghiệp Việt đã có sự chuẩn bị đáng kể so với cách đây 5 năm”, đại diện này nhận định. Theo đó, các mặt hàng Việt hiện có thể tìm kiếm chỗ đứng ở thị trường Úc.
Tuy nhiên, theo nhận định của đa số các chuyên gia, bên cạnh lợi thế thì Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn nhất định đang hiện hữu.
Năm 2018 ghi nhận nhiều kỷ lục mới trong tăng trưởng kinh tế, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số gam màu tối, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. Đó là tốc độ thành lập mới doanh nghiệp chậm lại (chỉ tăng 3,5% về số doanh nghiệp và 13,4% về vốn đăng ký, trước đó là 15% và 43,4%), trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể tăng vọt (lần lượt tăng 49% và 35% so với năm 2017). Bên cạnh đó còn ghi nhận việc giải ngân vốn đầu tư, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhà nước và ngân sách còn chậm.
PGS. TS Vũ Minh Khương, Chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam trong thời gian tới, và lưu ý về 8 xu hướng không thể cưỡng lại nếu muốn định vị Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Đầu tiên là bối cảnh thế giới biến động ngày càng lớn và khó lường, xu hướng toàn cầu hóa tiêp tục thắng thế, sự trỗi dậy của các nước châu Á, cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến bộ công nghệ, quá trình đô thị hóa và già hóa dân số, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Cục diện này không những tác động trực tiếp đến TOP 500 doanh nghiệp Việt nói riêng, mà rõ ràng sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ doanh nghiệp Việt, cần phải thay đổi và hành động nếu muốn trụ lại trên thị trường.
Theo khảo sát 500 doanh nghiệp hàng đầu của Vietnam Report vào tháng 11/2018, có 5 rào cản lớn nhất ảnh hưởng hoạt động sản xuất là chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn (63,3%), thủ tục hành chính phức tạp (60%), thiếu nguồn nhân lực có tay nghề (60%), năng lực cạnh tranh và chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu (53,3%) và rủi ro pháp lý (43,3%).
Điều này cho thấy ngoài các yếu tố quốc tế, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp đánh giá vẫn là cơ chế, thủ tục và môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực để cải thiện tình hình trong thời gian qua.
Báo cáo Vietnam Report cũng ghi nhận những biện pháp tháo gỡ mà cơ quan quản lý đã thực hiện trong thời gian qua đã có những cải thiện đáng kể. Theo đó, năm 2018 ghi nhận vị trí thứ 9 trên Bảng xếp hàng chỉ số thương mại bền vững (trong 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ), nằm trong các nước được đánh giá cáo về mức độ mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, những giải pháp trên rõ ràng là chưa đủ “cân nặng” để doanh nghiệp Việt có thêm sức mạnh và sự tự tin để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu trong thời gian tới. Điều này đặt ra sức ép cho Chính phủ phải hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn.
Ông Thành cho biết hiện nay rất cần sự trao đổi thông tin và đối thoại đầy đủ, sâu sắc giữa Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội, không chỉ hiệp định CPTPP nói riêng mà còn các Hiệp định thương mại Việt Nam tham gia và hội nhập nói chung, cùng với những chính sách, cải cách hiện hành và những thay đổi cần thiết trong thời gian tới.
Với giới doanh nghiệp, khuyến nghị của ông Thành là họ phải học nhiều thứ, từ học cách kinh doanh trong thị trường mở rộng về chiều ngang và chiều sâu, kết nội để phát triển, học cách huy động vốn, quản trị và đồng hành chính phủ và quan trọng là phải biết “đối thoại pháp lý”.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1, với nhiều cam kết xóa bỏ một số dòng thuế nhập khẩu ở các nước tham gia, ngay lập tức hoặc có lộ trình. Thị trường bao trùm khoảng 500 triệu người và chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu. Theo thông tin của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, tác động cụ thể mà thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ chỉ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn. Trong đó, Malaysia có thể nhận được nhiều lợi ích nhất (khoảng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei (khoảng 1,5% GDP). Theo TS. Cấn Văn Lực, kết quả mô phỏng phân tích cho thấy trong CPTPP, danh mục xuất khẩu giữa các ngành sẽ tập trung nhiều vào “may mặc, hàng da” và “thực phẩm, đồ uống, thuốc lá. Tham gia CPTPP cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tăng cơ hội đầu tư và tạo ra áp lực cải cách. Tuy nhiên, thách thức là một phần thu ngân sách do giảm thuế suất, thêm nữa là áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên, và rủi ro chảy máu chất xám khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường Việt. Một số ngành được lợi là dệt may, da giày, thủy sản thực phẩm, đồ uống, sản phẩm gỗ, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, du lịch, logistics, bất động sản, y tế, giáo dục. Các ngành chịu nhiều thách thức là nông nghiệp (sữa và các sản phẩm từ sữa, mía đường, chăn nuôi và thực phẩm chế biến, sản xuất ô tô. Cũng cần lưu ý thêm về thách thức là yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn về nguồn gốc xuất xứ, về lao động (như đối với dệt may, da giày), về an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ. |
Vietnam Report