- Khi thị trường bất động sản gặp khó thì đầu ra của ngành vật liệu xây dựng cũng tắc nghẽn. Thông tin về gói tín dụng 50.000 tỷ liệu có giải được bài toán đầu ra của các thị trường này?

Thông tin chính thức về gói tín dụng 50.000 tỷ cho ngành vật liệu xây dựng (VLXD) được Ngân hàng Xây dựng (VNBC) công bố chiều 25/3. Trong bối cảnh gói gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đang giải ngân chậm chạp chỉ với 4% thì nhiều ý kiến còn nghi ngại về gói tín dụng 50.000 tỷ này.

Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNBC, giải thích: “Đối tượng và mục đích của hai gói tín dụng này hoàn toàn không giống nhau. Cần phải giải thích thêm 50.000 tỷ chỉ là gói tín dụng thương mại bình thường, không phải là ngân sách hỗ trợ cho thị trường. Số tiền này tập trung vào chuỗi cung ứng và giải quyết phần nào cho các doanh nghiệp và dự án còn dở dang. Trong khi đó gói 30.000 tỷ là gói vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà.

Tốc độ giải ngân gói 50.000 tỷ đồng phụ thuộc vào 2 yếu tố: tốc độ thẩm định của ngân hàng và các tính khả thi của dự án được giải ngân”.

{keywords}

Cụ thể, thông qua ngân hàng tổ chức VNCB, gói 50.000 tỷ này sẽ được bơm vào một chuỗi liên kết, gồm nhà cung ứng vật liệu ký hợp đồng với nhà sản xuất, nhà sản xuất ký hợp đồng với nhà thầu, nhà thầu ký hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư

Theo kế hoạch, có 10 ngân hàng sẽ tham gia chuỗi liên kết này. Trong đó, 4 ngân hàng TMCP nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank. Bốn ngân hàng này dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng theo quy định. Những ngân hàng này được gọi là “Ngân hàng người mua” trong chuỗi liên kết, VNCB là Ngân hàng tổ chức.

Ngoài ra, 6 ngân hàng thương mại khác tham gia chuỗi liên kết gồm ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, VPB, Oceanbank. Nhóm ngân hàng này được gọi là “ngân hàng đồng tài trợ”.

Ngân hàng người mua phát hành bảo lãnh tín dụng, đồng thời giải ngân cho chủ đầu tư, còn VNCB phát hành bảo lãnh tín dụng cho Nhà thầu và Nhà sản xuất.

Ông Phan Thành Mai cho biết, chuỗi liên kết 4 nhà chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng VLXD - ngân hàng sẽ giảm thiểu sự rủi ro tín dụng cho các ngân hàng thương mại, đồng thời giảm giá thành dự án, giải phóng được hàng tồn kho cho BĐS, góp phần cải thiện thị trường đồng thời cũng tạo ra dòng tín dụng mới.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu chỉ một ngân hàng tham gia thì chưa đủ để có thể giải phóng hàng tồn kho. Riêng thị trường BĐS hàng tồn kho còn khoảng 92.000 tỷ đồng, tồn kho vật liệu xây dựng cũng rất lớn. Như vậy, việc nhiều ngân hàng tham gia, nhiều nhà sản xuất vật liệu tham gia chuỗi liên kết sẽ kiểm soát được chặt chẽ hơn dòng vốn cung ứng ra thị trường.

Trong khi đó ông Đỗ Văn Quất, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, chuỗi liên kết 4 nhà có thể nói là chưa có tiền lệ trên thị trường. Chuỗi liên kết này sẽ giúp lưu thông hàng hóa ngành xây dựng thông thoáng hơn, đúng mục đích hơn.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN, nhận định, trước đây đã có những ngân hàng cho vay theo chuỗi liên kết nhưng chỉ là một số ngân hàng đơn lẻ, không có tính hệ thống. Tuy nhiên, chuỗi liên kết lần này là một trong những giải pháp đóng góp vào khơi thông thị trường BĐS.

Nam Phong