Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sử dụng chì hay lưu huỳnh để nhuộm tóc chưa? Hay để "độ ngực" lớn hơn bạn dùng bóng cao su? Hẳn những việc này chỉ nghe qua thôi cũng đủ khiến bạn nổi da gà vì kinh sợ.
Nhưng bạn có hay biết rằng trong thời kỳ xa xưa, đó là thói quen của không chỉ 1 người mà hàng trăm người khác trên Trái đất này.
Cùng điểm lại những sự thật mà không phải ai cũng hay về người cổ đại, đảm bảo bạn sẽ phải thốt lên "Wow" khi nghe danh chúng.
1. Phụ nữ sử dụng chì và lưu huỳnh để nhuộm tóc
Ít ai biết rằng ngay từ thời cổ đại, người xưa đã biết sử dụng chất hóa học để nhuộm tóc cho mình, mặc cho việc những chất đó có hại cho sức khỏe của họ.
Người Hy Lạp và La Mã sử dụng chì và lưu huỳnh như 1 loại thuốc nhuộm tóc. Vào thập niên 1700, người Ý thích ngâm tóc của mình trong dung dịch kiềm có khả năng ăn mòn để có thể sở hữu bộ tóc vàng óng ánh.
Trong khi đó người châu Âu lại sử dụng bột nghệ tây và bột sunfua để có được bộ tóc với màu tuyệt vời. Người Afghanistan xưa còn tin rằng, nhuộm tóc với màu sắc khác nhau có thể chữa đau đầu nữa.
2. Sáp ong, dầu hỏa dùng để... nâng ngực
Từ xa xưa, phụ nữ đã biết sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để cải thiện vẻ đẹp của mình và "độ" vòng 1 không phải là ngoại lệ.
Một số phụ nữ đặc biệt thích việc xoa dầu dừa lên ngực với niềm tin là vòng 1 sẽ tăng kích cỡ.
Năm 1895, Vincenz Czerny - một bác sĩ người Đức là người đã thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại đầu tiên trên thế giới. Czerny đã sử dụng các mô mỡ phía sau lưng, hoặc từ các khối u lành tính để giúp chị em có bộ ngực "lệch lạc" trở nên hấp dẫn và cân bằng hơn.
Các nguyên liệu được sử dụng để bơm ngực vào thời điểm này bao gồm sáp ong, dầu thực vật và... dầu hỏa. Đôi khi nguyên liệu độn ngực còn là những quả cầu thủy tinh, vụn cao su, len, bọt biển... Kết quả là những cuộc phẫu thuật này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: hoại tử da, u hạt, các vấn đề về gan, hôn mê, thậm chí là tử vong.
3. Chữa bệnh bằng... phân gia súc
Ai ngờ rằng người cổ đại đã sử dụng phân động vật để chữa và điều trị các bệnh khác nhau. Phụ nữ Hy Lạp cổ đại tin rằng bôi chút phân cá sấu vào âm đạo thì có thể được sử dụng như 1 biện pháp tránh thai hữu hiệu.
Trong khi đó người Ai Cập cổ đại lại dùng phân động vật để làm vết thương mau lành.
Phân cừu lại được tin dùng trong bài thuốc y học dân gian của người Scotland để điều trị bệnh đậu mùa. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, bạn đừng bao giờ nên dại dột thử chúng ở nhà.
4. Phẫu thuật khoan sọ Trepanning để giải thoát linh hồn
Trepanation là phương pháp phẫu thuật lâu đời nhất, xuất hiện từ thời kỳ đồ đá. Đây là hình thức khoan xương sọ, được thực hiện trong các nền văn minh cổ xưa.
Nó giống như một nghi lễ để thoát khỏi các linh hồn ma quỷ - thứ được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tật.
Nghe thì sai, nhưng Trepanning vẫn được áp dụng đến ngày hôm nay. Y học hiện đại đã cho phép bác sĩ can thiệp vào não, sử dụng kỹ thuật và công cụ để khoan thẳng vào sọ người bệnh.
Mục đích thì có phần hợp lý hơn: giải quyết các vết máu tụ do xuất huyết nội, chấn thương đầu hoặc đột quỵ.
5. Thử thai bằng lúa mì, lúa mạch, tỏi
Vào năm 1350 TCN, phụ nữ đã biết dùng lúa mì, lúa mạch ngâm trong nước tiểu của mình vài ngày để thử thai. Nếu hạt lúa mạch nảy mầm thì mang thai bé trai, nếu hạt lúa mì nảy mầm thì mang thai bé gái. Ngược lại nếu không hạt nào nảy mầm thì người phụ nữ đó không mang thai.
Nếu phụ nữ Ai Cập sử dụng lúa mì và lúa mạch để thử thai thì phụ nữ Hy Lạp cổ đại lại thử thai bằng cách nhét một củ hành hoặc một loại củ có mùi hăng như tỏi hoặc gừng vào âm đạo và để qua đêm.
Người Hy Lạp cho rằng nếu không mang thai thì tử cung sẽ mở do đó mùi hành có thể thông lên đến miệng dẫn đến việc hơi thở sẽ có mùi hành. Còn nếu người phụ nữ mang thai thì tử cung sẽ đóng lại nên hơi thở của cô ấy sẽ không có mùi.
6. Nhà vệ sinh công cộng thời La Mã cổ đại
Người La Mã cổ được xem như là người tiên phong trong việc đưa công nghệ vệ sinh đến châu Âu từ hơn 2.000 năm trước.
Họ đã nghĩ ra hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm công cộng... nhằm giữ cho thành phố không ngập trong rác thải, mùi hôi thối.
Dãy "bồn cầu vệ sinh" của người La Mã cổ không có nắp đậy mà hầu hết là tảng đá hoặc gỗ được khoét lỗ nhỏ, nối dãy với nhau.
Theo GenK