{keywords}
Trong năm 2021, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ mở rộng các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhất là các dịch vụ thanh toán thiết yếu (Ảnh minh họa)

Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 3/2020. Hệ thống có chức năng hỗ trợ kết nối giữa cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công với các ngân hàng, trung gian thanh toán để ngân hàng, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ thanh toán cho các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Theo đó, hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã cho phép các bộ, ngành, địa phương linh hoạt cung cấp dịch vụ, có thể thanh toán trực tuyến với tất cả các thủ tục hành chính, kể cả các thủ tục chưa cung cấp trực tuyến (các hồ sơ thủ tục được tiếp nhận trực tiếp qua bưu chính).

Sau hơn 9 tháng triển khai, đến nay đã có 54/63 địa phương và 14 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ tương ứng lần lượt là 85,6% và 67,7%. Việc kết nối đang được tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác.

Bên cạnh đó, hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã hoàn thành kết nối với 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV cùng các tổ chức trung gian thanh toán để đảm bảo việc thanh toán qua các tài khoản của 43/46 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.

Hiện tại, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 6 nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến gồm: phí, lệ phí dịch vụ hành chính công; thuế cá nhân, doanh nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân và tổ chức sử dụng lao động; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; thanh toán tạm ứng án phí.

Mặc dù mới triển khai, song theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã tham gia tích cực, trách nhiệm, tiêu biểu như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Điện lực Việt Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lâm Đồng…

Đặc biệt, tổng số lượt giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia liên tục tăng cao, từ 492 lượt vào cuối tháng 3/2020 lên gần 3.800 giao dịch vào cuối tháng 6/2020, đạt 22.869 giao dịch vào cuối tháng 9/2020 và tính đến ngày 29/12/2020 đã là hơn 48.000 lượt giao dịch.

Tuy nhiên, một tồn tại, hạn chế thời gian qua là một số bộ, địa phương chưa hoàn thành tích hợp với hệ thống thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ thanh toán cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, còn có một số bộ, ngành, địa phương tuy đã hoàn thành tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia nhưng số lượng thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được đưa lên để cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán online còn rất ít.

Vì thế, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia, một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, đảm bảo tất cả các bộ, ngành, địa phương hoàn thành tích hợp và cung cấp thanh toán online phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với ít nhất 50% số lượng thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.

Đồng thời, mở rộng các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhất là các dịch vụ thanh toán thiết yếu liên quan đến thuế nội địa, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, viện phí, học phí; nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tối thiểu 25% trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.

M.T

Người dân 4 tỉnh đã có thể thanh toán online thuế, lệ phí trước bạ nhà đất

Người dân 4 tỉnh đã có thể thanh toán online thuế, lệ phí trước bạ nhà đất

Dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân hiện được cung cấp tại 4 địa phương: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Tây Ninh và sẽ được mở rộng toàn quốc trong quý I/2021.