Anh Huỳnh Quang Vinh (32 tuổi, Đồng Nai) sang Đan Mạch định cư đã được 16 năm, gia đình và họ hàng anh cũng ở bên này khá đông.
Cuộc sống của anh hiện tại rất êm đềm bên người vợ tên Emma. Anh Huỳnh chia sẻ, hai vợ chồng anh đến từ hai nền văn hóa khác nhau nhưng cuộc sống chưa bao giờ xảy ra bất đồng vì cách ứng xử khá khác biệt với các cặp vợ chồng ở Việt Nam.
Gia đình nhỏ của Quang Vinh. |
Nhiều năm trước, anh Vinh là chủ của một nhà hàng ở Sonderborg (Đan Mạch), ngay gần nhà Emma.
Từ đây hai người quen biết, trao đổi số điện thoại rồi trở nên thân thiết. Một ngày, tình yêu gõ cửa trái tim, gắn kết họ với nhau.
Lần đầu tiên hẹn hò, hai người đi dạo trong khu rừng tuyệt đẹp và lâu đài mùa hè của Nữ hoàng Đan Mạch. Hai nơi này đều cách tiệm ăn của Vinh không xa.
Vài tháng sau Emma có bầu. Cặp đôi đã quyết định dọn về sống chung và làm thủ tục đăng kí kết hôn.
“Vợ chồng tôi không ai phải lòng ai trước mà đúng hơn là cả hai cùng rung động ngay từ lần đầu gặp”, anh Vinh nhớ lại.
Khi Emma báo tin có bầu, anh Vinh khá bất ngờ nhưng sau đó anh thấy cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong tim.
Emma khi mang thai. |
Bố Emma là doanh nhân nên khi về ra mắt bố mẹ vợ, anh Vinh cũng có nhiều lo lắng, sợ họ không chấp nhận cho con gái lấy người châu Á. Không ngờ, bố mẹ Emma khá thân thiện, cởi mở với chàng rể tương lai.
Tuy nhiên, Emma về nhà anh Vinh lại gặp sự cố về bất đồng ngôn ngữ.
Mặc dù cô đã học tiếng Việt cấp tốc từ chồng nhưng nhiều từ khó cô không phát âm được hoặc phát âm sai. Điều đó gây ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười.
Khi Emma mang bầu, sinh con đầu lòng, anh Vinh dành thời gian chăm sóc và học nấu các món ăn châu Âu mà vợ thích ăn.
Chị gái và mẹ của anh cũng hay chế biến các món ăn Việt cho Emma tẩm bổ.
Hơn 3 năm hôn nhân, Emma đã thích nghi dần với văn hóa Việt Nam. Anh Vinh cũng học những nếp sống của vợ để cùng dung hòa.
“Vì yêu chồng, vợ tôi chịu khó học nấu nhiều món Việt như: Phở bò, phở gà… Ngày xưa mới ăn phở, cô ấy gạn nước đi và dùng nĩa ăn. Sau này, cô ấy thử nếm nước dùng ăn cùng sợi phở, không ngờ vị ngon quá nên nghiền đến bây giờ”, anh Vinh kể.
Theo anh Vinh, Emma không giỏi nấu các món ăn Việt nhưng chịu khó học để nấu cho chồng con ăn. Sở trường của cô là nấu các món ăn truyền thống Đan Mạch.
Vợ chồng anh Vinh bình đẳng trong vấn đề tiền bạc. |
“Vợ chồng tôi bình đẳng trong việc nhà. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với nhau.
Nếu Emma nấu nướng, tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa. Tôi nghĩ, việc nhà là của chung, đừng bao giờ cho rằng đó là trách nhiệm của riêng phụ nữ. Như vậy vô hình chung đè lên họ áp lực rất lớn”, anh Vinh bộc bạch.
Quãng thời gian vợ sinh con, người đàn ông 8X chia sẻ, lần đầu anh làm bố, chưa có kinh nghiệm nhưng may mắn được hai gia đình hỗ trợ, mọi khó khăn cũng qua.
Ở Đan Mạch, việc khám thai và sinh đẻ miễn phí nên hai vợ chồng không phải bận tâm nhiều.
Trước khi sinh Chính phủ có các chương trình tiền sinh sản miễn phí cho bố mẹ trẻ học cách nuôi con.
Sau sinh, người mẹ được nhận 1 năm lương để ở nhà chăm con. Theo đó, mỗi tháng Chính phủ sẽ gửi vào tài khoản mẹ khoảng 70 triệu đồng, trừ thuế còn 50 triệu đồng.
Sản phụ xuất viện, hàng tuần sẽ có y tá đến nhà kiểm tra, theo dõi sức khỏe của 2 mẹ con.
Với chính sách như vậy, hành trang đón con trai Vincent của vợ chồng anh Vinh khá nhẹ nhàng.
Quá trình nuôi dạy con, Emma khá nghiêm khắc, cô khuyến khích con phát triển theo cách tự lập.
Đến giờ, Vincent đã lớn và có thể tự vệ sinh cá nhân và làm những việc cơ bản cho mình. Đặc biệt, cậu bé khá hiếu động, thích tìm tòi.
Hiện tại, Emma làm trong viện dưỡng lão và chuẩn bị sinh em bé thứ 2.
Do công việc bận rộn và nhiều lý do khác nên anh Vinh đã sang nhượng lại nhà hàng. Thời gian tới anh sẽ nhận vị trí quản lý cho một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở Đan Mạch.
Ngoài ra, vợ chồng anh cùng nhau xây dựng một kênh mạng xã hội. Qua đó, quảng bá về văn hóa và cuộc sống của người dân Bắc Âu nói chung cũng như Đan Mạch nói riêng - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
“Tôi có công việc riêng và một số khoản đầu tư khác. Youtube chỉ là một công việc giải trí, tôi chưa bao giờ nghĩ đây là công cụ kiếm tiền. Thu nhập từ kênh này cũng không cao”, người đàn ông gốc Việt khẳng định.
Gia đình anh Vinh sang đây đã khá lâu nên khi sinh con, vợ chồng anh được sự trợ giúp của cả hai bên nội ngoại. Bố mẹ Emma thương và quý chàng rể Việt như con đẻ.
“Ông bà tự hào vì con rể chín chắn, tháo vát, biết kiếm tiền và là chỗ dựa vững chắc cho con gái mình. Emma còn khá trẻ nên học được nhiều kinh nghiệm sống từ chồng”, anh Vinh kể.
Emma cùng chồng xây dựng kênh riêng, quảng bá văn hóa Đan Mạch. |
Anh Vinh bật mí, ở Việt Nam đàn ông đi làm phần lớn đều đưa lương cho vợ quản lý và chi tiêu. Tuy nhiên văn hóa bên Đan Mạch không giống vậy.
Các cặp vợ chồng cùng đi làm, tiền ai nấy giữ. Phần lớn họ sẽ có tài khoản riêng nên không ai phụ thuộc ai.
Phụ nữ Đan Mạch đi làm cũng kiếm tiền ngang với đàn ông và giá trị của họ trong xã hội rất được coi trọng.
Khi chung sống, các cặp vợ chồng sẽ có một tài khoản chung. Hàng tháng hai bên tự trích lương của mình gửi vào đó để lo sinh hoạt gia đình, con cái.
Nam Việt kiều nhấn mạnh, nếu bạn đến Đan Mạch dễ gặp nhiều cặp vợ chồng đi ăn nhà hàng nhưng khi thanh toán, mỗi người tự trả suất của mình.
Hành động đó được coi là bình thường. Ở gia đình anh cũng vậy. Hai vợ chồng tự quản lý tiền mình kiếm được. Hôn nhân của vợ chồng anh Vinh ít mâu thuẫn cũng nhờ tự chủ về kinh tế, tiền ai nấy giữ.
Tuy nhiên, anh cho biết thêm, do bản thân vẫn còn giữ nhiều nếp văn hóa Á Đông nên đi ăn hay chi tiêu gia đình anh vẫn là trụ cột. Emma sẽ phụ thêm tiền lặt vặt.
Cô gái Việt yêu chàng trai ngoại quốc nghèo, đám cưới tổ chức trên du thuyền
Vượt qua dị nghị, Phương yêu chàng trai nghèo đến từ Nigeria. Sau gần 3 năm quen nhau, anh dành tặng cô đám cưới trên du thuyền.
Thái Minh