Một chuyên gia của Viện khoa học Trung Quốc khẳng định 95% hóa thạch trong các viện bảo tàng Trung Quốc đều là đồ giả.

Lý Thuần, một chuyên gia cổ nhân loại học thuộc Viện khoa học Trung Quốc đã tiết lộ rằng, có tới 95% số lượng các hóa thạch trong viện bảo tàng của Trung Quốc đều là đồ làm giả.

Một hóa thạch gồm 3 phần (dưới) được làm giả thành hóa thạch nguyên khối. Ảnh: THX.

Tờ Bắc Kinh buổi chiều cho hay, nhà nghiên cứu Lý Thuần đã tiết lộ con số này trong bài báo đăng trên tạp chí Khoa học của Trung Quốc số ra mới nhất.

Theo nhà nghiên cứu này thì một khối lượng rất lớn các hóa thạch ở Trung Quốc lại bị đẽo gọt và tu sửa quá nhiều khiến chúng biến thành các hóa thạch giả. Theo ông Lý thì việc “tu sửa” các hóa thạch là một cách làm giả hóa thạch.

Trong các bảo tàng của Trung Quốc hiện nay, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều tiêu bản hóa thạch rất đẹp, sạch sẽ, tuy nhiên, trong quá trình khai quật và xử lý người ta hoàn toàn không chú ý đến vấn đề kỹ thuật và các kiến thức cổ sinh vật học. Nhiều trường hợp người ta còn để nông dân tự khai quật khiến các hóa thạch mất đi hình thái vốn có của nó. Trong trường hợp này, dù không cố ý làm giả hóa thạch nhưng chúng gần như không còn ý nghĩa về mặt khoa học.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu  này thì trong các viện bảo tàng Trung Quốc xuất hiện tình trạng các hóa thạch được “chắp vá” một cách vô lối, thiếu nền tảng kiến thức cơ bản. Thậm chí, còn có những “hóa thạch” do con người tự làm ra.

Ông Lý cho hay, bản thân ông từng biết rất nhiều trường hợp các hóa thạch khi khai quật lên không được hoàn chỉnh. Và người ta đã tự làm ra và thêm vào hóa thạch gốc những phần còn thiếu đó.

Hóa thạch là cơ sở quan trọng nhất để tiến hành các nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc ngụy tạo các hóa thạch sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với các kết luận khoa học được rút ra. “Hóa thạch giả cũng giống như thứ sữa có độc. Nó là một sự coi thường và xúc phạm đối với người xem”, Lý Thuần nói.

L.V.