Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, hậu Covid-19 đặc biệt xảy ra với người bệnh nặng phải nằm hồi sức trong quá trình điều trị.

“Có trường hợp hợp nằm hồi sức quá lâu và không thể về nhà, phải chuyển sang phục hồi chức năng. Tình trạng này xảy ra sau khi người bệnh nhiễm trùng nặng, nằm lâu nên cơ teo hết, hoặc bệnh nhân lệ thuộc máy một thời gian dài gây xơ phổi". 

{keywords}
Bệnh nhân 73 tuổi bị teo cơ sau khi nằm viện dài ngày điều trị Covid-19.

Trước hiện tượng một số người dân quá lo lắng hậu Covid-19 nên chủ động chụp Xquang phổi “để xem phổi có trắng xóa không”, ông cho rằng đây là việc làm … vô lý. Nếu phổi tổn thương, người bệnh sẽ có biểu hiện hô hấp, không thể xảy ra tình trạng “trắng phổi” trên một người khỏe mạnh, bình thường.

Ở một số trường hợp, người dân có thể nhầm lẫn dấu hiệu hậu Covid-19 trong khi đó là biểu hiện của một bệnh lý khác. Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh nên đi khám khi có triệu chứng, không nên đổ xô hay tập trung đến bệnh viện nếu không có biểu hiện. 

Thời gian qua, hàng ngàn người tại TP.HCM đang đối mặt với nhiều dấu hiệu mỏi mệt, đau nhức, lo âu sau khi khỏi Covid-19 một thời gian. Chất lượng cuộc sống, năng suất làm việc và đời sống tinh thần đều bị ảnh hưởng. Sở Y tế TP xác định hậu Covid-19 là một trong những mối quan tâm chính của ngành y tế trong năm 2022, sẽ xây dựng chiến lược, mô hình quản lý.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP, nhiều bệnh viện đã và đang thành lập khoa hậu Covid-19 như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Phục hồi chức năng Điều trị bệnh nghề nghiệp, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM…

Ở tuyến trung ương, có Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ Rẫy…

{keywords}
Người đã khỏi Covid-19 nhưng có triệu chứng có thể khám hậu Covid-19 tại bệnh viện.

Mới đây, Hội đông y TP.HCM phối hợp cùng các bệnh viện đã tổ chức thăm khám miễn phí cho khoảng 500 người bệnh có triệu chứng hậu Covid-19. Trong thời gian tới, mục tiêu sẽ chăm sóc cho khoảng 12.000 người bị ảnh hưởng sau nhiễm SARS-CoV-2.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc đánh giá, đây là sự quan tâm rất cần thiết khi người bệnh mang di chứng hậu Covid-19 hoang mang, không biết đi đến đâu để thăm khám, điều trị.

“Khi có các địa chỉ tin cậy, người dân được can thiệp kịp thời. Hậu Covid-19 chưa từng có tiền lệ, người dân rất lúng túng. Đối với những bệnh nhân ở tình trạng nặng, chúng tôi sẽ chuyển đến chuyên khoa phù hợp như chuyên khoa hô hấp, chuyên khoa tim mạch, tâm thần… nếu cần can thiệp lâu dài”, bác sĩ Ngọc Lan cho biết.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, phòng khám hậu Covid-19 tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân trong hơn một tháng qua, do những di chứng mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, rụng tóc...

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp của bệnh viện cho hay, hội chứng hậu Covid-19 xảy ra ở những người bệnh có các mức độ bệnh khác nhau, từ giai đoạn cấp tính, mức độ nhẹ và ngay cả với người không có triệu chứng.

“Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sau nhiễm Covid-19 sẽ bị suy giảm chức năng hô hấp kéo dài, yếu cơ, đau, mệt mỏi, trầm cảm, lo âu…dẫn đến chất lượng cuộc sống và năng suất lao động giảm sút”, bác sĩ Vinh chia sẻ.

{keywords}
Thực hiện cận lâm sàng cho người đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Tại Trung tâm phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mỗi ngày, có khoảng 50 người đến tập luyện về cơ, cơ hô hấp... Tất cả đều là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh một thời gian.

Bà C., 73 tuổi, sống tại TP Thủ Đức cho biết, bà nhập viện gần 1 tháng điều trị Covid-19. Sau khi được về nhà, bà đi lại rất khó khăn, chân bị teo cơ vì nằm quá lâu.

“Tôi không bị khó thở hay mệt mỏi nhiều nhưng đi lại rất chậm, đau. Xương khớp trước đó cũng đã hay nhức mỏi, bây giờ lại càng bất tiện hơn. Đi tập vật lý trị liễu mấy ngày đầu đã thấy cải thiện rõ rệt”, bà chia sẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng hậu Covid-19 xuất hiện ở người bệnh Covid-19 sau 3 tháng kể từ lúc nhiễm bệnh. Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất 2 tháng và không được giải thích bằng các bệnh lý khác. Cụ thể như:

Toàn thân: Mệt mỏi kéo dài, sụt cân, bứt rứt, cảm giác sức khỏe kém hơn trước, hay vã mồ hôi.

Hô hấp: Ho khan kéo dài, tức ngực, khó thở đặc biệt khi gắng sức, ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Tim mạch: Đau ngực, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim.

Thần kinh: Chóng mặt, đau nhức các cơ, mỏi cơ, mau quên, khó tập trung, không suy nghĩ được (hiện tượng não sương mù), đau đầu và đột quỵ.

Tâm thần: Lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, hoảng sợ.

Da: Nổi ban đỏ ở da, sưng và đỏ các ngón tay và chân, chấm xuất huyết ở da, rụng tóc.

Tiêu hóa: Biếng ăn, đau họng, khó tiêu, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, nôn, buồn nôn.

Tai mũi họng: Ù tai, nghe kém, mất mùi, mất vị giác, khó nói.

Xương khớp: Đau khớp, phù chân, rối loạn vận động.

Mắt: Đỏ mắt.

Vấn đề kinh nguyệt.

Tại Việt Nam, gần 2% dân số mắc Covid-19 nhưng chưa có ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu Covid-19 trong cộng đồng. Riêng TP.HCM, có hơn 300.000 người bệnh đã xuất viện, nhu cầu được chăm sóc hậu nhiễm là vấn đề đáng quan tâm.

Sở Y tế TP.HCM hiện đã xây dựng mô hình tháp 3 tầng để triển khai quản lý, phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh hậu Covid-19. Trong đó, tầng một là cấp y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ), tầng hai là bệnh viện tuyến quận, huyện (chăm sóc người bệnh mức độ trung bình), tầng ba là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối (điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch).

"Hai tầng đầu tập trung mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng", tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở y tế TP.HCM chia sẻ. 

Linh Giao

Chuyên gia nổi tiếng khuyến cáo những lầm tưởng nguy hiểm về hậu Covid-19

Chuyên gia nổi tiếng khuyến cáo những lầm tưởng nguy hiểm về hậu Covid-19

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng về sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 liên quan đến bệnh lý khác nhưng lại bị nhầm là di chứng của hậu Covid.