- Người đưa ra đề xuất thi tuyển thứ trưởng - ĐBQH Lê Thanh Vân - nhận định đã thi tuyển thì mọi ứng viên đều bình đẳng. Quan trọng là ai chấm thi.
>> Dân chủ hóa công tác cán bộ
VietNamNet hỏi chuyện ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân sáng nay bên hành lang QH, sau khi ông nêu đề xuất hôm thứ 6 cần thi tuyển công khai, minh bạch quan chức từ thứ trưởng trở xuống:
Vì sao ông coi việc thi tuyển công khai là bước đột phá trong công tác cán bộ?
Theo tôi phải phân biệt cán bộ chính trị và cán bộ hành chính. Cán bộ chính trị là những chính khách, mà chính khách được hình thành từ con đường tín nhiệm là chính. Tức là thông qua bầu cử, thông qua phê chuẩn. Những cán bộ này không thực hiện thi tuyển mà có chương trình hành động để trình bày trước một tập thể.
XEM ĐB LÊ THANH VÂN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN:
Thế còn từ thứ trưởng trở xuống là những viên chức hành chính, đó là những người thực thi chính sách pháp luật, đòi hỏi cần có kỹ năng nghề nghiệp rất cao, kiến thức chuyên môn sâu.
Sở dĩ tôi nêu đề xuất trong phiên thảo luận về việc thi hành, ban hành hướng dẫn các văn bản luật nghị quyết của Quốc hội là vì nhìn vào bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay thì thấy những người thực thi chính sách pháp luật chất lượng chưa cao. Nguyên nhân là ở chỗ chất lượng của những người đứng đầu các đơn vị hành chính không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.
Vì vậy theo tôi phải thi tuyển cạnh tranh, nghĩa là có sự sàng lọc giữa những ứng cử viên, những người có đủ tiêu chuẩn về kỹ năng hành chính, rồi có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu để giúp cho bộ trưởng thi hành những chính sách mà lĩnh vực bộ phụ trách.
Theo ông, những đối tượng nào có thể tham gia thi tuyển, phải là đảng viên, cán bộ nhà nước, hay có thể mở rộng cho những người làm việc ở khu vực tư hoặc không phải đảng viên?
Tôi nghĩ rằng là đã là thi tuyển thì tất cả những ứng cử viên, những thí sinh đều bình đẳng và hình thành từ nhiều nguồn trong xã hội. Có thể là những người đang hoạt động trong lĩnh vực trong bộ máy đó, nhưng cũng có thể những người ở ngoài lĩnh vực.
Nhưng cái quan trọng nhất là đề thi phản ánh được chất lượng thi tuyển ra sao, và điều quan trọng nữa là ai là người chấm cuộc thi đó để mà tìm ra được người tài. Phải có một hội đồng giám khảo anh minh, sáng suốt. Chính vì thế tôi đã có lần đề nghị ở nhiều kỳ họp Quốc hội nên có luật Trọng dụng nhân tài.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là ủng hộ sáng kiến đó. Nhưng trước mắt Chính phủ đang ban hành nghị định, quy định về trọng dụng nhân tài. Tôi nghĩ đấy cũng là dấu hiệu tích cực. Trong lúc thực hiện song hành cái đấy nên tổ chức thí điểm thi tuyển thứ trưởng ở một vài bộ, nếu đạt được kết quả thì mới quy định thành một quy trình có tính chất sàng lọc để lựa chọn những nhân sự có trình độ đáp ứng tiêu chuẩn thời kỳ hiện nay.
Thực ra thi tuyển quan chức không có gì là lạ. Trong lịch sử chúng ta cũng đã từng có những đợt thi tuyển tam trường, thi hương, thi hội, thi đình để tuyển ra người tài. Trong triều đại phong kiến của ta có những vị quan rất trẻ, như Nguyễn Hiền khi được bổ nhiệm Thượng thư bộ lễ lúc mới 19 tuổi thôi.
Tôi nghĩ việc thi tuyển đứng ra chọn những người lãnh đạo trong bộ máy hành chính là điều cần thiết, nó đáp ứng được cái đòi hỏi hiện nay khi mà công nghệ quản lý hành chính của chúng ta đang có nhiều vấn đề cần phải đổi mới, việc thi tuyển ấy là một bước đột phá trong công tác nhân sự.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương, UB Pháp
luật QH: Bổ nhiệm kiểu cũ thì ai cũng làm lãnh đạo được
Thi tuyển lãnh đạo là một xu hướng tiến bộ rất tốt, nhưng khả thi hay không còn
phụ thuộc việc thực hiên. Người ra đề thi, nội dung thi liệu có hiểu những yêu
cầu đối với vị trí cẩn tuyển? Họ phải là người rất am hiểu và từng kinh qua
những vị trí đó để biết cần những phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm gì.
Quan trọng nhất trong tuyển dụng lãnh đạo là đưa ra được tiêu chuẩn, tiêu chí rõ
ràng và phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu vẫn thi theo kiểu học thuộc lý thuyết
thì không đi vào thực chất. Người trong ngành đều hiểu những kiến thức đó, nhưng
để điều hành, không phải cứ thi tốt, lý luận tốt là làm được. Một chuyên viên
làm chuyên môn tốt có khi làm quản lý lại rất tồi. Người lãnh đạo phải có kiến
thức tổng hợp.
Phẩm chất cũng phải thực chất chứ không chỉ là đảng viên, trình độ chính trị,
sức khỏe... Đó là những tiêu chuẩn chung, nhiều người có, và cũng không phủ nhận
đó là những phẩm chất tốt. Nhưng chúng không mang tính quyết định. Phẩm chất là
ở chỗ có dám quyết đoán, đương đầu với khó khăn không, xử lý tình huống thế nào.
Nếu cứ tiếp tục bổ nhiệm, đề bạt và đánh giá cán bộ theo kiểu truyền thống thì
gần như ai cũng làm lãnh đạo được, chất lượng không đảm bảo, không đáp ứng được
yêu cầu công việc.
T.Lý - T.Chung - X.Quý - L.A.Dũng - H.Nhì