Hàng loạt doanh nhân thế hệ 9x bí ẩn bất ngờ xuất hiện trên thị trường với túi tiền khổng lồ. Không ít người đang quản lý những doanh nghiệp ngàn tỷ hay bỏ trăm tỷ thâu tóm những tài sản giá trị bậc nhất khiến nhiều người giật mình.

9x giàu có

Thông tin từ TCT Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam - Vneco (VNE) cho biết, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 99,86% vốn nắm giữ tại CTCP Du lịch Xanh Huế - đơn vị đang sở hữu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao Xanh Huế.

Theo đó, Vneco đã chuyển toàn bộ 20,77 triệu cổ phiếu (tương đương 99,86% vốn điều lệ) tại CTCP Du lịch Xanh Huế cho Công ty TNHH Khách sạn Silk Path và 2 cá nhân khác là Bùi Tú Phương và ông Tạ Đàm Hưng thu về gần 280 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path nhận 20,384 triệu cổ phiếu, bà Phương nhận 208.000 cổ phiếu, ông Hưng 178.000 cổ phiếu.

{keywords}
 

Điều đáng lưu ý là nữ doanh nhân Bùi Tú Phương (sinh năm 1992, 26 tuổi) là giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Khách sạn Silk Path - doanh nghiệp quản lý chuỗi khách sạn Silk Path 4-5 sao, từ Hà Nội cho tới Sapa và giờ là Huế. 

Như vậy, nữ doanh nhân này đã đại diện bỏ ra 277 tỷ đồng để thâu tóm quyền điều hành khách sạn lớn nhất Thừa Thiên Huế.

{keywords}
 

Con gái bà Trương Mỹ Lan cũng là một doanh nhân 9x tham gia vào hoạt động kinh doanh sớm. Chu Duyệt Phấn (Elizabeth Chu) năm nay mới 22 tuổi nhưng đã là Chủ tịch của ZS Hospitality Group - công ty đang sở hữu chuỗi 6 thương hiệu nhà hàng đa phong cách đặt văn phòng tại tòa cao ốc Nexxus ở khu trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông.

Doanh nhân trẻ tuổi gánh vác sự nghiệp gia đình

Cuối năm 2017 Chu Duyệt Phấn cùng với người chị họ Trương Huệ Vân đã thành lập công ty, chi 700 tỷ đồng mua căn biệt thự cổ 3 mặt tiền ở Quận 3 - TP.HCM. Đầu năm 2015, Chu Duyệt Phấn mở nhà hàng đầu tiên với tên gọi là Viet Kitchen & Bar chuyên về món ăn Việt sau khi cô đã đi khắp các nhà hàng Việt ở Hồng Kông. 

{keywords}
 

ZS Hospitality Group gần đây mở thêm nhà hàng chay và dự định mở thêm 4 nhà hàng phục vụ các món ăn của Mexico và Cuba, Italia, Thái Lan và các món quốc tế.

Cũng thời điểm cuối 2017, giữa lúc dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang được dư luận quan tâm, nhiều người không khỏi bất ngờ khi người lãnh đạo cao nhất của dự án BOT này là một chàng trai 9X.

Chủ đầu tư dự án này là liên danh CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái và CTCP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông số 1. Bắc Ái được hiện có vốn 900 tỷ đồng có các cổ đông cá nhân bao gồm ông Lê Tiến Thắng nắm giữ 82% vốn. Ông Lê Tiến Thắng gần đây từ chức và nhường lại vị trí lãnh đạo cao nhất công ty cho ông Nguyễn Tiến An, một doanh nhân còn trẻ sinh năm 1992, tại Vĩnh Phúc.

Tuy không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Bắc Á nhưng giám đốc Nguyễn Tiến An đang điều hành và quản lý công ty tham gia đầu tư hàng loạt dự án BOT, BT giao thông với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Một số các gương mặt 9x khác cũng đang điều hành các dự án BOT như tại: BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Tại CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA), ái nữ 9x Nguyễn Trần Thảo Nguyên - con ông Nguyễn Quang Hòa, Phó chủ tịch HĐQT công ty là cổ đông lớn nhất, hiện nắm giữ hơn 17% cổ phần. Tiêu thư sinh 9x của TNA nhận cổ tức hàng tỷ đồng mỗi năm.

Con gái Nguyễn Tuấn Hải, ông chủ tập đoàn ngàn tỷ Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ Sylvia cũng là một gương mặt 9x (sinh năm 1991) đang quản lý và sở hữu những doanh nghiệp có quy mô rất lớn. Tiểu thư 23 tuổi này hiện đang đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch HĐQT và phó TGĐ Alphanam Food và còn tham gia nhiều dự án kinh doanh, từ thiện khác.

Sự xuất hiện bất ngờ của nhiều gương mặt 9x với túi tiền hàng trăm, hàng hàng tỷ đồng hoặc/và nắm những vị trí quan trọng trong DN thời gian gần đây cho thấy dường như đang có một xu hướng mới trong đời sống kinh doanh của cộng đồng các DN Việt.

Xu hướng này được xem là dấu hiệu của một lớp doanh nhân hình thành sau thời kỳ đổi mới kinh tế đang bước sang tuổi xế chiều và cần một lớp người thay thế.

Ông chủ Alphanam Nguyễn Tuấn Hải trong vài năm gần đây đã lên phương án rút lui khỏi kinh doanh và chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận, bao gồm cả con trai và con gái. Ái nữ kế nghiệp nhà Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ (1991) cũng đã sẵn sàng cho những thách thức mới.

Khá nhiều ngọc nữ khác cũng đang cùng gánh vác công việc kinh doanh của gia đình như con gái ông chủ tập đoàn BĐS Nam Cường, Trần Thị Quỳnh Ngọc, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương…

Những cái tên khác như Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, Lê Diệp Kiều Trang (con gái phó tổng GĐ Casumina), Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Thanh Loan và Nguyễn Thanh Dung - con gái Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), ông Nguyễn Thanh Nghĩa,... cũng đang hướng tới việc quản trị DN của gia đình.

Có thể thấy, sự xuất hiện bất ngờ của nhiều ái nữ trên sàn chứng khoán là một xu hướng mới trong cộng đồng DN Việt. Nó cho thấy các đại gia đang chuyển một phần tài sản và quyền lực sang cho vợ và con như một cách để chuẩn bị tương lai cho DN gia đình.

H. Tú (Tổng hợp)