PetroVietnam cần một lượng tiền không nhỏ để tồn tại bây giờ. Ngân sách nếu có “cứu” tập đoàn, chắc cũng không thể chi nhiều. Liệu các ngân hàng dám chi thêm bao nhiêu để “nuôi” tập đoàn Dầu khí?

Kể từ đầu tháng 2-2016 cổ phiếu tài chính trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu gây bão. Giá dầu thô thấp đang thể hiện sức mạnh của nó.

Ngày 23-2-2016 tổng giám đốc một trong những định chế tài chính hàng đầu Hoa Kỳ JPMorgan phát biểu trên tờ Wall Street Journal rằng ngân hàng này có thể mất 3 tỉ đô la Mỹ do tài trợ cho lĩnh vực năng lượng. Ngay sau đó các định chế khác như Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, Wells Fargo đều lên tiếng tương tự. Giá dầu thấp không chỉ khiến giảm doanh thu, lợi nhuận hoặc đẩy nhiều công ty khai thác dầu khí quốc tế vào thua lỗ, mà còn làm hiện rõ hơn viễn cảnh họ không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam cũng không tránh khỏi khó khăn. Doanh nghiệp chủ lực quy mô ở vị trí nhất nhì nền kinh tế đang đối mặt không chỉ nguy cơ thua lỗ, mà còn phải tạm ngưng sản xuất, đóng một số mỏ, cắt giảm nhân công hay nói một cách trần trụi là sa thải người lao động. Nhân lực còn trụ lại, cả lãnh đạo, phải chịu giảm lương, thu nhập.

{keywords}

Nỗi lo dầu khí đang lan sang giới tài chính, chủ yếu là các ngân hàng đã tài trợ cho tập đoàn.

Chưa hết. Nỗi lo dầu khí đang lan sang giới tài chính, chủ yếu là các ngân hàng đã tài trợ cho tập đoàn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, đến ngày 30-6-2015 vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của PetroVietnam còn 82.070 tỉ đồng, đã giảm khoảng 10% so với cuối năm 2014. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 98.969 tỉ đồng. Như vậy tổng nợ vay của PetroVietnam không thấp hơn 181.039 tỉ đồng. Mặc dù đây là mức nợ vay cao nhất trong các doanh nghiệp nhà nước xét về con số tuyệt đối, nhưng vẫn còn khá an toàn so với nguồn vốn chủ sở hữu 434.100 tỉ đồng của PetroVietnam.

Tập đoàn Dầu khí không chỉ nợ bằng đồng Việt Nam, mà còn có những khoản vay bằng ngoại tệ, bởi thế bất cứ một sự điều chỉnh tỷ giá nào đều ảnh hưởng đến chi phí tài chính. Báo cáo tài chính cho biết trong sáu tháng, từ 1-1 đến 30-6-2015 lỗ chênh lệch tỷ giá của PetroVietnam lên tới 2.446 tỉ đồng. Các đợt điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam diễn ra tháng 8-2015, vì thế lỗ chênh lệch tỷ giá trong nửa cuối năm ngoái chắc chắn sẽ còn cao hơn sáu tháng đầu năm. Hiện giờ PetroVietnam chưa công bố báo cáo tài chính năm, nên chưa thể rõ lỗ chênh lệch tỷ giá cả năm 2015 là bao nhiêu.

Nếu giá dầu thô ở mức như từ năm 2014 trở về trước, hoặc thậm chí ở mức 50-60 đô la Mỹ/thùng, doanh thu và lợi nhuận của PetroVietnam thừa sức đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi. Chẳng thế mà các ngân hàng trước nay vẫn sẵn sàng cho dầu khí vay. Những “ông lớn” như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay cổ phần đều “hân hạnh” rót vốn cho các dự án dầu khí, các công ty dịch vụ dầu khí.

Giờ thì khác. Giá thành khai thác bình quân một thùng dầu thô của PetroVietnam vừa được tập đoàn công khai ở mức 24,4 đô la Mỹ. Cộng thêm đủ mọi thứ thuế và phí, phải bán ở mức giá 45 đô la Mỹ/thùng, nhà khai thác mới hòa vốn. Trong khi đó từ đầu năm đến nay giá dầu quốc tế chỉ quanh 30-32 đô la Mỹ/thùng, có thời điểm còn 26 đô la Mỹ/thùng. Khai thác là PetroVietnam lỗ, tạm ngưng đóng một số mỏ thì bớt lỗ hơn, nhưng dòng tiền không về. Không có tiền về, lấy đâu nguồn trả nợ ngân hàng?

Các chủ nợ sẽ phải tái cơ cấu nợ cho PetroVietnam. Những khoản vay ngắn hạn có thể chuyển thành trung, dài hạn; giảm bớt lãi vay, thậm chí khoanh, giãn một số khoản. Đương nhiên những ngân hàng hạch toán minh bạch theo chuẩn quốc tế sẽ phải trích lập thêm dự phòng rủi ro. Trên thế giới, có những khoản nợ chưa đến hạn trả, nhưng ngân hàng nhìn thấy rõ mười mươi người vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, thế là họ trích lập dự phòng liền, không cần phải đợi đến khi nợ trễ hạn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn giãi bày không ai ngờ giá nguyên liệu lại xuống dốc thảm hại như vậy, nên cho dù rất chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của một số doanh nghiệp, việc tài trợ cho dầu khí, khai khoáng, thu mua xuất khẩu nông, thủy hải sản bắt buộc phải được nhìn nhận lại và đánh giá dưới một góc độ an toàn khác. Việc tài trợ cho ngành đóng tàu, vận tải biển trước đây dường như vẫn còn là bài học “xương máu” cho không ít tổ chức tín dụng.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa. Để kéo dài khả năng thu hồi nợ, các ngân hàng cần phải nuôi nợ, tức là cho vay thêm để doanh nghiệp có thể hoạt động, tồn tại được, vượt qua thử thách, chờ giá dầu phục hồi. PetroVietnam cần một lượng tiền không nhỏ để tồn tại bây giờ. Ngân sách nếu có “cứu” tập đoàn, chắc cũng không thể chi nhiều. Liệu các ngân hàng dám chi thêm bao nhiêu để “nuôi” tập đoàn Dầu khí? Con số hẳn không thể chỉ vài ngàn tỉ đồng. Bảo dưỡng máy móc thiết bị tiêu tốn đâu ít tiền. Hỗ trợ người lao động cần không ít tiền. Tận dụng giá dịch vụ kỹ thuật đang rẻ để khoan, thăm dò các mỏ mới lúc này là hợp lý, nhưng có tiền để làm không? Ngân hàng nào “dũng cảm” cho vay để thăm dò các mỏ mới khi tương lai giá dầu còn bất định?

Trước mắt PetroVietnam đang thực hiện cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, dồn lực cho những mỏ có khả năng mang lại ít nhiều lợi nhuận hoặc nếu có lỗ khi khai thác thì lỗ ở mức chấp nhận được. Quá trình này diễn ra trong bao lâu và kéo dài thêm chừng nào thời gian, không có dự báo chính xác.

Trong báo cáo tài chính của tập đoàn, các khoản dự phòng và quỹ không quá lớn, như dự phòng phải trả ngắn hạn 8.686 tỉ đồng, dài hạn 3.610 tỉ đồng; dự phòng quỹ khen thưởng, phúc lợi 1.396 tỉ đồng; quỹ phát triển khoa học và công nghệ 2.590 tỉ đồng. Trong trường hợp chưa có ngay nguồn tài trợ, PetroVietnam vẫn còn “vùng vẫy” được, song nước đã rất gần chân rồi. Nhảy trước hay chờ nước đến chân mới nhảy? Bất luận thế nào, kinh tế Việt Nam cũng không thể không có một PetroVietnam. Đấy là điều đáng suy ngẫm!

(Theo TBKTSG)