Đáng nói, từ đa cấp, cây sanh…đến “cọng” lan phi điệp được hà hơi thổi giá tiền tỷ tiếp diễn tàn phá nhiều miền quê, khiến không ít gia đình rơi cảnh tan cửa nát nhà.

200 tỷ đồng/ chậu lan đột biến

Sau thời gian cơ quan chức năng vào cuộc, tình trạng trao đổi, “thổi” giá lan đột biến có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, những ngày cận tết này, thị trường lan, đặc biệt là chợ lan trên mạng xã hội (MXH) lại nở rộ, tổ chức sự kiện rầm rộ, thu hút nhiều người với quy mô lớn. Có chậu lan được hét giá lên tới 200 tỷ đồng.

{keywords}
Lan được khách của hàng Hiếu mời chào giá từ 2 đến 12 tỷ Ảnh: M.Đ

Cụ thể vào trung tuần tháng 12/2020, cư dân mạng, đặc biệt là những người chơi lan không khỏi dậy sóng với hình ảnh, video clip ghi lại sự kiện giao lưu lan diễn ra tại TP Hoà Bình.

Sự kiện được tổ chức với quy mô hoành tráng, kèm theo là những cây lan đột biến với giá được hét từ vài tỷ đến vài chục tỷ, thậm chí lên tới 200 tỷ đồng. Trên nền phông tại sự kiện, người ta in với cái tên rất đặc biệt như, “5 cánh trắng Pleiku”, “5 cánh trắng cờ đỏ”, “5 cánh trắng đại cát”…Nhà vườn chuyển nhượng “5 cánh trắng thảo chi” và “5 cánh trắng cờ đỏ nhiều nhất”, với khoảng 11 chậu var (lan).

Tiếp đó là màn chúc mừng nhà vườn tại Hòa Bình đã có màn chuyển nhượng lan “khủng”, và cho rằng, với chừng 14 chậu lan, có chậu giá 200 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, nhà vườn chuyển nhượng lan đang gây xôn xao là của anh Đỗ Bảo Dũng (ở Phương Lâm, TP Hòa Bình). Anh này chia sẻ, trước khi đến với nghề lan, anh làm công việc khác nhau như buôn bán nhỏ lẻ, cho thuê xe du lịch, kinh doanh nhà đất…Ở đâu thấy cơ hội thì đều thử sức với mong muốn tìm ra được thế mạnh của bản thân.

Vào năm 2016, anh Dũng mới bắt đầu tìm được cơ hội với những cây hoa lan, gây dựng vườn lan rộng 3.000 m2 tại Hòa Bình. Khu vườn có hơn 200 mặt hoa phi điệp.

Những cái bẫy hoàn hảo

Bên cạnh những lời chào mời có cánh, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giao dịch giữa các nhà vườn nên việc đề giá và giá trị thực của các chậu lan rất khó xác thực. Và đây cũng là những kịch bản được xây dựng công phu giống như những thương vụ kinh doanh đa cấp để dụ “con mồi”. Quả thực, kết thúc sự kiện, những hình ảnh giao lưu lan ở Hoà Bình xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, người đưa, kẻ đẩy và những màn giao dịch ảo xuất hiện.

Truy vết từ các giao dịch ảo cho thấy, chủ yếu những người trả giá rất cao, họ có mối quan hệ quen biết và đều là người sở hữu nhà vườn lan. Nếu “con mồi” không tỉnh sẽ dễ dàng sập bẫy phải trả với cái giá cắt cổ từ vài tỷ đến vài chục tỷ...

Chia sẻ với chúng tôi anh Nguyễn Văn Tám, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, nếu là dân “ngoại đạo”, chỉ cần cú nhấp chuột vào facebook chơi lan, sẽ có cả trăm kẻ hỏi mua, người chào bán. Chẳng hạn 1 chậu lan, được 1 bên rao bán với giá 1 tỷ, trong khi cả chục người hỏi mua với giá vài tỷ. Đáng chú ý, cả bên mua bên bán đều sẵn sàng đặt cọc. Bên bán chỉ cần nhận đặt cọc vài chục triệu, trong khi bên mua sẵn sàng đặt cho bạn vài trăm triệu điều này sẽ khiến nhiều con mồi ham lợi mà sập bẫy.

Nhưng bên mua sẽ ra điều khoản rất ngặt nghèo, nếu bạn không có cây như thoả thuận sẽ chịu mức phạt từ vài trăm triệu tới vài tỷ. Khi chúng thông đồng với nhau, bên bán có thể bùng, chấp nhận mất vài chục triệu, để bên đặt mua phạt vài tỷ.

Ngược lại, nếu bạn tiếp tục theo đuổi, bên bán sẽ yêu cầu bạn thanh toán toàn bộ tiền cho chậu lan, hoặc cọc rất cao lên tới tiền tỷ. Khi bạn cọc, trả tiền lấy lan xong, bên đặt mua (bên thứ 3) sẽ “bùng” bỏ khoản cọc một vài trăm triệu để ăn chia tiền tỷ thu được từ “con mồi” mà chúng đã bàn bạc tính toán trước, anh Tám nói.

Không chỉ Hoà Bình, lan đột biến cũng rầm rộ giao dịch tại tỉnh biên giới Lào Cai. Điển hình như anh Nguyễn Khắc Hiếu ở TP Lào Cai. Vài năm trở lại đây, anh Hiếu hì hục nghiên cứu, chăm bẵm những giò lan đột biến đến quên ăn, quên ngủ. Và anh Hiếu còn cầu kỳ nghĩ ra những cái tên khá mỹ miều đặt cho những giò lan của mình như: “5ct duyên phận”; “5ct xuyên đêm”; “5ct tấn phát”; “trắng văn sĩ”…

{keywords}
Những giò lan của anh Hiếu ở Lào Cai - Ảnh: M.Đ

Mới đây, tôi có dự đám cưới ở Lào Cai, dù trời đã nhá nhem nhưng vẫn quá bộ qua thăm vườn lan của anh Hiếu. Trước mắt tôi hiện ra là vườn lan không còn long lanh như trước. Nhâm nhi xong ly trà thì trời tối sập, anh năn nỉ mời nhậu. Cũng lâu không gặp cộng với câu chuyện lan chưa tan nhà đã nát, tôi đồng ý ở lại nhậu với anh Hiếu.

Vừa đề cập đến chuyện lan phi điệp, Hiếu đã gạt phăng đi. Anh Hiếu cho rằng, nhắc tới nó là nhắc tới nỗi đau của bản thân. Chính vì cái vườn lan này mà anh rơi vào cảnh nợ nần, bị vợ doạ đường ai nấy đi.

Anh Hiếu cho biết, để có vườn lan này, anh đã phải giấu nhẹm vợ con, gia đình, vác cả sổ đỏ, đăng ký ô tô để cầm cố lấy tiền đầu tư.

Giờ thì vườn lan vẫn nằm đó, mỗi tháng anh Hiếu phải rút hầu bao hàng chục triệu đồng để trả lãi. Dù không còn đủ tỉnh táo để gieo những vần thơ cho những giò lan như trước, nhưng hằng đêm anh vẫn thức trắng không phải lo cho vườn lan mà lo cho khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con đang bủa vây, như vòng kim cô ngày càng siết chặt trên đầu anh.

Ừ! Thì cũng là người biết chơi, là người có chút tiền so với đồng hội, nhưng tôi ngẫm có ai dám cá cược cả gia tài để thửa 1 cành lan về chơi. Phần lớn những người chơi lan họ đều có nhà vườn và kinh doanh cây cảnh.

Đối tượng lừa đảo sa lưới

Ngày 7/9/2020, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Sỹ (SN 1986, trú Yên Thuỷ, Hòa Bình), để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sỹ rao bán lan và lừa lấy của bị hại 1,47 tỷ đồng.

Tiếp đó, tháng 11/2020, Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, anh Nguyễn Quang Diễn phát hiện gốc lan đột biến HO trị giá 303 triệu đồng mua từ các đối tượng rao bán trên mạng. Tuy nhiên, cây lan của anh mua, được các đối tượng dùng keo 502 dính lại, trong giò lan chỉ có 1 thân lan loại HO, còn lại là phi điệp tím thường giá trị thấp.
Công an huyện Tân Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi), cùng ở huyện Yên Thủy, Hòa Bình để làm rõ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với thủ đoạn tương tự, từ đầu năm 2020, các đối tượng Điệp, Đô, Sự đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo bán lan đột biến khác chiếm đoạt tài sản của nhiều người tại địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Ninh, Thanh Hóa... với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

(Theo Tiền Phong)