- Hàng ngày, hàng giờ những căn bệnh ung thư quái ác vẫn đang âm ỉ ngấm sâu vào cơ thể những người dân thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội bởi khí, bụi, hóa chất độc hại thải ra từ các cơ sở sản xuất tượng đá ở đây. Đến khi phát bệnh, họ mới ngã ngửa người ra vì đã mắc bệnh ung thư nhưng đã quá… muộn màng.
      
Những cơ sở sản xuất tượng sử dụng hóa chất ở thôn Xuân La bắt đầu hoạt động từ năm 2001 cho đến nay có 5 xưởng làm tượng, trong đó phải kể đến các xưởng Q.M, C.N, L.V.T, N.V.M… với số lượng lên đến hàng chục công nhân.

Theo ghi nhận, các cơ sở sản xuất này nằm xen kẽ với khu dân cư đông đúc, ngay cạnh trường tiểu học Xuân La, vẫn ngang nhiên hoạt động, ngày ngày thải khói, bụi, hóa chất độc hại ra môi trường!

Dân kêu không thấu!


Căn bệnh ung thư đã cướp đi biết bao mạng sống của người dân Xuân La. Chúng tôi không khỏi giật mình khi nghe con số thống kê của anh Đặng Đình Thăng- trưởng thôn Xuân La cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây (tính từ năm 2001) trung bình có 10- 12 người chết/ năm vì do các căn bệnh ung thư phổi, vòm họng, dạ dày, chưa kể đến mắc ung thư nhưng còn mặc cảm với bệnh tật mà không dám nói ra… đa số trong độ tuổi từ 40- 50 tuổi, chiếm khoảng hơn 60% số người chết mỗi năm.

Bà Đặng Thị Cạnh, 77 tuổi thở dài đau xót khi nhìn vào di ảnh đứa con trai trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút nhang khói.


Điều đáng lo ngại, trong 2 năm 2010, 2011 những con số này còn gia tăng thêm, trung bình có 16- 18 người chết vì ung thư. Nhiều trường hợp “chết đôi” do ung thư như vợ chồng anh Đào Văn Chất, chị Nguyễn Thị Huề và hai anh em anh Lê Văn Troạc và Lê Văn Đạt.

Bà Đặng Thị Cạnh, 77 tuổi thở dài đau xót khi nhìn vào di ảnh đứa con trai trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút nhang khói: “Con trai tôi vừa mất vì căn bệnh máu nhiễm khuẩn, đang sống khỏe mạnh mà đùng cái phát bệnh chết ngay mới ngã ngửa người ra vì mắc phải ung thư. Ngày mai cũng vừa tròn 49 ngày nó mất”.

Hiện trong làng còn gần 10 người đang từng ngày vật lộn với các căn bệnh ung thư phổi, ung thư dạ dày… giành giật giữa sự sống và cái chết. Bác Vũ Thị Duyên, 52 tuổi đã phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng hơn 1 năm nay, tốn hàng chục triệu đồng để chạy chữa thuốc thang, xạ trị nhưng càng ngày càng gầy yếu, héo hon, hi vọng còn rất mong manh.

Đã nhiều năm trôi qua, người dân Xuân La phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

Nằm sát ngay cạnh xưởng làm tượng đá, bác Nguyễn Thị Thu bức xúc: “Môi trường rất kinh khủng, ngột ngạt bởi gió nồm thổi khói bụi, khí độc thốc thẳng vào nhà, hầu như không lúc nào tôi dám mở cửa. Nhiều hôm bưng bát cơm mà không thể ăn được nữa vì mùi hóa chất xộc thẳng vào mũi”.

Chị Trần Thị Ngà, một người dân thôn Xuân La kể, mùi hóa chất đậm đặc nhất tầm lúc 12 giờ trưa cho đến 2, 3 giờ chiều khi các xưởng ở đây đua nhau xả khói bụi và khí độc ra môi trường. Những cột khói bụi lan tỏa cả hàng trăm mét. Bể nước nhà nào cũng bị khói bụi bao phủ, đóng cặn đen sì dày đến năm phân.

Trước đây, hầu như hơn 700 hộ dân ở Xuân La đều dùng giếng nước khoan những các cơ sở sản xuất tượng đá hàng ngày xả nước thải làm ô nhiễm nguồn nước trầm trọng nên người dân chuyển sang dùng bể lọc nhưng vẫn không tránh khỏi bụi, khói, hóa chất.

Những nạn nhân hậu quả nặng nề nhất ở cái làng Xuân La này lại là chính những người công nhân làm trong các xưởng tượng, mặt bàn. Phần lớn họ là những người không có công ăn việc làm ở làng hay ở nơi khác đến, chấp nhận khói,  bụi, hóa chất để đổi lấy đồng tiền cho gia đình.

Từ những người đứng đổ khuôn tượng, người phun đen, phun màu, phun bóng cho đến người đánh giáp, họ đều phải tiếp xúc trực tiếp với bột đá, với hóa chất composite. Họ biết công việc mình đang làm độc hại cho sức khỏe, biết những hóa chất ấy có thể gây ung thư nhưng vẫn kéo nhau lao vào.

Thu nhập của các công nhân cũng đủ cho họ trang trải cuộc sống, từ 3 đến 5 triệu cho những người đứng đổ và phun hóa chất; khoảng 900 ngàn đồng đến 1,5 triệu cho những người công nhân đánh giáp.

Sau một vài năm làm việc, hầu như công nhân ở các xưởng da mặt ai cũng xanh xao, gầy sọp hẳn đi, không ít người đành phải bỏ việc.

Anh Nam, người đã từng là công nhân làm tượng cho biết: “Hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với bụi, khói, hóa chất, nó ngấm dần vào cơ thể nên những bệnh về đường hô hấp không thể tránh khỏi. Có thể mới đầu chưa phát bệnh nhưng lâu dài phát hiện bị ung thư thì mới sợ, mà bị ung thư thì coi như chờ chết, làm gì có tiền chạy chữa”.

Và anh đã bỏ nghề được vài năm, chuyển sang kiếm sống bằng nghề chợ búa nhưng căn bệnh viêm phổi vẫn hành hạ anh.

Hàng ngày, hàng giờ những căn bệnh ung thư quái ác vẫn đang âm ỉ ngấm sâu vào cơ thể những người dân thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội bởi khí, bụi, hóa chất độc hại thải ra từ các cơ sở sản xuất tượng đá ở đây.



Điều đáng lo ngại, theo kết quả kiểm tra, đánh giá của phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Phú Xuyên, các cơ sở này đã sử dụng hóa chất độc hại composite trong công nghệ sản xuất. Đây là loại hóa chất rất độc hại, người hít phải thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, lâu dài là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư.

Trực tiếp bước vào các xưởng tượng, chúng tôi đã ngột ngạt bởi khói bụi mù mịt, mùi hóa chất hăng hắc, đặc quánh tỏa ra.

Thế nhưng, khi hỏi các chủ xưởng về việc có sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất hay không, đều nhận được một câu trả lời tỉnh bơ: “Làm gì có hóa chất, chỉ có phẩm màu với bột vải thôi nên nước thải mới có màu đen như thế, có độc hại gì đâu”.

Vẫn phải đợi chờ…

Nhiều năm trở lại đây, người dân đã vô cùng bức xúc gửi đơn khiếu nại, “cầu cứu” lên chính quyền xã, phòng tài nguyên môi trường huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Đã có nhiều đoàn chuyên gia môi trường về Xuân La đánh giá thực trạng, nhiều giải pháp, nhiều lời hứa đã được đưa ra với bà con… thế nhưng đâu lại vào đấy.

Anh Đào Duy Mến- Bí thư chi bộ thôn Xuân La cho biết: “Cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường ở địa phương này kéo dài hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả”.
 

Người dân Xuân La bức xúc.


Trao đổi với Chủ tịch xã Phượng Dực, ông Nguyễn Văn Việt cho biết: “Chính quyền xã đã nhiều lần thành lập đoàn, xuống kiểm tra, lập biên bản yêu cầu các hộ sản xuất kinh doanh tượng phải đóng cửa, dừng ngay sản xuất…nhưng được một thời gian đâu lại vào đấy”.

“Thẩm quyền của xã không được cấp phép kinh doanh cho các cơ sở đó nên đã có văn bản báo cáo, giao trách nhiệm lên Công an môi trường huyện Phú Xuyên, phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên, Công an môi trường thành phố Hà Nội để… giải quyết”- ông Việt cho biết thêm.

Cùng vấn đề này, trao đổi với ông Ngô Xuân Hoá- Phó phòng TN - MT huyện Phú Xuyên, ông cho biết: “Phòng đã xin ý kiến Sở TN- MT Thành phố Hà Nội, cảnh sát Môi trường thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong 2 năm 2009 và 2011 về kiểm tra, đánh giá thực trạng, xử phạt hành chính các cơ sở sản xuất tượng (theo  Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 81/2006 NĐ- CP) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn không có kết quả gì. Các cơ sở sản xuất tượng hóa chất ở Xuân La vẫn vô tư, ngang nhiên hoạt động, thải hóa chất độc hại ra môi trường.

“Trước mắt, Phòng TN-MT huyện Phú Xuyên vẫn đang… đợi Sở TN-MT Thành phố Hà Nội để cùng vào cuộc quyết liệt và gay gắt hơn trong thời gian tới”!? - ông Hóa còn cho biết thêm.

Theo như ông Hóa, Phòng TN-MT huyện Phú Xuyện còn đang đợi Sở, không biết hơn 700 hộ dân ở thôn Xuân La phải đợi chính quyền xã, huyện, ngành chức năng đến bao giờ nữa khi họ vẫn đang từng ngày, từng giờ đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác mà không hề biết sẽ phát bệnh bất cứ khi nào!
 

Trong lá đơn xin cầu cứu Phòng Cảnh Sát môi trường Công an Thành phố Hà Nội của anh Nguyễn Văn Hon đã cho thấy hết nỗi bức xúc dồn nén từ lâu. Lá đơn có đoạn: “Ngày ngày người dân chúng tôi phải chịu 24/24 bầu không khí ngột ngạt, khó thở cùng các tiếng động rất lớn với những làn khói bụi, khói đen bay lên lan tỏa khắp các vùng gần xa.

Mọi đồ dùng trong nhà ngoài sân, bể nước đều bị lớp bụi đen phủ kín, ngay cả trong giấc ngủ cũng không được yên”.

Không chỉ dừng lại ở đó, lá đơn còn nhấn mạnh: “Độc hại hơn nữa là những hóa chất khi làm tượng thải ra có màu đen kịt như than cộng với mùi sơn xịt bong thải ra nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đây không còn là ảnh hưởng thông thường nữa mà là sự sống còn của người dân nơi đây”.

Người dân Xuân La vẫn mỏi mòn chờ đợi và chỉ ước mơ có một cuộc sống trong lành. Đó là những lời kêu cứu thao thiết, khẩn khoản của những người dân gửi đến chính quyền, các cơ quan chức năng, đã đến lúc họ không thể chịu đựng được nữa bầu không khí luôn ngột ngạt, đậm mùi hóa chất trong nhiều năm qua.

Anh Tuấn